Lấy xe máy của người khác có phạm tội cướp giật tài sản?

Tội cướp giật thể hiện dưới hai hình thức chính là: hành vi chiếm đoạt công khai và hành vi nhanh chóng tẩu thoát

Hỏi: Hoàng Đức T có thói quen cờ bạc nên đã nợ rất nhiều tiền. Để có tiền trả nợ nên T đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. T đã lên kế hoạch và chọn được đối tượng là cô giáo H của tôi hay đi dạy về đường M. Ngày 18/10/2016 T giả danh làm một sinh viên, ăn mặc lịch sự và đứng trên vỉa hè nơi cô giáo tôi hay đi quá. Khi thấy cô sắp đến, T đã ra hiệu và muốn cô K cho quá giang. Cô H thấy T là người đàng hoàng nên tin và cho T quá giang. Khi đi qua đường vắng T giả vờ đánh rơi chiếc mũ và dừng xe lại nhờ cô H xuống nhặt hộ. Khi cô H xuống xe đi đến chỗ chiếc mũ thì T phóng xe máy của cô H tẩu thoát, cô H thấy vậy liền hô “cướp, cướp...”, T điều khiển xe chạy được một đoạn thì bị những người nông dân làm việc gần đó đón đường vây bắt lại. Đề nghị luật sư tư vấn, trong trường hợp này, cô giáo tôi có thể kiện T tội danh cướp giật tài sản hay không? (Phạm Trung Đức - Thanh Hóa)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Vũ Thị Huyền Trang - Tổ tư vấn pháp luật hình sự của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội cướp giật tài sản như sau: “1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng”.

Tội cướp giật thể hiện dưới hai hình thức chính là: hành vi chiếm đoạt công khai và hành vi nhanh chóng tẩu thoát. Trong trường hợp này, mặc dù trước khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (chiếc xe máy) của cô giáo H, T đã có các hành vi gian dối như giả vờ làm sinh viên để xin quá giang, giả vờ đánh rơi chiếc mũ để cô H xuống xe nhặt mũ, nhân cơ hội đó dễ chiếm đoạt chiếc xe máy. Tuy nhiên đây chỉ là những thủ đoạn mà T dùng để dễ tiếp cận tài sản và tạo ra sự thuận lợi để dễ thực hiện hành vi chiếm đoạt còn khi thực hiện hành vi chiếm đoạt chiếc xe máy của cô H thì T hoàn toàn công khai, sau đó nhanh chóng tẩu thoát. Do đó trong vụ án trên, hành vi của T đã có dấu hiệu phạm tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 136 BLHS. Vì vậy cô giáo của anh có quyền tố cáo T tội cướp giật tài sản.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.