Khi nhận được yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát cần tiến hành kiểm tra ngay các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu khởi tố.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 104 của BLTTHS hiện hành, thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thuộc về Cơ quan điều tra, Thủ trưởng đơn vị Bộ đội biên phòng, cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Thủ trưởng các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
So với các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, trong hoạt động khởi tố vụ án hình sự Viện kiểm sát có vai trò đặc biệt. Theo quy định tại Điều 109 BLTTHS, nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có căn cứ thì Viện kiểm sát có trách nhiệm ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố đó. Nếu quyết định không khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan đó không có căn cứ, thì Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định khởi tố vụ án. Trong trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên Tòa án cấp trên.
Để nâng cao chất lượng công tố trong hoạt động khởi tố vụ án hình sự, trước hết Viện kiểm sát phải nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định khởi tố vụ án hình sự và không khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phát hiện những sai lầm trong quyết định khởi tố vụ án hoặc không khởi tố vụ án hình sự để có biện pháp khắc phục, bảo đảm mọi tội phạm đã phát hiện, nếu không có căn cứ để không khởi tố vụ án thì đều phải được khởi tố, mọi quyết định khởi tố vụ án không có căn cứ đều phải được hủy bỏ.
Để hoạt động khởi tố vụ án hình sự bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp, khi nhận được quyết định khởi tố do các cơ quan có thẩm quyền khởi tố chuyển đến, Viện kiểm sát phải nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu dùng làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự bao gồm: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các tài liệu kèm theo do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; các tài liệu kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét... cùng các tài liệu, dấu vết, tang vật đã thu giữ; đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần theo quy định tại Điều 105 của BLTTHS; kiểm tra tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự, như việc chấp hành các trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định để thẩm tra, xác minh hoặc phát hiện các tài liệu trong hồ sơ; thẩm quyền của người thẩm tra, xác minh hoặc tiến hành các hoạt động điều tra để phát hiện, thu thập các tài liệu, chứng cứ; thẩm quyền của người ra quyết định khởi tố, hình thức, nội dung của quyết định khởi tố; tính có căn cứ và hợp pháp của biên bản và kết luận giám định.Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án còn những vấn đề chưa rõ thì Viện kiểm sát phải yêu cầu cơ quan đã khởi tố bổ sung tài liệu, chứng cứ làm rõ. Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án rõ ràng không có căn cứ thì Viện kiểm sát phải yêu cầu cơ quan đã khởi tố ra quyết định hủy bỏ hoặc tự mình ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án.
Nếu qua kiểm tra, xác minh thấy tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội hoặc còn có tội phạm khác chưa được khởi tố thì Viện kiểm sát phải yêu cầu cơ quan đã khởi tố ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.Đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử, nếu sau khi kiểm tra, xác minh tính có căn cứ của quyết định khởi tố đó thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ thì Viện kiểm sát chuyển quyết định khởi tố vụ án hình sự kèm theo các tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra. Nếu quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị lên Tòa án cấp trên.Khi nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra hoặc các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát cũng cần phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định đó.Trên cơ sở kết quả kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan đã khởi tố có căn cứ thì Viện kiểm sát thông báo cho các cơ quan đó biết; nếu chưa rõ căn cứ thì Viện kiểm sát yêu cầu các cơ quan này bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ. Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan ra quyết định không có căn cứ thì Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ và ra quyết định khởi tố vụ án, hoặc Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án và ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của BLTTHS; đồng thời, gửi quyết định khởi tố vụ án cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Khi nhận được yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát cần tiến hành kiểm tra ngay các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu khởi tố. Nếu thấy yêu cầu khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển quyết định đó kèm theo tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra. Nếu thấy yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và gửi quyết định đó cho Tòa án nơi Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố.Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có tình trạng là mặc dù xác định được có dấu hiệu tội phạm nhưng do chưa xác định được ai là người thực hiện tội phạm nên cơ quan có thẩm quyền khởi tố đã không khởi tố vụ án để tiến hành điều tra. Điều này làm tăng khả năng bỏ lọt tội phạm. Để khắc phục tình trạng này, trước khi có những sửa đổi, bổ sung BLTTHS, Viện kiểm sát cần chủ động phối hợp, yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật để tích cực tiến hành điều tra, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm.
( Nguồn:TS. Phạm Mạnh Hùng - Trường ĐT, BDNV Kiểm sát)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận