Điểm mới về kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm theo BLTTHS 2015

Tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là những nguồn thông tin quan trọng về tội phạm và hành vi nguy hiểm xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung quy định về thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đã tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc về trình tự, thủ tục tiếp nhận, các biện pháp tố tụng được áp dụng, trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp của Viện kiểm sát trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ở bài viết này, tác giả chỉ nêu một số điểm mới về kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo BLTTHS năm 2015.

1.Về khái niệm tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

BLTTHS năm 2003 và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT- BCA – BQP – BTC – BNN&PTNN – VKSNDTC đã đưa ra định nghĩa về tố giác, tin báo về tội phạm. Theo đó, nếu chủ thể đưa thông tin có dấu hiệu tội phạm là cá nhân thì được gọi là tố giác, nếu chủ thể đưa thông tin có dấu hiệu tội phạm là cơ quan, tổ chức thì được gọi là tin báo. Trong thực tế, xảy ra rất nhiều trường hợp cá nhân (người đi đường) phát hiện vụ, việc có dấu hiệu tội phạm (gây tai nạn rồi bỏ chạy), báo Công an (qua điện thoại), sau đó họ đi luôn, không để lại tên tuổi, địa chỉ, do vậy, xác định đây là tố giác còn chưa chính xác. Khắc phục những bất cập trên, tại Điều 144 BLTTHS năm 2015 đã đưa ra khái niệm hoàn toàn mới về tố giác, tin báo về tội phạm: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền; Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

2. Về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Tại khoản 1 Điều 145 BLTTHS năm 2015 không chỉ quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận mà còn quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền không được từ chối tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Việc này góp phần đảm bảo tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, giải quyết đầy đủ, kịp thời. Khoản 3 Điều 146 BLTTHS năm 2015 còn quy định về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (gọi chung là Công an cấp xã). Quy định này xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, các tố giác, tin báo cần được tiếp nhận kịp thời; khi sự việc phạm tội xảy ra, hiện trường thường bị thay đổi, xáo trộn, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có hành vi che dấu, nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm... nên việc quy định Công an cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu là hết sức cần thiết. BLTTHS năm 2003 không quy định, nhưng Thông tư số 28/2014/TT-BCA ngày 07/7/2014 của Bộ Công an đã đề cập đến vấn đề này và được pháp điển hóa tại BLTTHS năm 2015 là phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, căn cứ vào các Điều 34, Điều 163 và Điều 164 BLTTHS năm 2015 thì Công an cấp xã không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, không phải là cơ quan điều tra và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra. Do vậy, các hoạt động của Công an cấp xã như lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai, thu giữ vật chứng…không phải là hoạt động điều tra, đây là các hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu. Vấn đề là, Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc tiếp nhận nguồn tin về tội phạm mà Công an cấp xã lại không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, hoạt động xác minh sơ bộ ban đầu không phải là hoạt động điều tra. Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc tiếp nhận của Cơ quan điều tra khi Công an cấp xã chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến. Như vậy, giai đoạn Công an cấp xã tiếp nhận, xác minh sơ bộ ban đầu đến trước khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không thực hiện được quyền kiểm sát tư pháp. Cũng tại Khoản 3, Điều 146 BLTTHS năm 2015 quy định, Công an cấp xã sau khi tiếp nhận, tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu phải chuyển ngay tố giác, tin báo đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền, nhưng không quy định cụ thể là bao nhiêu ngày. Thực tế, có những vụ, việc sau hơn 30 ngày Công an cấp xã mới chuyển lên Cơ quan điều tra hoặc Công an cấp xã không chuyển tin dẫn đến gây khó khăn cho việc giải quyết án, hoặc bỏ lọt tội phạm. Tại thành phố Bắc Ninh hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền năng này bằng cách phối hợp cùng Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin tại các Công an cấp xã, nhằm đảm bảo công tác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm được thực hiện một cách nghiêm túc, nề nếp ngay từ cấp cơ sở.

3. Về việc kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

BLTTHS năm 2003 không quy định cụ thể thế nào là kiểm tra, xác minh nhưng BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 147. Đây là một quy định hoàn toàn mới của BLTTHS năm 2015, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chỉ được thực hiện các hoạt động do luật quy định trong giai đoạn này, cụ thể là: thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin; khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Như vậy, hoạt động của cơ quan điều tra trong giai đoạn này đã được luật hóa ở phạm vi rộng hơn.

4. Về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

BLTTHS năm 2015 bổ sung thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tại điểm c khoản 3 Điều 145 “Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục”. Và BLTTHS năm 2015 cũng quy định thời hạn cụ thể là trong 05 ngày làm việc kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.

Và để mở rộng thêm quyền năng của Viện kiểm sát trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tại Khoản 3, Điều 153 BLTTHS năm 2015 quy định bổ sung thêm hai trường hợp Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án, đó là khi Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm và khi Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tin. Tại Khoản 1, Điều 104 BLTTHS năm 2003 quy định quyền chủ động khởi tố vụ án hình sự thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan Cảnh sát điều tra và một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra, và trong trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố. Vậy, nếu trong quá trình điều tra, giải quyết tin báo có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra không khởi tố vụ án thì Viện kiểm sát không thể thực hiện quyền khởi tố của mình (quyền giải quyết tin), có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm. Điều đó cho thấy, quy định tại Khoản 3, Điều 153 BLTTHS năm 2015 có ý nghĩa thiết thực, nhằm đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều phải được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

5. Về quyết định giải quyết và thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bao gồm hoạt động kiểm tra, xác minh và ra các quyết định tố tụng trong thời hạn theo quy định của BLTTHS. Tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS năm 2003 quy định: Sau quá trình kiểm tra, xác minh thì Cơ quan điều tra chỉ có thể ra 2 loại quyết định là quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Vấn đề này đã gây khó khăn trong thực tiễn là hết thời hạn 20 ngày; đối những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều hành vi, cần trưng cầu giám định…mà hết thời hạn 2 tháng, cơ quan điều tra không đủ căn cứ để ra các quyết định nêu trên thì giải quyết tin như thế nào? Để giải quyết vấn đề này BLTTHS năm 2015 có những sửa đổi bổ sung cụ thể tại Điều 147, quy định sau khi cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra xác minh, ngoài 2 quyết định nêu trên còn có thể ra “Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết…”. Việc có thể tạm đình chỉ giải quyết, nâng thời hạn giải quyết tối đa lên 04 tháng thay vì thời hạn 02 tháng theo quy định của BLTTHS năm 2003 là yêu cầu đòi hỏi của thực tế trong quá trình xác minh những vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, để tránh việc cơ quan điều tra lợi dụng kéo dài thời gian giải quyết dẫn đến bỏ lọt tội phạm, Điều 147 BLTTHS năm 2015 đã quy định thủ tục rất chặt chẽ, thời hạn ban đầu là 20 ngày. Chỉ những vụ, việc thỏa mãn điều kiện: có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm mà không thể kết thúc trong thời hạn 2 tháng mới được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng .

Cùng với việc bổ sung quy định tạm đình chỉ, BLTTHS 2015 còn bổ sung quy định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. BLTTHS năm 2015 cũng bổ sung quy định mới hoàn toàn về cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ, quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố với các căn cứ cụ thể quy định tại Điều 148 và Điều 149. Vì vậy, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết nguồn tin, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát tính có căn cứ và hợp pháp của các trường hợp tạm đình chỉ và phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

6. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố BLTTHS năm 2003 không có quy định cụ thể về vấn đề này. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể tại Điều 150; theo đó thì Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thẩm quyền quy định cho Viện kiểm sát các cấp giải quyết là đảm bảo khách quan, minh bạch. Đây là đòi hỏi khách quan trong thực tiễn. Tuy nhiên, Điều 150 BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể thời hạn Viện kiểm sát phải giải quyết tranh chấp về thẩm quyền trong những trường hợp cụ thể.

(Nguồn: vksbacninh.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].