Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra.
Điều 79 Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng như sau:"Điều 79. Xử lý vật chứng:1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.2. Vật chứng được xử lý như sau:a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;c) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;d) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án; đối với những tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng thì quyết định trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp các tài sản đó.4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự".
Qua thực tiễn áp dụng Điều 76 BLTTHS hiện hành về xử lý vật chứng và nghiên cứu Điều 79 Dự thảo, theo chúng tôi, nội dung của Điều 79 Dự thảo chưa đầy đủ và chưa chặt chẽ về bố cục.
Về nội dung
- Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 79:
Điểm a khoản 2 Điều 79 chưa phân biệt được vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thuộc quyền sở hữu của ai, họ có lỗi hay không đối với việc để tài sản đó được sử dụng vào việc phạm tội mà đã quyết định “tịch thu sung quỹ” là chưa chặt chẽ. Trong thực tiễn, vật làm công cụ, phương tiện phạm tội có thể thuộc sở hữu của người phạm tội hoặc của người khác. Việc phân biệt được chủ sở hữu và lỗi của chủ sở hữu trong việc để tài sản của mình làm công cụ, phương tiện phạm tội sẽ có cách thức xử lý khác nhau. Nếu vật làm công cụ, phương tiện phạm tội là tài sản thuộc sở hữu của kẻ phạm tội thì tịch thu sung quỹ Nhà nước; nếu thuộc sở hữu của người khác và người này không có lỗi trong việc để vật, tài sản đó sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại chủ sở hữu, nếu chủ sở hữu có lỗi để vật, tài sản đó sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì xử lý theo quy định tại Điều 41 BLHS (Các biện pháp tư pháp).
- Quy định tại điểm d khoản 2:
Ở điểm d khoản 2 chỉ quy định cách thức xử lý vật chứng trước mắt mà không quy định cách thức xử lý triệt để loại vật chứng này. Cụ thể là, sau khi bán hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản theo quy định của pháp luật thì số tiền thu được sẽ xử lý như thế nào? Do vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung quy định xử lý tiền thu được do bán hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản theo hướng phải căn cứ vào tính chất pháp lý của loại vật chứng đó (vật làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành, tài sản do phạm tội mà có hay tài sản của người khác bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật...).
- Quy định tại đoạn 2 khoản 3:
Trong thực tiễn có những trường hợp Cơ quan điều tra thu giữ, tạm giữ những tài sản của người phạm tội không phải là vật chứng, nhưng trong vụ án có phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản; nếu chỉ quy định "trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp" thì có thể khó cho việc thi hành án sau này, do vậy, theo chúng tôi cần bổ sung quy định kê biên tài sản đó để bảo đảm thi hành án.
Ngoài ra trong thực tiễn tố tụng còn phát sinh một số trường hợp vật mang dấu vết tội phạm thuộc sở hữu hợp pháp của người phạm tội hoặc của người khác được thu giữ thì chưa có quy định để xử lý.
Về bố cục
Khoản 2 quy định các cách thức xử lý các loại vật chứng khác nhau ("vật chứng được xử lý như sau...") trong khi đó ở đoạn 1 khoản 3 lại quy định thêm một trường hợp xử lý vật chứng nữa cùng với việc quy định cách thức xử lý tài sản không phải là vật chứng là không chặt chẽ về bố cục; theo chúng tôi, đoạn 1 khoản 3 cần quy định vào khoản 2 thì hợp lý hơn.
Từ những phân tích trên chúng tôi đề nghị Điều 79 Dự thảo nên trình bày như sau:
"Điều 79: Xử lý vật chứng
1. (Giữ nguyên như Dự thảo)
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội thuộc sở hữu của người phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 điều này thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc, tài sản của người khác là đối tượng của tội phạm, vật mang dấu vết tội phạm hoặc tiền bạc, tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật, thì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án. Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tiền bạc, tài sản đó thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, số tiền bạc thu được thì tùy theo tính chất pháp lý mà được xử lý theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
3. Đối với những tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng thì cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải quyết định trả lại ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, trừ trường hợp cần thiết phải kê biên tài sản đó để đảm bảo thi hành án.
4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự." (phần in đậm là phần đề nghị sửa đổi bổ sung).
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận