Quy định về hệ thống tổ chức thi hành án hình sự nước ta

Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự bao gồm ba loại: cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

Luật thi hành án hình sự năm 2010, ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực từ ngày 01/07/2011 quy định cụ thể về hệ thống các cơ quan tổ chức thi hành án ở nước ta.

Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự

Theo quy định tại Điều 10 Luật thi hành án hình sự, hệ thống tổ chức thi hành án hình sự bao gồm ba loại: cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự.

Thứ nhất, cơ quan quản lý thi hành án hình sự bao gồm cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Thứ hai, cơ quan thi hành án hình sự bao gồm trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu; Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương.

Thứ ba, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trại tạm giam cấp quân khu; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an

Theo quy định tại Điều 11 Luật thí hành án hình sự thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có 7 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Công an tổ chức triền khai thi hành pháp luật về thi hành án hình sự; chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thông nhất các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự; tổng kết công tác thi hành án hình sự;

2. Kiểm tra công tác thi hành án hình sự;

3. Quyết định đưa người chấp hành án phạt tù đến nơi chấp hành án;

4. Trực tiếp quản lý các trại giam thuộc Bộ Công an;

5. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo;

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự theo quy định của Luật thi hành án hình sự;

7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bo trưởng Bộ Công an giao.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng

Theo quy định tại Điều 12 Luật thi hành án hình sự thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng có 7 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành án hình sự; chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự; tổng kết công tác thi hành án hình sự trong quân đội;

2. Kiểm tra công tác thi hành án hình sự trong quân đội;

3. Quyết định đưa người chấp hành án phạt tù đến nơi chấp hành án theo quy định của Luật thi hành án hình sự;

4. Trực tiếp quản lý các trại giam thuộc Bộ Quốc phòng;

5. Thực hiện chế độ thông kê, báo cáo;

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự theo quy định của Luật thi hành án hình sự;
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh

Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 13 Luật thi hành án hình sự), Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có 9 nhiệm vụ, quyền hạn, chia làm hai nhóm với những nội dung cụ thể sau:

- Nhóm thứ nhất: Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án hình sự trên địa bàn cấp tỉnh, bao gồm việc chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành án hình sự đối với trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; tổng kết công tác thi hành án hình sự và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.

- Nhóm thứ hai: tiếp nhận quyết định thi hành án hình sự của Tòa án có thẩm quyền; hoàn tất thủ tục, hồ sơ và danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định; đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; tổ chức thi hành án trục xuất; tham gia thi hành án tử hình; quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giam, tạm giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ; ra quyết định truy nã và phối hợp tổ chức lực lượng truy bắt phạm nhân bỏ trôn khỏi trại tạm giam hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; quyết định trích xuất hoặc thực hiện lệnh trích xuất theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền; cấp giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt theo thẩm quyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật thi hành ản hình sự.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].