Pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) hiện hành chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của VKS, của những người tiến hành tố tụng thuộc VKS ở giai đoạn thụ lý, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2002, Viện kiểm sát (VKS) có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Người tiến hành tố tụng thuộc VKS gồm có Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên. Thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS và những người tiến hành tố tụng thuộc VKS trong pháp luật tố tụng hình sự cho thấy một số quy định của pháp luật tố tụng thực định chưa đầy đủ và có một số quy định chưa phù hợp. Cụ thể như:
Pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) hiện hành chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của VKS, của những người tiến hành tố tụng thuộc VKS ở giai đoạn thụ lý, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ chế để nắm bắt và quản lý thông tin về tội phạm của các cơ quan chức năng vẫn còn khiếm khuyết, dẫn đến nhiều thông tin về tội phạm chưa được phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết, nhất là các thông tin về tội phạm trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Tình trạng "khép kín” từ việc nhận thông tin và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (đến trước khi có quyết định xử lý tố giác, tin báo về tội phạm) vẫn còn xảy ra do chưa có một cơ chế để kiểm sát đầy đủ. Chẳng hạn, các tố giác, tin báo về tội phạm mà Cơ quan điều tra (CQĐT), các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận được, nhất là hoạt động trinh sát nghiệp vụ của CQĐT trong nhiều trường hợp vẫn là bí mật đối với cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực này là VKS. Việc CQĐT có phải thông báo thông tin, kết quả hoạt động trinh sát nghiệp vụ cho VKS hay không chưa có một cơ chế ràng buộc, tạo thuận lợi cho VKSND giám sát các hoạt động này. Viện kiểm sát nhân dân không có thẩm quyền trực tiếp xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kể cả trong trường hợp phát hiện CQĐT chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, bỏ lọt tội phạm.
Pháp luật TTHS hiện hành không quy định VKS có quyền trực tiếp điều tra vụ án hình sự, mà chỉ có thẩm qụyền tiến hành một số hoạt động điều tra trong vụ án hình sự do CQĐT thụ lý (khoản 2 Điều 13 Luật Tồ chức VKSND năm 2002 và Điều 37 BLTTHS).
Mặc dù khoản 1 Điều 13 Luật Tổ chức VKSND và điểm a khoản 2 Điều 36 BLTTHS có quy định khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự VKS có nhiệm vụ và quyền hạn "khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can...), nhưng tại Điều 104 BLTTHS (quy định về khởi tố vụ án hình sự) lại quy định VKS chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp VKS huỷ bỏ quyết định không khởi tố của CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, thực tế có nhiều trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm cần được khởi tố, điều tra, nhưng vì những lý do khác nhau, CQĐT không ra quyết định khởi tố và cũng không ra quyết định không khởi tố vụ án thì VKS không thể ra được quyết định khởi tố vụ án để yêu cầu điều tra, mà chỉ có thể ra văn bản yêu cầu khởi tố vụ án (theo quy định tại Điều 114 BLTTHS thì yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của VKS không phải là loại yêu cầu mà nếu không nhất trí, CQĐT vẫn phải chấp hành như một số yêu cầu, quyết định khác nên hiệu lực bị hạn chế).
Đối với việc khởi tố bị can, tại khoản 5 Điều 126 BLTTHS quy định VKS chỉ thực hiện thẩm quyền khởi tố bị can sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà VKS phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố. Quy định nói trên có hạn chế là trong khi vụ án đang được tiến hành điều tra, nếu yêu cầu khởi tố bị can của VKS chưa được thực hiện thì phải chờ đến khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra, VKS mới có thể ra quyết định khởi tố bị can và yêu cầu điều tra (phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung).
Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa có quy định cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ tố tụng giữa VKS với các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và điều tra vụ án hình sự như đối với CQĐT.
Quy định về trình tự, thủ tục tại phiên tòa chưa phù hợp, thiếu cơ chế có hiệu quả cho việc xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên. Mặt khác, tại phiên tòa, thay vì trách nhiệm chứng minh chủ yếu thuộc về bên buộc tội (VKS), thì theo quy định của pháp luật hiện hành lại đang thuộc về Tòa án.
Quy định về thẩm quyền tố tụng của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS có một số điểm còn thiếu tính thực tiễn, đó là: Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLTTHS, Phó Viện trưởng VKS chỉ được thực hiện các thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 36 BLTTHS khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với vụ án hình sự. Điều này có thể phù hợp với VKSND cấp huyện nơi ít việc, còn đối với VKSND cấp tỉnh trở lên và cả các đơn vị cấp huyện nhưng có nhiều án (ở các thành phố lớn) thì quy định trên không thể thực hiện được, bởi vì các Phó Viện trường VKS được phân công phụ trách chủ yếu phải dành thời gian cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, không trực tiếp làm án mà phân công cho các Kiểm sát viên. Trong thực tế khi đã được Viện trưởng phân công phụ trách thì Phó Viện trưởng vẫn phải ký các quyết định tố tụng được quy định tại khoản 2 Điều 36 BLTTHS, mặc dù theo quy định đã viện dẫn ở trên, nếu vụ án không phải do Phó Viện trưởng là người thực hành quyền công tố thì Phó Viện trưởng không có thẩm quyền ký. Quy định về thẩm quyền tố tụng của những người tiến hành tố tụng thuộc VKS trong BLTTHS hiện hành thiếu sự phân cấp cần thiết cho Phó Viện trưởng, Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao, Kiểm sát viên với tư cách là người tiến hành tố tụng nên hạn chế tính chịu trách nhiệm độc lập của Kiểm sát viên (trong thực tế Viện trưởng VKSND tối cao phải có văn bản quy định riêng về việc ủy quyền mới thực hiện được).
Các quy định hiện nay về nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm sát viên vừa chưa bao quát hết nội dung công việc của Kiểm sát viên phải tiến hành trên thực tế, vừa chưa đáp ứng yêu cầu "tăng quyền và trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình...” theo chủ trương cải cách tư pháp (ví dụ: Trong giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của CQĐT, BLTTHS chưa quy định cụ thể Kiểm sát viên có được kiểm sát các hoạt động điều tra xác minh của Điều tra viên không, có quyền đưa ra các yêu cầu đối với Điều tra viên không...). Mặt khác, các thẩm quyền mà Kiểm sát viên đang có theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự cơ bản chỉ là những quy định có tính liệt kê các công việc Kiểm sát viên phải làm, cơ bản không có thẩm quyền quyết định về tố tụng.
(Nguồn: Thạc sĩ Nguyễn Duy Giảng – Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận