Cần quy định bổ sung thẩm quyền bắt người trong trường hợp khẩn cấp là chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển....
Xuất phát từ những vi phạm trong công tác tạm giữ, cũng như những nguyên nhân chủ yếu của những vi phạm đó và nhằm làm cho các biện pháp ngăn chặn nói chung và biện pháp tạm giữ nói riêng phát huy tính tích cực, vai trò, ý nghĩa của nó trong việc ngăn chặn các hành vi phạm tội, giúp cho công tác điều tra được nhanh chóng, kịp thời, làm cho quá trình giải quyết các vụ án hình sự công bằng, đúng người, đúng tội. Vì vậy, có thể đưa ra các biện pháp khắc phục những nguyên nhân thiếu sót và hoàn thiện các quy định về tạm giữ, như sau:
- Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, quy định một cách cụ thể và phù hợp hơn nữa các vấn đề như thời hạn tạm giữ, đối tượng áp dụng biện pháp này, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vụ án hình sự. Nên sửa đổi cụm từ “3 ngày” trong khoản 1 Điều 87 BLTTHS thành “72 giờ” để hợp lí hơn hoặc cần giải thích rõ ràng khái niệm “ngày” để có sự áp dụng thống nhất.
- Thứ hai, cần quy định cụ thể hướng giải quyết cụ thể hoặc bổ sung thêm quy định về cách tính thời hạn tạm giữ đối với trường hợp người có thẩm quyền ra lệnh tạm giữ là: Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng mà khi tàu bay, tàu biển không thể về giao nộp người bị bắt cho cơ quan điều tra đúng thời hạn như pháp luật đã quy định.
- Thứ ba, cần quy định bổ sung thẩm quyền bắt người trong trường hợp khẩn cấp là chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển. Theo quy định của Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thì nhiệm vụ của cảnh sát biển là tuần tra, kiểm soát để giữ gìn an ninh, trật tự trên biển; trong trường hợp phát hiện có hành vi phạm tội quả tang thì có quyền bắt giữ người và phương tiện phạm pháp quả tang, lập biên bản và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền. Thực tế thực hiện pháp lệnh này cho thấy, quy định này là cần thiết, hợp lí, đáp ứng nhu cầu thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm. Do vậy, khoản 2 Điều 86 BLTTHS năm 2003 đã bổ sung quy định chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển có quyền ra quyết định tạm giữ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc bổ sung này là cần thiết nhưng chưa đủ, vì đối tượng bị tạm giữ như chúng tôi đã phân tích ở trên không chỉ là người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang mà còn là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp và những người khác theo quy định tại Điều 48 BLTTHS. Do vậy, cần bổ sung thẩm quyền quyết định bắt người trong trường hợp khẩn cấp cho chỉ huy trưởng vùng cảnh sát biển.
- Thứ tư, theo quy định tại Điều 48 BLTTHS thì người bị tạm giữ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình nhưng BLTTHS hiện hành lại chưa quy định việc cơ quan ra quyết định tạm giữ thông báo việc tạm giữ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm quy định: Trong hạn 12 giờ kể từ khi bị tạm gĩư cơ quan ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho gia đình người bị tạm giữ, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giữ cư trú hoặc làm việc. Trường hợp người bị tạm giữ yêu cầu mời người bào chữa thì cơ quan ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho người bào chữa (nếu họ mời đích danh) hoặc đoàn luật sư để giúp người bị tạm giữ mời người bào chữa.
(Nguồn:ThS. Hoàng Văn Hạnh)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận