Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc, tội gá bạc - những lưu ý quan trọng

Đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc bị xác định là vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự (tội phạm), không căn cứ vào hậu quả, mà căn cứ vào: (i) giá trị tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc, (ii) quy mô cờ bạc, (iii) tái phạm.

01- Đánh bạc hợp pháp và đánh bạc trái phép:

Đánh bạc (còn gọi là cờ bạc, bài bạc, kiếp đỏ đen) là được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị dựa vào kết quả chưa rõ ràng của một sự kiện với một mục đích có thêm tiền bạc hoặc giá trị vật chất. Đánh bạc dựa trên ba yếu tố: sự tính toán, cơ hội và giải thưởng.

Tại nhiều quốc gia, cờ bạc hoặc bị cấm hoặc bị kiểm soát chặt chẽ bằng cách cấp phép. Tại một số quốc gia được coi là ‘tự do’ về cờ bạc, người tham gia đánh bạc vẫn phải đạt một độ tuổi nhất định.

Tại Việt Nam, đánh bạc “hợp pháp” được gọi là “trò chơi có thưởng”: sổ số, lô-tô, một số sòng bạc được cấp phép (“hoạt động kinh doanh casino”) tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Nam Hội An (Đà Nẵng), Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Đánh bạc (trái phép) tại Việt Nam là hành vi được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (cấp phép) hoặc được cấp phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép. Hành vi đánh bạc trái phép bị phát hiện tùy mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự (tội phạm).
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

02- Hành vi gá bạc:

Gá bạc là dùng địa điểm (nhà ở, cửa hàng, khách sạn, phòng trọ, tàu, xe, thuyền, bè…) quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho nhiều người đánh bạc. Người gá bạc thường sẽ thu tiền của những người đánh bạc (tiền hồ).

Một số quan điểm trước đây, dấu hiệu bắt buộc để xác định: có hành vi gá bạc hay không là có thu ‘tiền hồ’ (vụ lợi) hay không. Tuy nhiên, quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì trường hợp không thu tiền hồ, người có hành vi gá bạc vẫn bị coi là trái pháp luật. Người có hành vi gá bạc có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

03- Hành vi tổ chức đánh bạc:

Tổ chức đánh bạc là hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác tham gia đánh bạc. Tổ chức đánh bạc, xét về bản chất là hành vi đồng phạm đánh bạc thể hiện hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác tham gia đánh bạc nhưng có thêm dấu hiệu riêng là mục đích trục lợi. Đây là hành vi tương đối phổ biến cùng với hành vi đánh bạc. Người có hành vi tổ chức đánh bạc có thể bị xử lý hoặc xử lý hình sự.

Pháp luật phân biệt hành vi tổ chức đánh bạc và hành vi đánh bạc. Trong nhiều trường hợp giữa các hành vi này rất khó phân biệt. Có trường hợp người có hành vi tổ chức đánh bạc không bị xử lý hình sự về tội này (chưa cấu thành tội phạm) nhưng có thể bị xử lý về hành vi đánh bạc - đồng phạm với vai trò người giúp sức, người xúi giục.

04- Về hành vi phạm tội đánh bạc, gá bạc, tổ chức đánh bạc - lưu ý quan trọng:

Pháp luật hiện hành, hành vi đánh bạc, gá bạc, tổ chức đánh bạc, bị xác định là vi phạm hành chính hay vi phạm hình sự (tội phạm), không căn cứ vào hậu quả, mà căn cứ vào: (i) giá trị tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc, (ii) quy mô cờ bạc, (iii) tái phạm. Cụ thể Bộ luật hình sự quy định:

- Hành vi đánh bạc bị coi là tội phạm: khi trị giá đánh bạc từ 5.000.000 đồng, hoặc trong trường hợp tái phạm (hành chính, hình sự).

-Hành vi gá bạc bị coi là tội phạm khi: sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên, hoặc trường hợp tái phạm (hành chính, hình sự).

-Hành vi tổ chức đanh bạc bị coi là tội phạm khi: (i) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên; (ii) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên; (iii) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc; (iv) trong trường hợp tái phạm (hành chính, hình sự).

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

05- Lưu ý một số trường hợp đánh bạc, gá bạc, tổ chức đánh bạc:

Người có hành vi tổ chức đánh bạc, hoặc gá bạc, nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc, hoặc tội gá bạc, thì không bị xử lý hình sự về tổ chức đánh bạc hoặc tội gá bạc, nhưng có thể bị xử lý về tội đánh bạc - đồng phạm - với vai trò người thực hiện, hoặc người giúp sức, hoặc người xúi giục.
Người vừa có hành vi đánh bạc vừa có hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có thể bị xử lý đồng thời cả hai tội danh (phạm nhiều tội): đánh bạc và tổ chức đánh bạc (hoặc gá bạc).

Ví dụ 01: A mua 06 số đề, với tổng số tiền là 120.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 05 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 01 số đề mua với số tiền 70.000 đồng. Có một số trường hợp xảy ra:

-Trường hợp thứ nhất, hành vi của A bị phát hiện trước khi có kết quả mở thưởng, số tiền đánh bạc xác định là: 120.000 đồng, không phân biệt A có trúng đề hay không;

-Trường hợp thứ hai, A trúng 01 số đề mua với số tiền 70.000 đồng, thì số tiền đánh bạc xác định là: 120.000 đồng + (70.000 đồng × 70 lần) = 5.020.000 đồng, A phạm tội đánh bạc.

- Trường hợp thứ ba, A trúng số đề mua với số tiền 10.000 đồng, thì số tiền đánh bạc xác định là: 120.000 đồng + (10.000 đồng × 70 lần) = 820.000 đồng (dưới 5.000.000 đồng), A vi phạm hành chính;

- Trường hợp thứ tư, A trúng 01 số đề mua với số tiền 10.000 đồng, thì số tiền đánh bạc xác định là 820.000 đồng, nhưng có thêm tình tiết A đã từng bị xử lý hành chính về hành vi đánh bạc trước đó 09 tháng (tái phạm), A phạm tội đánh bạc.

- Trường hợp thứ năm, A mua 05 số đề nhưng trong 05 ngày khác nhau. Trong đó 04 ngày liên tiếp mỗi ngày mua 01 số đề với số tiền 10.000 đồng, 01 số đề mua với số tiền 80.000 đồng. A trúng số đề mua với số tiền 80.000 đồng, thì số tiền đánh bạc xác định là: 80.000 đồng + (80.000 đồng × 70 lần) = 5.680.000 đồng, nhưng bị xử lý với tình tiết tăng nặng định khung: “có tính chất chuyên nghiệp”.

Ví dụ 02: B là chủ đề, A và một số người khác mua số đề từ B. Nếu hành vi của B chưa cấu thành tội tổ chức đánh bạc (ví dụ chưa đủ số lượng 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên), thì B vẫn có thể bị xử lý về tội đánh bạc.

Ví dụ 03: C cho B mượn địa điểm để bán số đề. Đồng thời, C mua số đề từ B. Nếu hành vi của C chưa cấu thành tội gá bạc (ví dụ chưa đủ số lượng 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên), thì C vẫn có thể bị xử lý về tội đánh bạc. Nếu hành vi của C đã cấu thành tội gá bạc, C chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: đánh bạc và gá bạc.

06- Lưu ý khác liên quan đến tội phạm cờ bạc:

-Về chủ thể: theo quy định Bộ luật Hình sự, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đánh bạc, gá bạc, tổ chức đánh bạc.

-Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

-Không xem xét về hậu quả: pháp luật nghiêm cấm mọi hoạt động đánh bạc, gá bạc, tổ chức đánh bạc trái phép, coi đây là hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội. Thực tế, cờ bạc có thể dẫn đến hậu quả xấu. Vì ham mê cờ bạc, nhiều con bạc bê trễ công việc, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, khuynh gia bại sản. Từ cờ bạc dẫn đến các hành vi trộm cắp, cướp giật, anh em, bạn thân mâu thuẫn, xích mích do chuyện được thua trên chiếu bạc... Tuy nhiên, cơ quan tố tụng không cần chứng minh hậu quả do cờ bạc, mà xử lý căn cứ vào các dấu hiệu để xử lý: (i) giá trị tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc, (ii) quy mô cờ bạc, (iii) tái phạm.

07- Phạm tội: đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc có được hưởng án treo không:

Thực tế xét xử, tội đánh bạc quy định tại Khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự - có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn (tội phạm ít nghiêm trọng), nếu xét thấy có đủ điều kiện cho hưởng án treo, Tòa án có thể cho hưởng án treo.

Đối với những tội phạm đánh bạc (Khoản 2 Điều 321), tội gá bạc, tội tổ chức đánh bạc (tội phạm nghiêm trọng), tòa án sẽ rất cân nhắc khi cho hưởng án treo.

Pháp luật quy định trường hợp không cho hưởng án treo: Một là, người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Hai là, người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã; Ba là, người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo; Bốn là, người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi; Năm là, người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi; Sáu là, người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

08- 'Lỡ' phạm các tội cờ bạc, nên làm gì để được hưởng án treo:

Người bị buộc tội đánh bạc, tội gá bạc, tội tổ chức đánh bạc (bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo) nên liên hệ với luật sư để được tư vấn, hướng dẫn và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp dấu hiệu phạm tội rõ ràng, luật sư sẽ hỗ trợ theo hướng: thẩm định xem trường hợp của khách hàng có thể được hưởng án treo hay không; hướng dẫn áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có thể hưởng án treo như: khai báo thành khẩn, thực hiện khắc phục hậu quả; thu thập, chuẩn bị tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được hưởng án treo để giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Chúng tôi lưu ý, nhiều trường hợp do hiểu không đúng, người bị buộc tội hoặc thân nhân người bị buộc tội đã thực hiện những biện pháp không phù hợp, không những không giúp được cho người bị buộc tội, mà có thể gây bất lợi thêm cho người bị buộc tội. Ví dụ: việc áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Nhưng cũng cần hiểu rằng, pháp luật quy định: bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội. Nhiều trường hợp bị can, bị cáo vì muốn hưởng tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hoặc trong trường hợp bị mớm cung, bức cung, dùng nhục hình, đã khai báo không đúng sự thật và lời khai này trở thành chứng cứ kết tội họ.
Người đã bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt tù, nhưng thấy rằng mức hình phạt quá cao, hoặc có đủ điều kiện hưởng án, nên kháng cáo để đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét.

09- Lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

10- Dịch vụ pháp lý về hình sự của Công ty Luật TNHH Everest:

(i) Tư vấn pháp luật: Hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng trong lĩnh vực hình sự.

(ii) Dịch vụ tranh tụng: Luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo) và người bị tố giác (tố cáo), người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã, bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp. Chúng tôi có thể cử luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền lợi hợp pháp hoặc người đại diện cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.

(iii) Đại diện theo ủy quyền: Trong lĩnh vực hình sự, luật sư có thể đại diện cho khách hàng ngoài tố tụng để giải quyết các công việc có liên quan.

(iv) Dịch vụ pháp lý khác: Liên quan tới lĩnh vực hình sự, luật sư giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc về thủ tục hành chính, tư pháp như: giải quyết khiếu nại, dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch.Xem thêm:Dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hình sự của Công ty Luật TNHH Everest.

Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Duy Hội - Trưởng Chi nhánh Hà Nội của Công ty Luật TNHH Everest.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: i[email protected].