Về các trường hợp tội phạm hóa, phi tội phạm hóa trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Tội phạm hóa, hiểu theo nghĩa chung nhất theo luật hình sự Việt Nam, là quy định một tội phạm mới trong Bộ luật hình sự (BLHS) đối với hành vi trước đây chưa bị coi là tội phạm. Phi tội phạm hóa là không quy định trong BLHS hành vi trước đây đã bị coi là tội phạm.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Tội phạm hóa, hiểu theo nghĩa chung nhất theo luật hình sự Việt Nam, là quy định một tội phạm mới trong Bộ luật hình sự (BLHS) đối với hành vi trước đây chưa bị coi là tội phạm. Phi tội phạm hóa là không quy định trong BLHS hành vi trước đây đã bị coi là tội phạm. Việc tội phạm hóa hay phi tội phạm hóa các hành vi nào đó thuộc lĩnh vực hoạt động của nhà làm luật khi ban hành một đạo luật hình sự mới hay khi sửa đổi, bổ sung một đạo luật hình sự đã có. Việc xác định chính xác điều luật nào là điều luật quy định một tội phạm mới, điều luật nào là điều luật xóa bỏ một tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng hiệu lực của BLHS để giải quyết các vụ án hình sự.

Cơ sở để nhà làm luật tội phạm hóa hay phi tội phạm hóa hành vi nào đó là sự đánh giá về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và yêu cầu phòng, chống hành vi nguy hiểm cho xã hội nào đó. Nếu có cơ sở để cho rằng hành vi nào đó có tính chất nguy hiểm cho xã hội đáng kể, cần phải phòng, chống bằng các biện pháp hình sự (các biện pháp thuộc nội dung của trách nhiệm hình sự) thì nhà làm luật sẽ quy định hành vi đó là tội phạm trong đạo luật hình sự. Điều luật của BLHS quy định hành vi phạm tội mới nào đó mà trước đây chưa bị coi là tội phạm là "Điều luật quy định một tội phạm mới". Ngược lại, nếu nhà làm luật cho rằng hành vi phạm tội trước đây bị coi là tội phạm nhưng do sự thay đổi của hoàn cảnh khách quan đã không còn nguy hiểm đáng kể cho xã hội nữa, không cần áp dụng các biện pháp hình sự cũng có thể đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, thì sẽ không quy định hành vi đó là tội phạm nữa. Điều luật không quy định hành vi nào đó trước đây là tội phạm là "Điều luật xóa bỏ một tội phạm". Thuật ngữ "Điều luật quy định một tội phạm mới" và "Điều luật xóa bỏ một tội phạm" là những thuật ngữ được ghi nhận trong Điều 7 BLHS năm 2015.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015, thì điều luật quy định một tội phạm mới không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành[1]. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, điều luật xóa bỏ một tội phạm thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Điều này có nghĩa là, đối với người thực hiện hành vi trước ngày 1/7/2016 mà BLHS năm 1999 không quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 quy định là tội phạm, thì không được áp dụng BLHS năm 2015 để truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi. Đối với người thực hiện hành vi trước ngày 1/7/2016 mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm nhưng BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm, thì được áp dụng khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 để không truy cứu TNHS đối với người đó.

Trong hoạt động áp dụng pháp luật, nhất là hoạt động của những người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm...), điều có ý nghĩa quan trọng là cần phải xác định rõ phạm vi những điều luật nào là điều luật quy định một tội phạm mới (tội phạm hóa) và những điều luật nào là điều luật xóa bỏ một tội phạm (phi tội phạm hóa) để áp dụng đúng đắn các quy định có liên quan đến hiệu lực của BLHS.

1. Về những trường hợp tội phạm hóa trong một số điều luật của BLHS năm 2015

Theo các quy định của BLHS năm 2015, những trường hợp được coi là tội phạm hóa trong các điều luật của BLHS năm 2015 bao gồm các trường hợp sau đây:

Một là, BLHS năm 2015 tội phạm hóa bằng cách quy định mới các hành vi pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự trong các điều luật của BLHS.

Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên, bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

Theo các quy định của BLHS năm 1999, pháp nhân thương mại không thể phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) mặc dù có thể thực hiện hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 lần đầu tiên đã tội phạm hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân thương mại bằng việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện một số hành vi nguy hiểm bị coi là tội phạm trong BLHS .

Việc quy định pháp nhân thương mại có thể bị coi là tội phạm và phải chịu TNHS xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm trong bối cảnh vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng cao, mà các biện pháp xử lý phi hình sự tỏ ra chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Điều 76 BLHS năm 2015 đã quy định các điều luật về những tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điều luật này, phạm vi các hành vi phạm tội mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ giới hạn ở một số điều luật về tội phạm trong Chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX) của BLHS năm 2015. Các điều luật quy định về tội phạm mới đối với pháp nhân thương mại phạm tội chỉ được áp dụng từ ngày 1/7/2016 trở đi.

Hai là, BLHS năm 2015 tội phạm hóa bằng cách mở rộng phạm vi các hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự do người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện trong các điều luật của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999.

Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 1999, người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nghĩa là họ chỉ có thể phải chịu TNHS về những tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù trở lên. Như vậy, theo quy định của BLHS năm 1999, người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu TNHS đối với các tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là không quá 07 năm tù. .

Khác với BLHS năm 1999, trong một số trường hợp, BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi phải chịu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi bằng cách quy định một số trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi không những phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà còn có thể phải chịu TNHS về một số tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng. Theo khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS; về tội hiếp dâm theo Điều 141 BLHS và về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 169 BLHS, bất kể thuộc khoản nào của các điều luật trên. Với những quy định đó, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuộc trường hợp được quy định tại khoản khoản 1, 2 Điều 134 BLHS năm 2015 (Khoản 1, 2 Điều 104 BLHS năm 1999), hành vi hiếp dâm thuộc khoản 1 Điều 141 BLHS năm 2015 (khoản 1 Điều 111 BLHS năm 1999), hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 169 BLHS năm 2015 (khoản 1 Điều 134 BLHS năm 1999) do người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện, đều bị coi là tội phạm và phải chịu TNHS. Đây chính là việc tội phạm hóa hay là quy định về tội phạm mới trong các điều luật của BLHS năm 2015.

Ba là, BLHS năm 2015 tội phạm hóa bằng cách bổ sung một số điều luật về tội phạm mới trong Phần các tội phạm của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999.

BLHS năm 2015 đã bổ sung một số điều luật quy định về một số tội danh mới và cũng là tội phạm mới so với BLHS năm 1999. Các điều luật về các tội sau đây là các điều luật quy định về tội phạm mới: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154); tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167); tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187); tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216); tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294) và một số tội phạm khác.

Tuy nhiên, không phải tất cả các điều luật quy định tội danh mới đều là điều luật quy định tội phạm mới. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, cùng một hành vi với những tình tiết cụ thể giống nhau điều luật của BLHS năm 1999 và điều luật của BLHS năm 2015 lại quy định thành những tội danh khác. Ví dụ: các điều luật sau đây của BLHS năm 2015 là các điều luật quy định về tội danh mới chứ không phải là các điều luật quy định về tội phạm mới: Tội vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).... Các điều luật về các tội trên thực chất là quy định cụ thể về các hình thức biểu hiện của hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã được quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999, cho nên các điều luật đó chỉ là các điều luật quy định về tội danh mới chứ không phải là các điều luật quy định về tội phạm mới.

Cũng có thể thấy tinh thần này qua quy định của các điều luật về các tội khác, như tội bắt cóc con tin (Điều 301 BLHS 2015), tội cướp biển (Điều 302 BLHS năm 2015). Đây là những tội danh mới, không phải là tội phạm mới. Bởi vì, hành vi bắt cóc con tin theo Điều 301 BLHS năm 2015 đã là một dạng của hành vi phạm tội được quy định trong tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật tại Điều 123 BLHS năm 1999; hành vi cướp biển theo Điều 302 BLHS năm 2015 đã là một dạng của hành vi phạm tội được quy định trong tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS năm 1999. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tội gian lận bảo hiểm y tế (các điều 213, 214, 215 BLHS năm 2015) là những tội danh mới, nhưng không phải là tội phạm mới, bởi vì các hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để chiếm đoạt tiền bảo hiểm đã được coi là một dạng của hành vi phạm tội được quy định trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS năm 1999...

Bốn là, BLHS năm 2015 tội phạm hóa bằng cách bổ sung hành vi phạm tội trong các điều luật cụ thể của BLHS năm 2015 so với điều luật của BLHS năm 1999.

Một số điều luật của BLHS năm 2015 đã bổ sung hành vi "quan hệ tình dục khác" bên cạnh hành vi "giao cấu" là hành vi phạm tội mới của một số tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người. Bằng cách đó, đã tội phạm hóa một số hành vi mà BLHS năm 1999 chưa coi là tội phạm. Ví dụ, hành vi quan hệ tình dục khác (khác so với hành vi giao cấu) trái với ý muốn người khác có thể bị coi là tội phạm trong các tội: Tội hiếp dâm (Điều 141); tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) ; tội cưỡng dâm (Điều 143); tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144)... Các điều luật trên được coi là các điều luật quy định một tội phạm mới, bởi vì ngoài hành vi giao cấu, các hành vi "quan hệ tình dục khác" trái với ý muốn người khác chưa được quy định là tội phạm trong BLHS năm 1999, mới được quy định là tội phạm trong các điều luật của BLHS năm 2015.

Một số điều luật về tội phạm xâm phạm sở hữu quy định trong BLHS năm 2015 đã bổ sung tình tiết tài sản chiếm đoạt "là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại" là dấu hiệu của hành vi phạm tội trong trường hợp hành vi chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng. Tình tiết này được thể hiện trong các tội: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172); tội trộm cắp tài sản (Điều 173); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174). Như vậy cũng có thể nói, các điều luật về các tội phạm trên là các điều luật bổ sung hành vi phạm tội và các điều luật bổ sung hành vi phạm tội cũng được coi là các điều luật quy định tội phạm mới.

2. Về những trường hợp phi tội phạm hóa trong các điều luật của BLHS năm 2015

Những trường hợp được coi là phi tội phạm hóa trong các điều luật của BLHS năm 2015 bao gồm các trường hợp sau đây:

Một là, BLHS năm 2015 phi tội phạm hóa bằng cách xóa bỏ điều luật về tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS năm 1999.

Các điều luật về tội phạm cụ thể đã được BLHS năm 1999 quy định nhưng BLHS năm 2015 đã xóa bỏ, không coi là tội phạm nữa. Các điều luật về tội phạm được quy định trong BLHS năm 1999 đã được xóa bỏ, không quy định trong BLHS năm 2015 bao gồm các tội: Tội tảo hôn (Điều 148); tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167); tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170); tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178); tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính (Điều 269) và một số tội phạm khác.

Việc BLHS năm 2015 đã không quy định các tội phạm được quy định trong BLHS năm 1999 cũng đồng thời là việc xóa bỏ các tội phạm đó trong BLHS năm 2015. Tuy nhiên, không phải trường hợp điều luật xóa bỏ tội danh nào cũng đồng nghĩa với điều luật xóa bỏ tội phạm. Một số hành vi mà điều luật của BLHS năm 1999 quy định tội danh cụ thể, BLHS năm 2015 không quy định tội danh đó nữa nhưng đã được quy định ở một tội danh khác thì không phải là trường hợp phi tội phạm hóa (xóa bỏ tội phạm) trong BLHS năm 2015. Ví dụ: Hành vi hoạt động phỉ được quy định tại Điều 83 BLHS năm 1999 về tội hoạt động phỉ. BLHS năm 2015 không quy định về tội hoạt động phỉ. Tuy nhiên, hành vi của tội hoạt động phỉ đã được quy định là một trong những dạng của hành vi phạm tội tại các điều luật khác của BLHS năm 2015. Ví dụ, hành vi hoạt động phỉ theo Điều 83 BLHS năm 1999 thể hiện ở hành vi giết người ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác nhằm chống chính quyền nhân dân đã được quy định trong BLHS năm 2015 bằng một tội danh khác là tội khủng bố (Điều 113 BLHS năm 2015). Hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 149 BLHS năm 1999 về tội đăng ký kết hôn trái pháp luật đã được quy định là một dạng của hành vi phạm tội của tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật theo Điều 336 BLHS năm 2015[2]. Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999 đã được quy định cụ thể ở các tội danh khác trong BLHS năm 2015, như các tội: Tội vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230) và một số tội phạm khác.

Hai là, BLHS năm 2015 phi tội phạm hóa bằng cách thu hẹp phạm vi những trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS so với BLHS năm 1999.

Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 quy định: "Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".

Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định: "Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép);

đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặcchiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự)".

So sánh quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 với quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 có thể thấy, bên cạnh việc mở rộng phạm vi phải chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi đối với một số tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng được quy định tại các điều luật của BLHS năm 2015 (đối với khoản 1, 2 Điều 134 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; khoản 1 Điều 141 về tội hiếp dâm; khoản 1 Điều 169 BLHS về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), thì Điều 12 BLHS năm 2015 cũng đã thu hẹp phạm vi phải chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi đối với một số tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Điều này được thể hiện ở chỗ, ngoài các tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại Điều 12 và được cụ thể hóa tại các điều luật Phần các tội phạm của BLHS năm 2015, người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi sẽ không phải chịu TNHS về các tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015, có thể thấy BLHS năm 2015 đã xóa bỏ các hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện ở các tội phạm được quy định các điều khoản sau của BLHS năm 1999: Khoản 2, 3 Điều 149 BLHS về cố ý truyền HIV cho người khác; khoản 3 Điều 152 về tội đánh tráo người dưới 01 tuổi; khoản 2, 3 Điều 153 về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi; khoản 2, 3 Điều 154 về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người; khoản 3 Điều 157 về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và một số tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Các quy định về xóa bỏ hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện của BLHS năm 2015 được áp dụng để không truy cứu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội trước ngày 1/7/2015.

Ba là, BLHS năm 2015 phi tội phạm hóa bằng cách loại bỏ bớt hành vi phạm tội trong các điều luật về tội phạm của BLHS năm 2015.

Việc phi tội phạm hóa của BLHS năm 2015 đối với hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm có thể được thực hiện bằng cách nhà làm luật loại bỏ một số hành vi trước đây bị coi là tội phạm ra khỏi phạm vi các hành vi tội phạm được quy định tại điều luật cụ thể về tội phạm nào đó.

Ví dụ: Đối với tội đánh bạc, khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 quy định: "Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm".

Khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 quy định: "Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm".

So sánh giữa khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 với khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999, có thể thấy, khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 đã phi tội phạm hóa (hay đã xóa bỏ tội phạm) đối với hành vi đánh bạc trái phép mà tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp người đánh bạc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, trừ trường hợp người đánh bạc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người có hành vi đánh bạc trái phép mà tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng không thể bị truy cứu TNHS về tội đánh bạc, bởi vì khoản 1 Điều 321 BLHS đã phi tội phạm hóa (hay xóa bỏ tội phạm) đối với hành vi đó.

Tương tự như vậy, một số điều luật khác của BLHS năm 2015 cũng đã xóa bỏ một số hành vi phạm tội đã được quy định trong BLHS năm 1999. Ví dụ: Khoản 1 Điều 177 BLHS đã xóa bỏ hành vi phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 triệu đồng được quy định tại khoản 1 Điều 142 BLHS năm 1999; khoản 1 Điều 179 BLHS năm 2015 đã xóa bỏ hành vi phạm tội thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng được quy định tại khoản 1 Điều 144 BLHS năm 1999; khoản 1 Điều 180 BLHS năm 2015 đã xóa bỏ hành vi phạm tội gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng được quy định tại khoản 1 Điều 145 BLHS năm 1999...

Tóm lại, tội phạm hóa và phi tội phạm hóa trong BLHS thực chất là việc nhà làm luật quy định về tội phạm mới hay xóa bỏ tội phạm nào đó khi ban hành đạo luật hình sự mới. BLHS năm 2015 được ban hành, thay thế BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Nắm vững các quy của BLHS năm 2015 về phạm vi các trường hợp quy định là tội phạm mới và các trường hợp xóa bỏ tội phạm có ý nghĩa lớn để áp dụng hiệu lực của BLHS trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự của các cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 BLHS, điều luật quy định một tội phạm mới thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành, điều luật xóa bỏ một tội phạm thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

"Điều luật quy định một tội phạm mới" cần được hiểu là điều luật của BLHS năm 2015 quy định là tội phạm đối với hành vi mà BLHS năm 1999 chưa quy định là tội phạm. Điều luật quy định về tội phạm mới trong BLHS năm 2015 được thể hiện ở một trong các dạng sau đây:

- Điều luật quy định ở Phần chung của BLHS bổ sung quy định về Pháp nhân thương mại phạm tội đối với một số tội trong Chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và Chương các tội phạm về môi trường (các điều: 2, 8, 75, 76 BLHS năm 2015); bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phạm tội đối với một số tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015).

- Một số điều luật được quy định mới trong BLHS năm 2015 quy định tội phạm cụ thể với hành vi phạm tội hoàn toàn mới so với BLHS năm 1999.

- Điều luật về tội phạm trong BLHS năm 2015 không quy định về tội danh mới so với BLHS năm 1999 nhưng đã bổ sung thêm trong đó một số dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm cụ thể, làm phát sinh một số hành vi phạm tội mới so với BLHS năm 1999.

"Điều luật xóa bỏ một tội phạm" cần được hiểu là điều luật của BLHS năm 2015 không quy định là tội phạm đối với hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm. Điều luật quy định về xóa bỏ một tội phạm trong BLHS năm 2015 được thể hiện ở một trong những dạng sau đây:

- Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 loại bỏ một số hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện

- BLHS năm 2015 xóa bỏ (không quy định) điều luật về tội phạm cụ thể với hành vi phạm tội cụ thể mà trước đây đã được quy định trong BLHS năm 1999.

- Điều luật về tội phạm cụ thể trong BLHS năm 2015 loại bỏ một số dấu hiệu trong mặt khách quan của tội phạm cụ thể, làm một số hành vi mà BLHS năm 1999 quy định là tội phạm không còn là tội phạm nữa.

TS. Phạm Mạnh Hùng - Hiệu trưởng, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].