Những nội dung mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm về chức vụ

Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tính nguy hiểm của loại tội phạm này thể hiện ở chỗ nó làm phương hại đến lợi ích quốc gia, đến sự thụ hưởng các quyền và lợi ích của người nghèo, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng sự bất công trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Nhà nước. Về đối ngoại, sự gia tăng tội phạm tham nhũng làm giảm niềm tin của các đối tác nước ngoài, uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, cản trở hoạt động đối ngoại và hạn chế các nguồn đầu tư. Nhận thức được mối hiểm họa cao của loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 đã dành riêng 01 chương quy địnhh về các tội phạm về chức vụụ trong đó 01 mục (mục A) với 07 điều luật quy định về các tội phạm tham nhũng và 01 mục (mục B) với 07 điều luật quy định về các tội phạm khác về chức vụ, với chế tài hết sức nghiêm khắc. Tuy nhiên, quá trình áp dụng BLHS để xử lý các tội phạm tham nhũng cho thấy, các quy định này còn có nhiều điểm hạn chế, chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm, điều kiện, tình hình phát triển mới về mọi mặt và trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Kết quả rà soát, đánh giá các quy định của BLHS năm 1999 với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Việt Nam ký kết vào năm 2003, phê chuẩn vào ngày 30/6/2009 và trở thành thành viên chính thức kể từ ngày 18/9/2009) cũng cho thấy, pháp luật hình sự của Việt Nam chưa thực sự tương thích với các yêu cầu về hình sự hóa quy định tại Công ước. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 về tội phạm chức vụ nhằm bảo đảm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng, khắc phục những bất cập trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước, cũng như bảo đảm thực thi các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết, tạo cơ sở pháp lý cho việc chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế.

Trên tinh thần đó, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số chính sách lớn đối với tội phạm về chức vụ: (i) Mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm về chức vụ để có thể xử lý được một số hành vi phạm tội về chức vụ xảy ra trong khu vực tư (ngoài nhà nước) như tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ; (ii) Bổ sung việc xử lý hình sự đối với hành vi hối lộ công chứcc nước ngoài, công chức các tổ chức quốc tế công; (iii) Mở rộng nội hàm "của hối lộ" cho phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; (iv) Sửa đổi, bổ sung một số cấu thành tội phạm; (v) Bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội, quy định cụ thể các tình tiết định tội, định khung hình phạt; (vi) Nâng mức định lượng tiền là tình tiết định tội, định khung hình phạt; (vii) Bổ sung các hình phạt không tước tự do đối với một số tội phạm chức vụ ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Cụ thể như sau:

1. Về cơ cấu, bố cục các quy định về các tội phạm về chức vụ

Các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII của BLHS năm 2015 gồm 15 điều (từ Điều 352 đến Điều 366), trong đó có 01 Điều quy định về khái niệm tội phạm chức vụ, 14 Điều còn lại chia thành hai mục: (i) Mục 1- Các tội phạm tham nhũng; (ii) Mục 2 - Các tội phạm khác về chức vụ.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 có một số quy định khác liên quan đến một số chính sách xử lý đặc thù đối với tội phạm tham nhũng tại phần các quy định chung của Bộ luật.

2. Những nội dung mới của BLHS năm 2015 về các tội phạm về chức vụ

2.1. Mở rộng phạm vi các tội phạm chức vụ trong khu vực tư (ngoài Nhà nước)

Do tính chất nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của tham nhũng trong khu vực tư, là hệ quả việc việc tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… Công ước chống tham nhũng (UNCAC) khuyến nghị các quốc gia thành viên cần thiết phải tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong lĩnh vực công mà trong cả lĩnh vực tư. Theo quy định của UNCAC (Điều 21) thì các quốc gia cần áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để hình sự hóa hối lộ trong khu vực tư, theo đó, hối lộ trong khu vực tư gồm hai dạng hành vi tương tự như hối lộ trong khu vực công là đưa hối lộ và nhận hối lộ. UNCAC cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên xem xét hình sự hóa hành vi của người điều hành hay làm việc, ở bất kỳ cương vị nào, cho tổ chức thuộc khu vực tư biển thủ tài sản, quỹ tư hoặc chứng khoán hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà người này được giao quản lý do vị trí của mình, nếu hành vi biển thủ đó được thực hiện một cách cố ý trong quá trình hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại (Điều 22).

Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta cũng cho thấy, các hành vi tham nhũng có xu hướng không chỉ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn mà có sự tham gia của cá nhân, tổ chức ở ngoài khu vực nhà nước dưới nhiều hình thức như biển thủ tiền, tài sản của doanh nghiệp do mình trực tiếp quản lý; thu lợi bất chính thông qua thỏa thuận nâng giá nguyên liệu, sản phẩm, dịch vụ đầu vào với các đối tác kinh doanh; thu lợi bất chính thông qua các hợp đồng, thỏa thuận cung cấp dịch vụ, hàng hóa hoặc thông đồng trong hoạt động đấu thầu... Những hành vi này có xu hướng gắn kết chặt chẽ với hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước khi doanh nghiệp trong nước trở thành đối tác địa phương của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm xúc tiến triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam một cách bất chính.
Các quy định của BLHS năm 1999 mới chỉ dừng lại đối với các hành vi tham nhũng trong khu vực công (do cán bộ, công chức nhà nước thực hiện) mà chưa ghi nhận về tội phạm tham nhũng trong khu vực tư và vì vậy, chưa có các quy định pháp luật tương ứng, kèm theo các biện pháp xử lý hình sự đối với loại tội phạm này, mặc dù, một số hành vi tương tự xảy ra trong khu vực tư, theo quy định của BLHS vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ: Hành vi chiếm đoạt tài sản của người điều hành hay làm việc ở bất kỳ cương vị nào cho tổ chức thuộc khu vực tư mà biển thủ tài sản, quỹ tư được giao quản lý thì tuỳ từng trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 140 BLHS - Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc theo Điều 139 BLHS - Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, có thể thấy sự bất cập trong chính sách xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi do có sự phân biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực tư, thậm chí nhiều hành vi tương tự như tham nhũng nhưng diễn ra trong khu vực tư nhân thì không thể xử lý được. Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn về việc xử lý hành vi tham nhũng đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của Nhà nước với tài sản, phần vốn góp của tư nhân, việc xác định xử lý trách nhiệm của cá nhân là người có chức vụ, quyền hạn trong loại hình doanh nghiệp này rất khó khăn.

Trong bối cảnh ngành kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, để giải quyết được những bất cập nêu trên, cũng như nhằm đáp ứng những đòi hỏi nội tại của Việt Nam hiện nay trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bảo đảm sự tương thích với UNCAC thì việc quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực tư là hết sức cần thiết, theo đó người có chức vụ, quyền hạn thuộc các thành phần ngoài nhà nước mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi (ví dụ hành vi nhận tiền hối lộ của người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư nhân) phải được xác định là hành vi tham nhũng để có chính sách xử lý thống nhất và phù hợp. Do đó, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng:

Một là, mở rộng nội hàm khái niệm tội phạm chức vụ để có thể bao gồm cả các tội phạm về chức vụ trong khu vực tư (ngoài Nhà nước), cụ thể là mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm không chỉ là người có chức vụ trong khi thực hiện "công vụ" (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống các cơ quan Nhà nước), mà còn là người có chức vụ trong khi thực hiện "nhiệm vụ" (tại các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước), như sau:
“Điều 352. Khái niệm tội phạm về chức vụ

1. Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

2. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”.

Hai là, BLHS năm 2015 giới hạn phạm vi các tội phạm về chức vụ trong khu vực ngoài nhà nước chỉ đối với 04 tội danh: Tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ. Cụ thể là khoản 6 Điều 353 (tội tham ô tài sản) quy định "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này"; khoản 6 Điều 354 (tội nhận hối lộ) quy định "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này"; khoản 6 Điều 364 (tội đưa hối lộ) quy định "Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này"; khoản 7 Điều 365 (tội môi giới hối lộ) quy định "Người nào mà môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này".

2.2. Bổ sung việc xử lý hình sự đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài, công chức các tổ chức quốc tế công

Theo quy định của UNCAC, chủ thể của các hành vi tham nhũng trước hết là công chức và khái niệm "công chức" tương đối toàn diện, bao gồm hai đối tượng: (i) Công chức của quốc gia; (ii) Công chức của nước ngoài và công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công. Trong đó, công chức nước ngoài được hiểu là bất kỳ người nào giữ một chức vụ về lập pháp, hành pháp, hành chính hay tư pháp của một nước ngoài, bất kể do bầu hay được bổ nhiệm; bất kỳ người nào thực hiện một chức năng công cho một nước ngoài, kể cả cho cơ quan hay doanh nghiệp công và công chức của tổ chức quốc tế công là công chức dân sự quốc tế hoặc bất kỳ người nào khác được một tổ chức quốc tế hoạt động công ủy quyền hoạt động nhân danh tổ chức đó (Điều 2 UNCAC). Khái niệm này được sử dụng thống nhất trong Công ước và là yêu cầu tối thiểu cần phải bao hàm trong pháp luật của quốc gia thành viên. Mặc dù không yêu cầu các quốc gia thành viên phải có định nghĩa về công chức nhưng các quốc gia thành viên phải xem xét để bảo đảm rằng toàn bộ đối tượng được định nghĩa theo quy định nêu ở trên được điều chỉnh theo pháp luật trong nước.

Trong bối cảnh cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, viện trợ, tài trợ… Việc các cá nhân, tổ chức trong nước thực hiện việc hối lộ công chức của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để dành được lợi thế kinh doanh, đầu tư quốc tế, vay vốn, sử dụng vốn ODA là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này cũng đã được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, do BLHS năm 1999 chưa có quy định về hành vi hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng trong xã hội và giữ gìn quan hệ với các nước cũng như nhằm bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của UNCAC, BLHS năm 2015 đã bổ sung chính sách xử lý đối với hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài, công chức tổ chức quốc tế công tại khoản 6 Điều 364 như sau:

"Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này”.

2.3. Mở rộng nội hàm “của hối lộ” tại các điều khoản liên quan

Theo quy định của BLHS năm 1999, để có thể xử lý được người phạm tội thì "của hối lộ" trong các cấu thành tội phạm liên quan như đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ... phải là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá được bằng tiền. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, bên cạnh việc dùng tiền hay các lợi ích vật chất khác để hối lộ người có chức vụ quyền hạn như vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản, thì lợi ích tinh thần bao gồm nhiều hình thức khác nhau có thể mang lại giá trị về mặt tinh thần cho người thụ hưởng (ví dụ tình dục, vị trí, việc làm...) cũng được các đối tượng sử dụng để hối lộ nhằm đạt được mục đích của mình. Đây cũng là yêu cầu của UNCAC, theo đó, các quốc gia thành viên phải quy định nội hàm “của hối lộ” hoặc những thiệt hại do tham nhũng gây ra là những lợi ích bất chính, tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, vô hình hoặc hữu hình, vật chất hoặc tinh thần, tiền tệ hoặc phi tiền tệ.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như bảo đảm thực thi UNCAC, BLHS năm 2015 đã bổ sung “lợi ích phi vật chất” vào các cấu thành định tội đối với tội nhận hối lộ, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

2.4. Sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ

Khoản 2 Điều 15 UNCAC quy định yếu tố khách quan bắt buộc trong cấu thành tội nhận hối lộ là lợi ích không chính đáng mà người thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhận được có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác, ví dụ, họ hàng người thân của công chức đó, hoặc có thể dành cho một thực thể khác. Để đáp ứng yêu cầu của Công ước, khoản 1 Điều 354 (tội nhận hối lộ) sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ yêu cầu này, cụ thể là:
"Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn... nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác..."

Đồng thời, để bảo đảm sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp với quy định về tội nhận hối lộ, BLHS năm 2015 quy định một cách cụ thể hơn về hành vi đưa hối lộ như sau: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

2.5. Tăng mức định lượng về giá trị tiền, tài sản tham ô, chiếm đoạt, của hối lộ

Theo quy định của BLHS năm 1999 thì giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là một trong các tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự cơ bản của hầu hết các tội phạm về chức vụ. Tuy nhiên, có thể thấy, BLHS năm 1999 chưa có sự phân hóa phù hợp về giá trị tài sản giữa các khung trong một điều luật cụ thể, chưa bảo đảm mức độ tương xứng giữa giá trị tài sản và mức hình phạt trong khung, cũng như chưa phù hợp với tình hình phát triển mới về kinh tế - xã hội và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do đó, để bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn xử lý loại tội phạm này, phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế, đồng thời nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự, bảo đảm mức độ tương xứng giữa hình phạt với tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội khi căn cứ vào giá trị tiền, tài sản tham ô, của nhận hối lộ hoặc thu lời bất chính, BLHS năm 2015 đã nâng mức định lượng về giá trị tiền, tài sản tại các điều khoản có liên quan.

Ví dụ: BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung mức định lượng giá trị tiền, tài sản về đối với nhóm tội liên quan đến hối lộ: (i) Nâng giá trị tiền, tài sản là căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khung 1 các Điều 345 (tội nhận hối lộ), Điều 364 (tội đưa hối lộ), Điều 365 (tội môi giới hối lộ) từ “hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng” theo quy định tại các điều khoản tương ứng của BLHS năm 1999 lên “từ hai triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng”; (ii) Nâng giá trị tiền, tài sản quy định tại khoản 2 các Điều nói trên “từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng” theo quy định của BLHS năm 1999 lên “từ một trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng”; (iii) Nâng giá trị tiền, tài sản quy định tại khoản 3 các Điều nói trên từ “năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng” theo quy định của BLHS năm 1999 lên “từ năm trăm triệu đồng đến một tỉ đồng”; (iv) Nâng giá trị tiền, tài sản quy định tại khoản 4 các Điều nói trên từ “từ ba trăm triệu đồng trở lên” theo quy định của BLHS năm 1999 lên “từ một tỉ đồng trở lên”.

2.6. Bổ sung cấu thành tăng nặng định khung hình phạt đối với một số tội và bổ sung các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về chức vụ

Cũng giống như hầu hết các quy định của BLHS năm 1999 về các nhóm tội phạm cụ thể khác, các quy định về tội phạm chức vụ còn nhiều hạn chế, dấu hiệu định tội, định khung của nhiều tội chưa rõ ràng cụ thể, nhiều tình tiết có tính chất “định tính”, gây khó khăn cho việc áp dụng để xử lý tội phạm. Hơn nữa, một số quy định về tội phạm chức vụ còn quá đơn giản, chưa dự liệu được hết các trường hợp phạm tội có tính nghiêm trọng hơn, do đó, chỉ thiết kế một hoặc hai khung hình phạt. Để bảo đảm tính minh bạch của các quy định, bảo đảm cá thể hóa trách nhiệm hình sự cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng:

(i) Bổ sung 01 khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360), tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366).

(ii) Cụ thể hóa các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, bổ sung nhiều tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với hầu hết các tội phạm về chức vụ và bổ sung.
Ví dụ: - Tội tham ô tài sản (Điều 353):

+ Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 2: “đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”; "e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng”; g) “Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức”.

+ Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung trách nhiệm hình sự tại khoản 3: “b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng”; “c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; “d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động”.

- Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360):

+ Thay thế dấu hiệu cấu thành tội phạm “gây hậu quả nghiêm trọng” tại khoản 1 Điều 285 BLHS năm 1999 bằng các tình tiết định tội: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

+ Thay thế tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng , hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999 bằng các tình tiết: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

+ Thay thế tình tiết hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 bằng các tình tiết: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

2.7. Bổ sung các hình phạt không tước tự do đối với một số tội phạm khác về chức vụ

Chế tài đối với tội phạm về chức vụ quy định tại BLHS năm 1999 tương đối nghiêm khắc, loại hình phạt chủ yếu là tù, chỉ đối với 05 tội phạm có quy định hình phạt cải tạo không giam giữ (các tội phạm quy định tại các Điều 281, 285, 286, 287 và 288). Điều này thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước đối với những người thay mặt Nhà nước thực hiện công vụ mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Tuy nhiên, có thể thấy, bản chất của tội phạm về chức vụ là tính vụ lợi, thông thường người phạm tội có nhân thân tốt, do đó, đối với tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì việc áp dụng một số chế tài không giam giữ như hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ cũng đã bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng khả năng áp dụng các hình phạt không tước tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án linh hoạt xem xét áp dụng hình phạt phù hợp đối với một số trường hợp phạm tội chức vụ ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, BLHS năm 2015 đã bổ sung hình phạt cải tạo không giam giữ đối với tội đào nhiệm (khoản 1 Điều 363), tội đưa hối lộ (khoản 1 Điều 364), tội môi giới hối lộ (khoản 1 Điều 365), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (khoản 1 Điều 366). Đồng thời, bổ sung quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với 02 tội danh, đó là tội đưa hối lộ (khoản 1 Điều 364) và tội môi giới hối lộ (khoản 1 Điều 365).

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật
Lê Thị Hoà
Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].