Khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, những người có thẩm quyền kháng nghị để Tòa án xem xét lại Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị do phát hiện có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.
Các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, phải có một trong những căn cứ sau: (i) Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; (ii)Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; (iii)Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Chủ thể có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Khi phát hiện một trong những căn cứ kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
(i) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
(ii) Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực;
(iii) Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
(Điều 373 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Thẩm quyền giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự
Tòa án nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền Giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và theo quy định tại Điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Trình tự, thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự
Bước 1: Khi phát hiện vi phạm pháp luật trong thủ tục tố tụng, người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiềp với người có quyền kháng nghị hoặc Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).
Văn bản thông báo phải có đủ các nội dung sau:Ngày, tháng, năm; Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo; Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật;Nội dung vi phạm pháp luật được phát hiện; Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị.Văn bản này phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người thông báo, nếu cơ quan, tổ chức thông báo thì người đại diện phải ký tên và đóng dấu.
Bước 2: Khi nhận được thông báo, Tòa án, Viện kiểm sát phải vào sổ. Trường hợp trình báo thì các cơ quan này phải lập biên bản.Nếu có chứng cứ, tài liệu và đồ vật thì phải được lập biên bản thu giữ.
Bước 3: Cơ quan nhận thông báo phải gửi ngay văn bản, chứng cứ, tài liệu, đồ vật hoặc biên bản đến cơ quan có quyền kháng nghị, đồng thời thông báo cho người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.
Bước 4: Tòa án, Viện kiểm sát xem xét kháng nghị yêu cầu Tòa án đang lưu giữ, quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, Tòa án đang quản lý phải chuyển hồ sơ cho Tòa án, Viện kiểm sát đã yêu cầu. Nếu Tòa án và Viện kiểm sát cùng có văn bản yêu cầu thì Tòa án đang quản lý chuyển hồ sơ cho cơ quan nào yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau.
Bước 5: Trường hợp xem xét căn cứ đó là đúng thì người có quyền kháng nghị sẽ ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định.
Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm (Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015): Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật;Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại;Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án;Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự
Theo Điều 379 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định như sau:
Nếu kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Nếu kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án chết mà cần minh oan cho họ.
Thời hạn mở phiên tòa Giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự
Trong vòng 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiê tòa Giám đốc thẩm (Điều 385 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).
Phạm vi hành nghề của luật sư trong lĩnh vực hình sự:
(i) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo); người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã; bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;
Luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
(ii) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự. Chúng tôi cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật trong lĩnh vực pháp lý có liên quan đến lĩnh vực hình sự: hành chính, dân sự, hôn nhân, gia đình, đầu tư, doanh nghiệp, lao động, tài chính, kế toán… và nhiều lĩnh vực khác.
(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch; giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định.
Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các luật sư, chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:[email protected].
Bình luận