Kiến nghị hoàn thiện các quy định của BLTTHS 2003 về người bị tình nghi

Khái niệm buộc tội cần được hiểu là một người bị cơ quan bảo vệ pháp luật nghi ngờ do hành động phạm pháp của họ và trên cơ sở các hoạt động điều tra ban đầu như bị triệu tập, bị mời làm việc, bị xác minh, bị lấy lời khai..

Một là, thiết lập khái niệm về người bị tình nghighi trong vụ án trong BLTTHS dự kiến sửa đổỉi trong thời gian tới như sau: Người bị tình nghi trong vụ án là người bị buộc tội trong trường hợp cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, bao gồm người có hành động phạm pháp bị mời làm việc, người bị bắt, hoặc bị tạm giữữ, nhưng chưa bị khởi tố bị can. Theo khái niệm này, người bị tình nghi trong vụ án trước hết là người bị buộc tội. Khái niệm buộc tội cần được hiểu là một người bị cơ quan bảo vệ pháp luật nghi ngờ do hành động phạm pháp của họ và trên cơ sở các hoạt động điều tra ban đầu như bị triệu tập, bị mời làm việc, bị xác minh, bị lấy lời khai..., chỉ ba đối tượng là người có hành động phạm pháp bị mời làm việc, người bị bắt và người bị tạm giữ, không bao gồm người bị khởi tố, bị tạm giam hoặc bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác và chỉ tồn tại trước giai đoạn khởi tố bị can.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Hai là, xây dựng khái niệm hoạt động điều tra ban đầu như sau: Hoạt động điều tra ban đầu là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan điều tra, (bao gồm cả hoạt động trinh sát điều tra) nhằm thu thập chứng cứ chứng minh hành vi của người có dấu hiệu tội phạm phục vụ cho việc khởi tố bị can.

Ba là, bổ sung chủ thể là người bị tình nghi vào nguyên tắc xác định sự thật của vụ án tại Điều 10 như sau: “…Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị tình nghi, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Bốn là, xác lập quyền và nghĩa vụ của người bị tình nghi trong vụ án: Quyền và nghĩa vụ của người có hành động phạm pháp bị cơ quan bảo vệ pháp luật mời làm việc. Về quyền: biết lý do mời làm việc; được thông báo trước thời gian, địa điểm, người cần gặp làm việc; trình bày lời khai; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được giải thích nội dung chưa rõ trong quá trình làm việc; khiếu nại hành vi của người có nhiệm vụ, quyền hạn đối với họ (ví dụ như họ bị xúc phạm, bị nhục hình v.v..); được trả chi phí hợp lý cho việc di chuyển, tiền công lao động bị mất do phải làm việc với cơ quan bảo vệ pháp luật nếu sau này không chứng minh được hành vi phạm pháp. Về nghĩa vụ: khai báo về nhân thân, lý lịch trong quá trình làm việc với cơ quan bảo vệ pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của người bị bắt. Về quyền: biết lý do bị bắt và đưa ra ý kiến vào biên bản bắt người; được thông báo về việc bị bắt; khiếu nại về việc bắt (ví dụ như bắt không đúng thủ tục tố tụng, bắt sai đối tượng v.v..); quyền khiếu nại về việc tạm giữ đồ vật, tài liệu và tài sản là tư vật của họ; yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng mời luật sư bào chữa cho mình ngay sau khi bị bắt; trình bày lời khai; được bồi thường thiệt hại do bị bắt oan, sai. Về nghĩa vụ: khai báo về nhân thân, lý lịch; chấp hành lệnh bắt và khám xét trong quá trình bắt và các quy định khác của BLTTHS.Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ. Về quyền: sửa đổi, bổ sung quy định Điều 48 về quyền của người bị tạm giữ như sau:“a) Được biết lý do mình bị tạm giữ và theo tội danh nào; b) Được giải thích quyền và nghĩa vụ; c) Trình bày lời khai; d) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; đ) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa; e) Quyền có người bào chữa bên cạnh khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai; g) Quyền tư vấn pháp luật; h) Quyền im lặng; i) Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. k) Được bồi thường thiệt hại do bị tạm giữ oan sai; l) Được bồi thường thiệt hại do tài sản, đồ vật, tài liệu bị mất mát hư hỏng do người tiến hành tố tụng gây ra. m) Gặp hoặc trao đổi trực tiếp qua điện thoại với người thân, hoặc với người bào chữa để được tư vấn pháp luật khi không muốn gặp trực tiếp. n) Tiếp nhận, dùng đồ ăn, nước uống do người thân cung cấp không bị hạn chế về số lần và thời gian tiếp nhận (nếu có yêu cầu).o) Mặc quần áo thường phục riêng của mình khác với quần áo của người chấp hành án”.

Trong đó, cần lưu ý đến quyền tư vấn pháp luật, quyền này cần phải được giải thích hợp lý là cho phép người bị tạm giữ gặp trực tiếp luật sư hoặc người bào chữa khác để được tư vấn pháp luật. Về nghĩa vụ: sửa đổi bổ sung khoản 3 Điều 48 đã đề cập trên, theo đó quy định cụ thể nghĩa vụ: khai báo về nhân thân, lý lịch; hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng; chấp hành các quy định khác của pháp luật TTHS.

Năm là, sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 81 về các trường hợp bắt khẩn cấp như sau: “a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm có hành động chuẩn bị trốn hoặc đang trốn; c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm có hành động chuẩn bị trốn hoặc đang trốn; có hành động chuẩn bị hoặc đang tiêu hủy chứng cứ, làm giả chứng cứ hoặc cấu kết với người đồng phạm khác để trốn tránh việc xử lý của pháp luật”.

Sáu là, sửa đổi bổ sung điểm g, khoản 2 Điều 58 về Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa như sau: “g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa kể từ khi một người bị tạm giữ theo quy định của pháp luật”.

Bảy là, bổ sung khoản 4 Điều 87 về Thời hạn tạm giữ như sau: “Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam. “Trong trường hợp một người bị chuyển từ tạm giữ hành chính sang tạm giữ hình sự thì thời điểm tạm giữ hình sự tính từ khi người đó bị bắt tạm giữ hành chính”.

Tám là, sửa đổi bổ sung các Điều 91, 92, 93 bằng việc mở rộng các biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm đối với cả người bị tình nghi thực hiện tội phạm.

Chín là, sửa đổi bổ sung Điều 89 về Chế độ tạm giữ, tạm giam như sau: “Chế độ tạm giữ, tạm giam phải có điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần tốt hơn so với chế độ người đang chấp hành hình phạt tù...”.

Mười là, sửa đổi bổ sung Điều 145 về Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét như sau: “...Trong mọi trường hợp tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét phải được niêm phong, tiến hành trước mặt chủ đồ vật hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền và người chứng kiến ...”.
Mười một là, sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 150 về Khám nghiệm hiện trường như sau: “Khám nghiệm hiện trường phải được tiến hành kịp thời... Khi khám nghiệm, phải có người chứng kiến; có thể để cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm”.

Mười hai là, quy định mới khoản 3 tại Điều 152 về Xem xét dấu vết trên thân thể như sau: “3. Khi khám xét trên thân thể, điều tra viên phải lập biên bản mô tả dấu vết, chụp ảnh và lưu giữ bảo mật. Việc chụp ảnh dấu vết nơi vùng kín trên cơ thể chỉ được tiến hành khi xét thấy thật cần thiết và phải hỏi ý kiến của người bị khám xét, ghi rõ vào biên bản”.

Mười ba là, bổ sung khoản 1 Điều 155 về Trưng cầu giám định như sau: “1. Khi có những vấn đề cần được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều này hoặc theo yêu cầu hợp lý của người bị tình nghi, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định”; đồng thời bổ sung khoản 1 Điều 158 về “Quyền của người bị tình nghi, bị can và những người tham gia tố tụng đối với kết luận giám định” theo đó, người bị tình nghi trong vụ án được thông báo về nội dung kết luận giám định; được trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại; quy định thêm khoản 3 tại Điều 58 như sau: “3. Người yêu cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại có nghĩa vụ trả chi phí hợp lý cho việc giám định, trường hợp bắt buộc giám định thì Nhà nước chịu chi phí”.

(Nguồn: TS. Võ Thị Kim Oanh - Trưởng khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh; Nguyễn Ngọc Kiện - Học viên cao học Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].