Tội buôn lậu được quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
1. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là sự xâm phạm chính sách quản lý nội thương và ngoại thương.
2. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, tức là các cá nhân thoả mãn 02 dấu hiệu về độ tuổi (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên), và năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của “tội buôn lậu” được thể hiện ở hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, các vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa hoặc hàng cấm. Hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng nói trên của người phạm tội là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới như:
- Hành vi không khai báo thể hiện ở việc người buôn bán các mặt hàng kể trên qua biên giới nhưng không thực hiện nghĩa vụ khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chủng loại, số lượng theo đúng quy định, người phạm tội có thể bằng cử chỉ, lời nói từ chối thẳng thừng việc khai báo hoặc không chịu ghi vào tờ khai hải quan theo các mục của Hải quan yêu cầu…
- Khai báo gian dối là hành vi người buôn bán hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm qua biên giới quốc gia tuy có khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhưng sự khai báo đó không phù hợp với thực tế về số lượng, chủng loại nhằm đánh lừa các cơ quan đó.
- Giả mạo giấy tờ là việc người buôn bán các loại hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa, hàng cấm qua biên giới quốc gia tuy có xuất trình giấy tờ nhưng đó là giấy tờ giả mạo.
- Hành vi trốn tránh sự kiểm soát của Hải quan hay các cơ quan quản lý cửa khẩu biểu hiện ở việc đi đường tắt qua biên giới, không qua trạm kiểm soát, lợi dụng sơ hở của lực lượng chống buôn lậu để đưa hàng hóa qua biên giới, tìm cách tẩu tán hàng hóa khi bị phát hiện.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm buôn lậu. Tội buôn lậu được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi chuyển hàng hóa một cách trái phép qua biên giới Việt Nam.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là nhằm buôn bán kiếm lợi bất chính. Người phạm tội nhận thức rõ được rằng hành vi buôn lậu là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì muốn thu được lợi nhuận cao nên họ vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận