Bình luận về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Giải quyết tin báo tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tổ chức và tiến hành những biện pháp, thủ tục cần thiết để tiếp nhận đầy đủ, kiểm tra xác minh và xử lý theo luật định mọi thông tin về tội phạm.

Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhậnthẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

Điều 145. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.”

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tổ chức và tiến hành những biện pháp, thủ tục cần thiết để tiếp nhận đầy đủ, kiểm tra xác minh và xử lý theo luật định mọi thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức và cá nhân gửi đến, nhằm quyết định khởi tố hay quyết định không khởi tố vụ án hình sự, áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho người tố giác.

Giải quyết tin báo tố giác là hoạt động tiền tố tụng được quy định trong pháp luật TTHS. Các quan hệ phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm được điều chỉnh trực tiếp bởi các quy phạm của Bộ luật tố tụng hình sự và cả các quy phạm của các văn bản dưới luật khác. Mặc dù đều liên quan đến tin báo, tố giác nhưng việc tiếp nhận tin báo, tố giác ở giai đoạn đầu với việc giải quyết tin báo tố giác là những hoạt động có bản chất pháp lý khác nhau và sự điều chỉnh pháp luật đối với các hoạt động này cũng khác nhau. Nếu việc tiếp nhận tin báo, tố giác là nghĩa vụ của tất cả các cơ quan, tổ chức, thì việc giải quyết tin báo, tố giác lại được pháp luật tố tụng hình sự quy định là nhiệm vụ của một số rất hẹp các cơ quan bảo vệ pháp luật (cụ thể là, chỉ có Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát). Luật quy định chi tiết về thẩm quyền và xác định thời hạn cho việc giải quyết tin báo tố giác cũng như những trách nhiệm phát sinh trong quá trình giải quyết tin báo tố giác đó.

Quy định nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn bảo vệ pháp luật và trật tự xã hội. Việc quy định nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác xét về mặt xã hội là một bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện trật tự pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp chế, để công lý luôn được bảo vệ. Người dân có thể tin tưởng rằng những thông tin về tội phạm mà họ đem đến cho các cơ quan, tổ chức với ý nghĩa là những đại diện cho Nhà nước và xã hội này đều có những địa chỉ tin cậy và được xem xét giải quyết theo luật định. Mặt khác, xét về mặt tố tụng hình sự, việc quy định như thế nhằm xác định rõ chức trách nhiệm vụ và thủ tục để giải quyết nhanh chóng tin báo tố giác về tội phạm, bảo đảm hiệu quả cao của tố tụng hình sự. Quy định như thế còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc khắc phục tình trạng chồng chéo nhau, nhiều cơ quan, đơn vị cùng lúc giải quyết một sự việc dẫn đến những tranh chấp hoặc những hậu quả không mong muốn khác. Đồng thời, để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Điều luật quy định về nội dung nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến; đồng thời quy định về chủ thể, vai trò của các chủ thể, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể đó trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

- Trong Điều luật đã khái quát toàn bộ nội dung của nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến gồm 3 nội dung chính: tiếp nhận đầy đủ; xử lý trong thời hạn luật định; bảo đảm chấp hành pháp luật trong tiếp nhận và xử lý

- Điều luật xác định nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến thuộc về hai cơ quan: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.

Sự phân định vai trò, chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ nói trên là tương đối rõ ràng. Cả hai cơ quan đó đều có nhiệm vụ tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước gửi đến. Cơ quan điều tra là chủ thể chính xử lý tin báo tố giác và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát tiếp nhận mà không xử lý, nhưng phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác và kiến nghị khởi tố.

Đối với Cơ quan điều tra, nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố gồm 2 nội dung chính sau đây:

- Tiếp nhận đây đủ mọi tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố. Để thực hiện nội dung này cơ quan điều tra phải tổ chức đơn vị trực ban để tiếp nhận; lập hệ thống sổ sách; phân loại tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố;

- Xử lý mọi tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố. Nội dung này bao gồm các công việc kiểm tra, xác minh mọi tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự; gửi những kết quả xử lý tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố cho Viện Kiểm sát; thông báo kết quả xứ lý đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin về tội phạm; áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho công dân đã tố giác tội phạm.

Đối với Viện kiểm sát, nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố gồm 2 nội dung chính:

- Tiếp nhận đầy đủ và chuyển ngay mọi tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền;

- Kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

Như vậy, vai trò chính trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (trong phạm vi trách nhiệm của mình tiến hành các biện pháp và thủ tục cần thiết để giải quyết, tiếp nhận, xử lý) thuộc về Cơ quan điều tra. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát hoạt động của Cơ quan điều tra trong việc giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm

Phạm vi trách nhiệm của Cơ quan điều tra được nêu trong Điều luật được hiểu là phạm vi về quyền năng tố tụng hình sự; phạm vi địa bàn, loại án được phân công điều tra; trách nhiệm phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo quy định của Điều luật: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển đến. Điều đó có nghĩa là bất luận trường hợp nào Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không được từ chối việc nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước với lý do tin tức không đầy đủ hay việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Khi nhận được tố giác hay tin báo về tội phạm, hoặc kiến nghị khởi tố Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác và tin báo về tội phạm đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Cơ quan điều tra, phải khẩn trương kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự, không được chần chừ. Vì những người có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì cũng có quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu có tố giác hay tin báo về tội phạm mà theo luật định chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì phải hỏi người bị hại xem họ có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự hay không.

Việc giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố tuy là một hoạt động tố tụng độc lập nhưng hoạt động này có quan hệ chặt chẽ và có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động tố tụng tiếp theo.

- Điều luật không điều chính chi tiết về trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước, nhưng để thực hiện được những nhiệm vụ mà luật đã định trong các Cơ quan điều tra, Viện Kiếm sát đều phải có đơn vị thường trực để tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm do công dân, cơ quan, tổ chức cung cấp. Các đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận nguồn tin phải có địa điểm thuận lợi, có ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi cho quần chúng nhân dân biết. Những cán bộ thường trực tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm phải có năng lực pháp lý, nghiệp vụ và phẩm chất cần thiết. Cơ quan tiếp nhận thông tin tội phạm phải có hệ thống sổ sách thống nhất theo mẫu quy định chung: sổ tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm; thống ké tô’ giác và tin báo về tội phạm; thống kê kết quả giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm; sổ giao ban, chuyển giao thông tin giữa các cơ quan, đơn vị…

- Trường hợp cá nhân tố giác về tội phạm thì phải ghi nhận nguồn tin vào sổ “Tiếp nhận tố giác, báo tin về tội phạm”. Khi có công dân trực tiếp tố giác về tội phạm, cán bộ trực ban hình sự tiếp nhận và phải lập biên bản theo đúng thủ tục pháp luật. Biên bản tiếp nhận tố giác về tội phạm phải có chữ ký của người đã tố giác. Nếu người tố giác mang theo đơn thì phải xem xét nội dung đơn và yêu cầu ghi đầy đủ các dữ kiện cần thiết như: họ tên, địa chỉ, nội dung sự việc.Trong trường hợp cần ngăn chặn ngay tội phạm thì Cơ quan điều tra (hoặc Viện Kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra) phải tổ chức triển khai kịp thời các biện pháp khẩn cấp theo đúng quy định của pháp luật.

- Trường hợp nhận được đơn tố giác qua đơn thư thì phải tiếp nhận, phản ánh trong sổ trực ban và đưa vào sổ theo dõi để giải quyết.

Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải có kế hoạch cử cán bộ kiểm tra xác minh đơn tố giác.

- Trường hợp nhận được tố giác của công dân qua điện thoại thì cán bộ trực ban phải ghi rõ nội dung tố giác vào sổ trực ban và báo ngay cho lãnh đạo biết để giải quyết. Trường hợp này cần xác định họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người báo tin, nội dung sự việc (địa điểm, thời gian, diễn biến sự việc…).

- Trường hợp người phạm tội tự thú thì cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản theo đúng quy định.

- Những tin báo về tội phạm do cơ quan, tổ chức cung cấp phải được thể hiện bằng văn bản và ghi vào sổ theo dõi.

- Để thu thập và xử lý các thông tin về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, trước hết cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phâi có đơn vị hay cán bộ chuyên trách để thực hiện chức năng này. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, truyền hình…) cần được thu nhận và ghi rõ, nguồn báo cáo kịp thời lên các cấp có thẩm quyền. Cơ quan bảo vệ pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình phải có kế hoạch kiểm tra xác minh các nguồn tin này. Nếu thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng mà có địa chỉ cụ thể, hoặc yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết theo quy định của điều luật này.

Về thời hạn: Luật quy định trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tin báo hoặc tố giác, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Thời hạn hai mươi ngày phải được tính từ ngày nhận được tin báo tố giác nghĩa là từ ngày được ghi trong biên bản mà Cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo, tố giác đó.

Đối với tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng mặc dầu luật chưa quy định cụ thể nhưng cần lấy thời hạn kể từ ngày mà cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng phát hành, lan truyền đi nguồn tin đó.

Trường hợp khi nhận thông tin, tin tức không đầy đủ thì người nhận tố giác hoặc tin báo phải yêu cầu cơ quan, tổ chức, người cung cấp tin giải thích rõ sự việc hoặc tiến hành các biện pháp thu thập, bổ sung các tài liệu khác. Nếu là việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền do luật định, đổng thời phải tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi phạm tội, giữ gìn dấu vết và hiện trường.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác hoặc tin báo có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn nhưng không được quá hai tháng. Sự việc bị tố giác hoặc tin báo có nhiều tình tiết phức tạp là sự việc mà những thông tin thu được qua tin báo, tố giác chưa thể cho phép kết luận ngay, các tình tiết được mô tả đòi hỏi phải có những kiến thức chuyên môn nhất định nào đó thì mới kết luận được. Điều luật quy định trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát khi nhận được tố giác hay tin báo về tội phạm, phải khẩn trương kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Để xử ỉý các thông tin nhận được Điều luật quy định Cơ quan điều tra tiến hành các biện pháp kiểm tra xác minh. Mặc dầu luật không quy định cụ thể các biện pháp, nhưng căn cứ vào những quy định trong các văn bản khác nhau, cơ quan giải quyết tin báo tố giác có thể:

- Tiến hành theo thủ tục hành chính để kiểm tra giấy tờ tuỳ thân, kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra kinh doanh sản xuất của cá nhân hay tổ chức bị tố cáo… theo những quy định của Luật hành chính.

- Tiến hành khám nghiệm hiện trường.

- Thông báo rộng rãi cho quần chúng nhân dân biết để cung cấp tài liệu thông tin cần thiết.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, công dân cung cấp những thông tin tài liệu cần thiết và giải thích những vấn đề có liên quan.

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan tự thanh tra, kiểm tra hoặc yêu cầu cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành thanh tra làm rõ sự việc.

Nếu qua kiểm tra, xác minh mà thấy đấu hiệu của tội phạm đã rõ ràng thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu thấy không có dấu hiệu của tội phạm thì Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Kết quả giải quyết tin báo hoặc tố giác phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo cho cơ quan, tổ chức đã báo tin hoặc người đã tố giác tội phạm biết. Cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã tố giác hay cơ quan tổ chức đã cung cấp tin báo. Trong trường hợp do yêu cầu giữ bí mật về người đã tố giác hoặc người đã trực tiếp cung cấp tin báo, cơ quan điều tra phải áp dụng những biện pháp cần thiết.

Luật quy định: Cơ quan điều tra phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm. Luật không quy định các biện pháp cụ thể mà cho phép áp dụng các biện pháp cần thiết, điều đó có nghĩa là cơ quan điều tra có thể áp dụng cả các biện pháp pháp lý và các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn nhằm ngăn chặn các hành vi trả thù, xâm hại đến người tố giác hoặc các hành vi khác cản trở người làm chứng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Biện pháp cần thiết là biện pháp trong khuôn khổ pháp luật cho phép mà bảo vệ được tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác cho người tố giác để không bị những hành vi trả thù người bị tố giác gây thiệt hại.

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:

  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Chi nhánh Tây Hà Nội:Tầng 9, tòa nhà 169 Nguyễn Ngọc Vũ, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
  3. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  4. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
  5. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].