Bình luận các tội xâm phạm tính mạng của con người

Các tội xâm phạm tính mạng là những hành vi (hành động hoặc không hành động) có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng về bảo vệ về tính mạng của người khác.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Con người là vốn quý của xã hội, là đối tượng hàng đầu được pháp luật nói chung, Luật hình sự nói riêng bảo vệ đặc biệt. Bảo vệ con người - trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và tự do của họ, vì đó là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với bất kỳ một con người nào. Thật vậy, tại điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: “công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”. Vì lẽ đó, Bộ luật hình sự Việt Nam tiếp theo việc quy định các tội xâm phạm an ninh quốc gia ở Chương XI đã quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người ở Chương XII và quy định các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân ở Chương XIII. Đây là những chương của Bộ luật hình sự bao gồm những quy phạm pháp luật trực tiếp bảo vệ con người với tư cách là chủ thể của các mối quan hệ xã hội.

Các tội xâm phạm tính mạng của con người là những hành vi (hành động hoặc không hành động), có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng của người khác.

1. Khách thể

Khách thể của nhóm tội này là một trong những khách thể quan trọng nhất trong số các nhóm khách thể được Luật hình sự bảo vệ. Đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đối tượng của nhóm tội này là những chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đó là những người đang sống, đang tồn tại độc lập trong xã hội với tư cách là một con người, một thực thể tự nhiên và xã hội. Như vậy, bào thai và xác chết không phải là đối tượng của những hành vi phạm tội thuộc nhóm tội này.

2. Mặt khách quan

- Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng tuy khác nhau ở hình thức thể hiện cụ thể, nhưng có cùng tính chất là đều có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đó (như tội đe doạ giết người). Trong những hành vi phạm tội của nhóm tội phạm này có những hành vi có thể thực hiện cả bằng hình thức hành động và không hành động, có những hành vi chỉ có thể thực hiện được bằng hình thức hành động và có những hành vi chỉ có thể thực hiện được bằng hình thức không hành động.

- Hậu quả mà những hành vi nói trên (trừ hành vi đe doạ giết người) có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại đến quyền được sống của con người, thể hiện dưới dạng thiệt hại về vật chất là chết người. Tuy nhiên, dấu hiệu hậu quả chết người chỉ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm một số tội. Ở các cấu thành tội phạm còn lại, hậu quả chết người không phải là dấu hiệu định tội.

3. Chủ thể

Chủ thể của hầu hết các tội xâm phạm tính mạng là chủ thể thường. Những người có năng lực trách nhiệm hình sự đều có khả năng trở thành chủ thể của nhiều tội thuộc nhóm tội phạm này. Trong các tội xâm phạm tính mạng có hai tội đòi hỏi chủ thể ngoài những dấu hiệu của chủ thể thường phải có thêm những đặc điểm khác (chủ thể đặc biệt). Đó là: người đang thi hành công vụ (tội làm chết người trong khi thi hành công vụ) và người có quan hệ lệ thuộc với nạn nhân (tội bức tử).

4. Mặt chủ quan

Lỗi của người phạm tội có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý hoặc có thể là cả lỗi cố ý hay vô ý. Động cơ phạm tội chỉ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và do vậy trong các tội này, dấu hiệu động cơ có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội, đó là động cơ phòng vệ chính đáng hoặc vì lý do công vụ. Đối với các tội phạm còn lại, động cơ không là dấu hiệu bắt buộc.

5. Hình phạt

Hình phạt chính được quy định trong các tội xâm phạm tính mạng có nhiều mức độ khác nhau. Hình phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất là tử hình. Trong số các tội xâm phạm tính mạng con người có 1 tội được quy định luôn luôn là tội ít nghiêm trọng; 1 tội được quy định có thể là tội đặc biệt nghiêm trọng; 4 tội được quy định có thể là tội rất nghiêm trọng; 5 tội được quy định có thể là tội nghiêm trọng.

Ngoài hình phạt chính, hình phạt bổ sung được quy định ở 4 tội. Đó là tội giết người, tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Hình phạt bổ sung được quy định cho cả 4 tội là hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Riêng ở tội giết người còn có thêm hình phạt bổ sung là hình phạt quản chế và hình phạt cấm cư trú.

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:

1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].