Về căn bản mô hình tố tụng của chúng ta là tố tụng xét hỏi, nhưng trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang từng bước đề cao tố tụng tranh tụng, coi kết quả tranh tụng tại phiên toà là căn cứ để toà án ra quyết định, bản án
Qua nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự của các nước và thực tiễn pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cho thấy, các nước theo mô hình tố tụng Anh - Mỹ thiên về tố tụng tranh tụng và luôn đề cao mục đích ổn định quan hệ xã hội thông qua xét xử. Trong khi đó, các nước theo mô hình tố tụng châu âu lục địa và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia lại thiên về tố tụng xét hỏi và đề cao yêu cầu xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, đồng thời không để lọt tội phạm.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay các hệ thống pháp luật này có xu hướng xích lại gần nhau, kế thừa và tiếp nhận những ưu việt của nhau hình thành nên những mô hình tố tụng đan xen, pha trộn. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, về căn bản mô hình tố tụng của chúng ta là tố tụng xét hỏi, nhưng trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang từng bước đề cao tố tụng tranh tụng, coi kết quả tranh tụng tại phiên toà là căn cứ để toà án ra quyết định, bản án. Mục đích của tố tụng hình sự không chỉ là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà quan trọng hơn là ổn định được các quan hệ xã hội, vừa bảo đảm được các quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng, vừa bảo vệ được các giá trị xã hội, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng, và mục tiêu cao hơn là giáo dục, cải tạo con người. Chính vì vậy, tố tụng hình sự nhiều nước trên thế giới có những quy định để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (hình phạt) đối với bị cáo được xét xử theo thủ tục rút gọn như Luật Tố tụng Hình sự của Liên bang Nga.Do đó, chúng tôi cho rằng việc quyết định hình phạt trong thủ tục rút gọn cũng nên đi theo hướng này. Thủ tục rút gọn ra đời nhằm mục đích giảm tải công việc của cơ quan tố tụng, giải quyết nhanh chóng những loại án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, sớm khôi phục lại các quan hệ xã hội bị xâm hại, là thủ tục có tác động giáo dục, cải tạo bị cáo và giáo dục cộng đồng một cách có hiệu quả. Như vậy, thủ tục rút gọn có lợi cho cả Nhà nước và công dân, việc giảm nhẹ hình phạt đối với bị can, bị cáo lựa chọn hình thức thủ tục rút gọn là một giải pháp cần thiết thúc đẩy việc áp dụng thủ tục này nhằm giải quyết nhanh chóng một lượng án khá lớn và quan trọng hơn là sớm ổn định được các quan hệ xã hội thông qua tố tụng. Đối với bị cáo thì đây thực sự là sự khoan hồng của Nhà nước đối với sự "cộng tác tích cực" của họ, đối với Nhà nước sẽ giảm được một lượng chi phí, nhân lực và thời gian đáng kể cho việc giải quyết các vụ án đơn giản.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, họ không chỉ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo lựa chọn hình thức thủ tục rút gọn, nhiều nước như Hoa Kỳ, Đức, Italia... còn có hình thức mặc cả thú tội, mặc cả giảm nhẹ hình phạt, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhìn trên phương diện bình đẳng trong tố tụng hình sự thì hình thức này có vẻ không công bằng, song nhìn trên bình diện tổng thể thì hình thức này mang lại lợi ích to lớn, đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên liên quan. Chẳng hạn: một người có hành vi vi phạm pháp luật môi trường đủ điều kiện cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, qua mặc cả thú tội họ thừa nhận hành vi phạm pháp, chấp nhận bồi thường cho các bên liên quan và nộp vào ngân sách nhà nước một khoản tiền phạt nhất định thì họ có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Cách giải quyết này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan và cả Nhà nước, cộng đồng.
Chính vì các lẽ đó, chúng tôi đề xuất, cần có những quy định cụ thể về việc quyết định hình phạt theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo khi áp dụng thủ tục rút gọn như cách quy định của BLTTHS Liên bang Nga (mức án áp dụng đối với bị cáo bằng 2/3 mức án áp dụng so với thủ tục thông thường).
(Nguồn:Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2010)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận