Sự khác nhau giữa phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội

Phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đều là trường hợp tội phạm không được thực hiện đến cùng. Hai trường hợp này khác nhau ở hai điểm: nguyên nhân tác động và hậu quả pháp lý.

Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định như sau:

Về phạm tội chưa đạt: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”
(Điều 18).

Về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này” (Điều 19).

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Phạm tội chưa đạt và tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội đều là trường hợp tội phạm không được thực hiện đến cùng. Hai trường hợp này khác nhau ở hai điểm: nguyên nhân tác động và hậu quả pháp lý. Cụ thể:

1. Về nguyên nhân tác động


Nguyên nhân tác động đến tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là do ý chí chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội. Điều kiện để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi:

- Việc chấm dứt thực hiện ý định hoặc hành vi phạm tội của người phạm tội phải “tự nguyện” và “dứt khoát”, có nghĩa người đó phải hoàn toàn từ bỏ ý định phạm tội hoặc hành vi phạm tội mà họ đã bắt đầu, chứ không phải tạm thời dừng lại chốc lát để chờ cơ hội, điều kiện thuận lợi khác hay chuẩn bị kỹ lưỡng và đầy đủ hơn công cụ, phương tiện phạm tội sẽ tiếp tục phạm tội;

- Việc chấm dứt thực hiện tội phạm phải và chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội và giai đoạn phạm tội chưa đạt, chứ không thể xảy ra ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành hay giai đoạn tội phạm hoàn thành;

- Điều kiện khách quan không có gì ngăn cản việc thực hiện, nếu người phạm tội muốn thực hiện tội phạm, họ hoàn toàn có thể tiến hành được.

Như vậy, trường hợp người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là xuất phát từ ý muốn chủ quan của bản thân họ quyết định không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa nên ở góc độ nào đó, hành vi này được xem là đã mất tính nguy hiểm cho xã hội.

Trong khi đó, đối với hành vi phạm tội chưa đạt việc người phạm tội không tiếp tục thực hiện tội phạm nữa lại là do nguyên nhân khách quan tác động (chứ không phải do chủ quan như tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội) khiến cho hành vi phạm tội không thể thực hiện được đến cùng.

2. Về hậu quả pháp lý

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Còn người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm trong trường hợp hành vi của họ không cấu thành tội phạm khác; còn nếu hành vi của họ đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].