Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hành vi của người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lý của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 (sau đây tắt gọi là Bộ luật Hình sự) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

1- Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: (a) Làm chết người; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; (d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: (a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; (b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; (c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; (d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; (đ) Làm chết 02 người; (e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; (g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Làm chết 03 người trở lên; (b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; (c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4 - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm" (Điều 260).

Các dấu hiệu của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

(i) Khách thể của tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

Khách thể của tộivi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộlà: quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường bộ, đó là những quy định nhằm đảm bảo an toàn giao thông vận tải, đảm bảo cho hoạt động vận tải đường bộ được thông suốt, được tiến hành bình thường, và bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của công dân, bải vệ tài sản của Nhà nước, của các tổ chức và tài sản của công dân.

Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và gây thiệt hại tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

Chỉ những hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có tính chất nguy hiểm cao, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác và hành vi có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời mới bị coi là phạm tội hình sự. Đối với những hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà không có tính chất nguy hiểm, không gây thiệt hại cho người khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

(ii) Mặt khách quan của tội phạmvi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

Hành vi khách quan:Người phạm tội có hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ, cụ thể: đi quá tốc độ, chở quá trọng tải quy định, tránh, vượt trái phép; đi không đúng tuyến đường, phần đường; vi phạm các quy định khác về an toàn giao thông đường bộ như chuyên chở người, hàng không đúng số lượng, trọng tải quy định;.... Để xác định hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ, phải căn cứ vào các quy định tại Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Phương tiện giao thông đường bộ bao gồm các loại xe có động cơ (xe hơi, máy kéo, tàu điện bánh hơi, xe gắn máy và các loại xe chuyên dùng khác) và các loại xe thô xơ (xe thồ, xe đạp, xe được điều khiển bằng xúc vật: xe bò, xe ngựa,...). Người điều khiển phương tiện vận tải giao thông đường bộ là người trực tiếp thực hiện chức năng vận hành phương tiện để phượng tiện chuyển động và tham gia giao thông.

Hậu quả: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là tội phạm có cấu thành vật chất. Vì vậy, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc đối với tội này. Nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại về tính mạng (làm chết người) hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ (gây thương tích), tài sản của người khác thì không cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 126 Bộ luật Hình sự. Trên thực tế, hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người, thiệt hại về tài sản rất nhiều. Hậu quả của tai nạn giao thông là một trong những căn cứ để xác định trách nhiệm đối với người gây tai nạn.

Mối quan hệ nhân quả: Hành vi vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ là nguyên nhân dẫn đến hậu quả (tai nạn giao thông) gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác. Nếu thiệt hại không phải do hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì không cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Các dấu hiệu khách quan khác: Phương tiện giao thông đường bộ; địa điểm (nơi vi phạm là công trình giao thông đường bộ)… Việc xác định các dấu hiệu khách quan này là rất quan trọng, là dấu hiệu để phân biệt giữa tội phạm này với các tội khác.Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì “Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ”. Phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật giao thông đường bộ gồm “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ”.

(iii) Chủ thể của tội phạmvi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng (theo quy định tại điều 12 Bộ luật Hình sự ).

Chủ thể của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.

Điểm đặc biệt đối với chủ thể của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là người phạm tội có hành vi phạm tội khi đang tham gia giao thông đường bộ.

Theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì “Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.”

(iv) Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ là lỗi vô ý.Điều 11 Bộ luật Hình sự quy định về vô ý phạm tội như sau: “Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: 1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; 2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.”.

Hình phạt của người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ

Có 04 (bốn) khung hình phạt đối với những người phạm tội này, tương ứng với 4 khoản (từ khoản 1 đến khoản 4) được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự như sau:

(i) Khung 1: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, được áp dụng trong các trường hợp:Làm chết người;Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

(ii) Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm, khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Không có giấy phép lái xe theo quy định;Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;Làm chết 02 người;Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

(iii) Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 15 nămkhi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:Làm chết 03 người trở lên;Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

(iv) Khung 4: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 nămtrong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các hậu quả được nêu ở khung hình phạt thứ 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Tùy vào hành vi, hậu quả của tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định mức hình phạt mà tội phạm phải chịu.Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trách nhiệm của người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ

(i) Trách nhiệm hình sự của người phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 01 trong 04 khoản (từ khoản 1 đến khoản 4) Điều 206 Bộ luật Hình sự. Tùy vào hành vi vi phạm của tội phạm, hậu quả xảy ra trên thực tế để xác định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm theo khung hình phạt tương ứng.

Trường hợp miễn trách nhiệm hình sự:Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự quy định: “3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Điểm a, b khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm quy định về tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng như sau: “a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù”.

Như vậy, người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

(ii) Trách nhiệm dân sựcủa người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” (Khoản 1 Điều 584).

Vậy, người phạm tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự còn phải bồi thường thiệt hại về dân sự cho người bị thiệt hại. Việc xác định thiệt hại và mức bồi thường được quy định trong Bộ luật Dân sự và Nghị Quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán.
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Vì sao các tổ chức, cá nhân nên sử dụng dịch vụ pháp lý trong trường hợp có liên quan tới tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

Oan, sai, tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự tại Việt Nam hiện nay không còn hiếm. Tình trạng này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm... mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người;

Ngược lại, Việt Nam không hiếm trường hợp lại diễn ra tình trạng "hành chính hóa" hoặc "dân sự hóa" hành vi vi phạm pháp luật hình sự (tội phạm). Tố giác, tố cáo, tin báo tội phạm của tổ chức, doanh nghiệp, công dân không được giải quyết đúng pháp luật, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, không truy tố hoặc truy tố không đúng hành vi phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, các đương sự;

Sự tham gia của luật sư trong lĩnh vực hình sự đặc biệt là với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tố giác (tố cáo), người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên. Hoạt động bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc duy trì công lý.

Bài viết thực hiện bởi: Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].