Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự nước ta, Bộ luật Hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã ban hành những quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Trách nhiệm hình sự (viết tắt là TNHS) của pháp nhân trong khoa học pháp luật hình sự có thể hiểu là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng hình phạt đối với pháp nhân do luật hình sự quy định. Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự (viết tắt là BLHS) năm 2015, quy định khái niệm tội phạm, trong đó bổ sung chủ thể là pháp nhân thương mại. Như vậy, khi pháp nhân thương mại thực hiện hành vi bị coi là tội phạm, xâm hại đến các giá trị, quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ thì pháp nhân thương mại sẽ phải tự mình gánh chịu TNHS, không thể uỷ thác hoặc chuyển cho một pháp nhân khác như cơ quan quản lý cấp trên hay cho một pháp nhân con của mình chịu thay được.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7): 1900 6198

Những quy định mới trong BLHS năm 2015 về TNHS đối với pháp nhân thương mại bao gồm:

-Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở TNHS “2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Cần hiểu khái niệm pháp nhân thương mại theo đúng tinh thần của nhà làm luật, đó là chỉ nên đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế. Còn những pháp nhân khác hoặc những tổ chức không có tư cách pháp nhân , như: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,... thì không là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Thứ hai, bổ sung nguyên tắc xử lý pháp nhân phạm tội

Khoản 2 Điều 3 BLHS năm 2015 có quy định: “Đối với pháp nhân thương mại phạm tội: a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra”.

- Thứ ba, quy định pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu TNHS

Khoản 2 Điều 6 BLHS năm 2015, quy định:“Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Quy định này mang tính pháp điển hóa những quy định trong các Điều ước quốc tế về tội phạm mà Việt Nam là thành viên như Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961; Công ước về các chất hướng thần năm 1971; Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988; Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 và Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000; Công ước chống tham nhũng năm 2003; Công ước chống tra tấn năm 1984; và các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, cướp biển, bắt cóc con tin,...

- Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm hình phạt theo hướng mở rộng chủ thể, Điều 30 BLHS năm 2015 quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”. Đồng thời, BLHS năm 2015 còn quy định mục đích của hình phạt đối với pháp nhân thương mại ngoài việc trừng trị còn nhằm mục đích giáo dục, răn đe, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an toàn và sự phát triển của xã hội, qua đó góp phần đảm bảo sự công bằng trong xử lý hình sự giữa cá nhân với pháp nhân thương mại theo đúng nguyên tắc “Mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác và thực tiễn pháp nhân thương mại phạm tội ở Việt Nam và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, BLHS năm 2015 quy định bao gồm hai loại hình phạt là hình phạt chính và hình phạt bổ sung, cụ thể:

+Hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

+ Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

-Thứ sáu, các nhà lập pháp đã xây dựng riêng một chương mới - Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định về điều kiện, phạm vi chịu TNHS; các hình phạt và biện pháp tư pháp cụ thểáp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS; việc quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn hình phạt và xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án. Các quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân thương mại Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, các điều từ Điều 74 đến Điều 89, trong đó:

Một là, Điều 74 BLHS năm 2015 quy định: “Áp dụng quy định của Bộ luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”, đây là quy định cụ thể hóa hơn cho quy định tại khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015 về cơ sở của TNHS đối với pháp nhân.

Hai là, khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định những điều kiện cần và đủ để xác định TNHS đối với pháp nhân: “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này”.

Việc quy định những điều kiện trên, đáp ứng được nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 2, Khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng hành vi phạm tội gây oan sai. Những điều kiện trên cho thấy pháp nhân thương mại là một thực thể hoạt động độc lập, có quyền tự quyết định những vấn đề của mình như tinh thần mà Điều 74 BLDS năm 2015 quy định.

Điểm mới đáng lưu ý trong nội dung này, đó là tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Do vậy, trong quá trình áp dụng, giải quyết vụ án hình sự về tội có quy định TNHS của pháp nhân, trước hết, cần làm rõ các tình tiết, hành vi phạm tội và trách nhiệm của cá nhân hoặc pháp nhân (nếu có), trường hợp pháp nhân ra quyết định hoặc chỉ đạo cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thì phải xử lý hình sự đồng thời cả cá nhân và pháp nhân về tội phạm mà họ đã thực hiện. Trường hợp phát hiện tội phạm xảy ra, mà ban đầu mới xác định được trách nhiệm của pháp nhân, thì khởi tố vụ án, khởi tố pháp nhân phạm tội, sau đó tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý hình sự cá nhân liên quan – người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm việc xử lý TNHS đối với cá nhân, pháp nhân được toàn diện, triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm và cá nhân, pháp nhân phạm tội.

Ba là, về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại, loại tội mà pháp nhân phải chịu TNHS trong BLHS năm 2015:

Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới được đặt ra, do vậy việc xác định các tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHStrong BLHS 2015 thể hiện sự thận trọng, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm và phổ biến của những hành vi vi phạm xảy ra trong thực tiễn để quy định trong BLHS nhằm xử lý hành vi phạm tội thật phù hợp. Điều 76 của BLHS năm 2015 đã quy định 31 tội danh, trong đó, 22 tội thuộc Chương XVIII. Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 09 tội thuộc Chương XIX. Các tội phạm về môi trường, nếu phạm một trong các tội này, thì pháp nhân thương mại phải chịu TNHS.

Bốn là, về hình thức hình phạt, loại hình phạt, các biện pháp tư pháp và điều kiện áp dụng đối với pháp nhân phạm tội được quy định từ Điều 77 đến Điều 82 BLHS năm 2015 gồm: phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78), đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79), cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80), cấm huy động vốn (Điều 81) và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82).

Ngoài ra, một trong những điểm mới khác được bổ sung, sửa đổi trong BLHS năm 2015 đó là: Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân phạm nhiều tội (Điều 86); Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với pháp nhân (Điều 87); Miễn hình phạt (Điều 88); Xóa án tích cho pháp nhân (Điều 89). Nếu so với xóa án tích đối với cá nhân thì phạm vi được xóa án tích đối với pháp nhân hẹp hơn, vì xuất phát từ tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra bởi hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại cho xã hội là rất lớn, cho nên thu hẹp phạm vi được xóa án tích cũng thể hiện được tính răn đe, nghiêm khắc trong xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Năm là, quy định về tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại, tại Điều 84, Điều 85 BLHS năm 2015 và cũng tuân thủ quy định có tính nguyên tắc, đó là: “Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng trong khi quyết định hình phạt”.

Nguồn tham khảo: www.moj.gov.vn

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].