Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong tố tụng hình sự. Tạm giam được quy định tại các Điều: Điều 79, 88, 120, 121, 166, 177, 227, 228, 243, 250, 287 và 303 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) và được áp dụng trong mọi giai đoạn tố tụng hình sự.
Theo quy định tại Điều 120 BLTTHS thì THTG để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét thấy cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì có thể gia hạn tạm giam tùy vào việc bị can bị điều tra về loại tội phạm nào.
Thời hạn điều tra và THTG để điều tra không đồng nhất với nhau đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Theo chúng tôi, đây là điều bất hợp lý. Bởi vì, mục đích của việc áp dụng BPTG trong giai đoạn này là để ngăn chặn bị can phạm tội mới, cản trở hoặc gây khó khăn cho hoạt động điều tra, và khi chưa thể ra được bản kết luận điều tra mà vẫn còn căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam thì Cơ quan điều tra (CQĐT) không thể hủy bỏ, thay thế BPTG đuợc, trong khi đó thì không phải vụ án nào cũng có thể đẩy nhanh tiến độ điều tra. Do đó, cần phải quy định thống nhất hai loại thời hạn này.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, BLTTHS hiện hành còn có những hạn chế nhất định khi chưa quy định thủ tục rút gọn đối với người chưa thành niên, trong đó có quy định về THTG Điều 303 BLTTHS và các quy định khác của BLTTHS không có quy định riêng nào về THTG đối với người chưa thành niên, điều đó có nghĩa là, THTG đối với người chưa thành niên (tương tự là thời hạn điều tra, truy tố, xét xử) cũng giống như THTG đối với người đã thành niên, đây là điều bất hợp lý khi mà các Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người chưa thành niên, thủ tục tư pháp đối với người chưa thành niên mà Việt Nam là thành viên đều yêu cầu một thủ tục rút gọn, thân thiện đối với nhóm người cần đến sự quan tâm đặc biệt này. Ví dụ, khoản 23 Các hướng dẫn làm việc với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự - năm 1997 yêu cầu: "Liên quan đến trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự, cần chú ý một cách thích đáng đến những quan tâm của các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ quốc tế, cũng như của các bên liên quan khác, đặc biệt trong các vấn đề thuộc về cơ chế, bao gồm các thủ tục không phù hợp khi đưa trẻ em vào các cơ sở giam giữ, sự trì hoãn kéo dài có tác động đến những trẻ em bị tước quyền tự do", khoản 20 Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên - Quy tắc Bắc Kinh, năm 1985 quy định về"Tránh trì hoãn không cần thiết: Mỗi vụ án phải được giải quyết nhanh chóng ngay từ đần không được có bất kỳ sự trì hoãn không cần thiết nào”; khoản 2 bản Các quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước tự do - năm 1990 quy định: "Chỉ được tước quyền tự do của người chưa thành niên theo các nguyên tắc và thủ tục quy định trong Các quy tắc này và Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên (Các quy tắc Bắc Kinh). Việc tước tự do của người chưa thành niên chỉ được sử dụng như là biện pháp cuối cùng và trong một thời gian cần thiết tối thiểu, và chỉ nên giới hạn đối với những trường hợp ngoại lệ. Thời hạn áp dụng biện pháp trừng phạt này cần được cơ quan tư pháp quyết định mà không loại trừ khả năng sớm trả lại tự do cho người chưa thành niên đó...”.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận