Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (bị xác định là tội phạm) là người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuộc trường hợp cố ý. Tỷ lệ tổn thương cơ thể để cấu thành tội phạm là từ 11% trở lên hoặc dưới 11% trong một số trường hợp (dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên, dùng a-xít sunfuric, Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân…).

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198


Căn cứ pháp lý của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 (gọi tắt là "Bộ luật Hình sự"), như sau:

"1- Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: (a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; (b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; (c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; (d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; (đ) Có tổ chức; (e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; (g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; (h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; (i) Có tính chất côn đồ; (k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:(a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; (c) Phạm tội 02 lần trở lên; (d) Tái phạm nguy hiểm; (đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: (a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; (c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; (d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:(a) Làm chết người; (b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; (d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; (đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: (a) Làm chết 02 người trở lên; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6- Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Các yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

(i) Khách thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người. Quyền này được hiến pháp và pháp luật bảo vệ, đòi hỏi các cá nhân và các chủ thể khác trong xã hội phải tôn trọng.Đối tượng là thân thể con người đang sống.

(ii) Khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Hành vi cố ý gây thương tích có điểm giống với hành vi giết người. Người phạm tội tác động vào thân thể nạn nhân để gây thương tích hay gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân: đâm, chém, đấm đá, đốt cháy, đầu độc v.v...

Hậu quả: Dấu hiệu hậu quả của tội cổ ý gây thương tích theo quy định tại điều luật này gồm một trong hai loại hậu quả:

Thứ nhất: Tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân từ 11% trở lên mà không có các tình tiết quy định từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều này. Cách tính tỷ lệ thương tích hay tổn hại sức khỏe tham khảo Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12 tháng 06 năm 2014 của Bộ Y tế.

Thứ hai: hậu quả tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe dưới 11% nhưng có các tình tiết quy định tại các Điểm từ a đến k Khoản 1 Điều này. Các tình tiết quy định từ Điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều này có nhiều tình tiết giống với tình tiết quy định tại Khoản Điều 123 quy định về tội giết người, cần chú ý một số chi tiết sau:Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người: Đây là trường hợp người phạm tội sử dụng công cụ phương tiện có tính nguy hiểm cao, chưa gây ra thiệt hại đáng kể nhưng có khả năng đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người. Đó là vũ khí bao gồm vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (xem Luật quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ quy định cụ thể từng loại vũ khí). Ngoài ra, người phạm tội có thể sử dụng hung khí nguy hiểm là các loại công cụ phạm tội gây nguy hiểm cao cho sức khỏe con người Theo Tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thì hung khí nguy hiểm bao gồm: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...; Về vật mà người phạm tội chế tạo ra: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... ; Về vật có sẵn trong tự nhiên: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt.

Theo quan điểm của người viết hung khí nguy hiểm còn là công cụ lao động, sản xuất hàng ngày có tính nguy hiểm cao mà người phạm tội sử dụng để cố ý gây thương tích cho người khác như: liềm, cuốc, xẻng.Khi áp dụng tình tiết này cần xác định người phạm tội dùng hung khí đó tác động vào phần nào của trên cơ thể cũng như ý thức chủ quan của người phạm tội có cố ý gây thương tích hay không. Nếu hung khí nguy hiểm nhưng người phạm tội cố ý nhằm vào khu vực không nguy hiếm đê tác động hoặc khi tác động không có ý thức gây thương tích nhưng vô ý gây thương tích cho nạn nhân thì không áp dụng tình tiết này.Ví dụ: A gây thương tích cho B tỷ lệ thương tích được xác định là 5% nhưng A dùng hung khí nguy hiểm A đã phạm tội cố ý gây thương tích theo quy định của Điều này. Tuy nhiên, nếu gây thương tích nhưng hậu quả không có thương tích (thương tích 0%) thì không cấu thành tội phạm cho dù có các tình tiết quy định từ điểm a đến Điểm k Khoản 1 Điều này.

Ngoài dấu hiệu hành vi và hậu quả mặt khách quan của tội này cũng đòi hỏi phải có mối quan hệ nhân quả.Hành vi của người phạm tội được thực hiện do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác; mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. So với tội giết người, thì sự cố ý trong trường hợp gây thương tích mức độ nguy hiểm có thấp hơn, vì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc để mặc cho nạn nhân bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe chứ không mong muốn nạn nhân chết.

(iii) Chủ thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

Người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 đến chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3- 4 và Khoản 5 điều này (loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng)

Hình phạt đối với người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Cần lưu ý tình tiết định không tăng nặng quy định tại Điểm a Khoản 4 và Điểm a Khoản 5 Điều này. Đó là trường hợp gây thương tích nhưng làm chết người. Vê lý luận đây thuộc trường hợp hỗn hợp lỗi: Cô ý với hành vi, vô ý với hậu quả. Đôi với hành gây thương tích (đâm đá, đâm chém....) người phạm tội có lỗi cố ý nhưng với hậu quả chết người thì người phạm tội vô ý (không mong muốn hoặc tự tin cho rằng hậu quả không xảy ra).

Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Bài viết thực hiện bởi: thạc sĩ, luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].