Một số bất cập ảnh hưởng đến vai trò luật sư trong tố tụng hình sự hiện nay

Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự quy định việc tranh tụng của luật sư trong xét xử vụ án hình sự là nhằm làm sáng tỏ những vấn đề trong quá trình điều tra, xét xử.

Tuy nhiên, trên thực tế quá trình tác nghiệp của luật trong các vụ án hình sự còn gặp một số bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động xét các vụ án hình sự ở nước ta đó là:

Thứ nhất: Mặc dù luật quy định luật sư có quyền tham gia vào hoạt động tư pháp từ khi có quyết định khởi tố vụ án nhưng thực tiễn hiện nay, luật sư rất ít khi được tham gia chứng kiến quá trình lấy lời khai của bị can dẫn đến nhiều vụ án khi xét xử bị cáo thường khai với Hội đồng xét xử là do bị ép cung, nhục hình.

Thứ hai: Về việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Hiện tại luật quy định trong thời hạn 3 ngày người bào chữa sẽ được cấp giấy chứng nhận bào chữa, tuy nhiên, quy định này chỉ đúng với thực tiễn các vụ án được chỉ định theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ ba: Thực tiễn khi luật sư được cấp giấy chứng nhận là người bào chữa thì một khó khăn lớn đó là tiếp cận bị can. Khi luật sư muốn tiếp cận điều tra viên thường nhận được những câu trả lời như: Án phức tạp nên chưa gặp được bị can hoặc điều tra viên đang đi công tác chưa gặp được bị can. Quá trình lấy lời khai của bị can ở những giai đoạn quan trọng thường không có sự chứng kiến của luật sư vì cơ quan điều tra không có nghĩa vụ thông báo cho luật sư biết thời gian lấy lời khai của bị can. Do vậy, có những vụ án sau khi gần kết thúc quá trình lấy lời khai của bị can thì luật sư mới tiếp cận được thân chủ của họ.

Thứ tư: Trong quá trình luật sư được cấp chứng nhận là người bào chữa, giấy chứng nhận chỉ có giá trị đến khi xét xử sơ thẩm kết thúc. Vậy sau khi giai đoạn xét xử sơ thẩm kết thúc, vụ án hình sự sẽ có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày tuyên án, bị cáo muốn kháng cáo nhưng giấy chứng nhận bào chữa của luật sư đã hết hiệu lực. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho bị cáo khi muốn yêu cầu luật sư tiếp tục bào chữa cho mình.

Thứ năm: Trong quá trình luật sư muốn gặp bị can trong trại tạm giam thì thủ tục hành chính tư pháp còn nhiều bất cập, phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân thì trại tạm giam, tạm giữ mới có quyền cho luật sư gặp bị can, đây là mầm mống của cơ chế xin cho trong hành chính tư pháp hiện nay.

Thứ sáu: Pháp luật cho phép luật sư được tiếp cận tài liệu chứng cứ có trong vụ án dưới hình thức sao chụp hồ sơ vụ án, tuy nhiên, trong thực tiễn một số vụ án luật sư rất khó khăn để tiếp cận hồ sơ và thường được cơ quan tiến hành tố tụng trả lời do hồ sơ chưa được hoàn thiện, vụ án có tính phức tạp, Viện kiểm sát chưa phúc cung.

Thứ bảy: Vấn đề chứng cứ trong tranh tụng. Hiện nay, tất cả những chứng cứ mà Viện kiểm sát giữ quyền công tố đều do cơ quan điều tra cung cấp để làm cơ sở buộc tội cho bị cáo. Tòa án cũng chỉ dựa vào các bút lục do cơ quan điều tra cung cấp để xét xử - “buộc tội”. Luật sư cũng chỉ có thể dựa vào những chứng cứ do cơ quan điều tra kết luận để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình - “gỡ tội”. Do vậy, có thể thấy, chứng cứ cho quá trình “buộc tội” và “gỡ tội” cho bị cáo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn chứng cứ của quan điều tra. Như vậy, các chứng cứ này chưa thể phản ánh hết tính khách quan của vụ án. Trong thực tiễn xét xử, nếu bị cáo khai giống với bút lục có trong hồ sơ vụ án thì Hội đồng xét xử đánh giá là bị cáo đã thành khẩn khai báo, sẽ là cơ sở để Hội đồng xét xử cân nhắc khi nghị án. Còn nếu bị cáo khai khác so với bút lục có trong vụ án thì thường sẽ bị Hội đồng xét xử nhận định không ăn năn, hối cải. Đây là điều bất lợi cho bị cáo khi định khung và định hình.

Thư tám: Cách bố trí phiên tòa hiện nay chưa thật sự khoa học. Luật sư, Hội đồng xét xử đều là những người tham gia tố tụng nhưng quá trình bố trí chỗ ngồi cho luật sư hầu hết tại các phiên tòa đều thiếu khoa học. Cụ thể là khi trình bày nội dung bào chữa của mình, luật sư phải nói rất lớn vì Tòa án thường không trang bị micro cho luật sư. Điều này làm cho nhiều luật sư trình bày quan điểm của mình rất khó khăn. Luật sư thường được sắp ở vị trí đứng sau bị cáo, cho nên khi luật sư hỏi bị cáo thì bị cáo thường quay mặt ra sau về phía luật sư để trả lời khiến cho quang cảnh phiên tòa không thật sự hợp lý.

(Nguồn: tcdcpl.moj.gov.vn)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].