Tạm giữ, tạm giam là hai trong số các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS).
Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. Những người có quyền ra lệnh bắt khẩn cấp đồng thời có quyền ra quyết định tạm giữ.
Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
Về thời hạn tạm giữ: Điều 87 BLTTHS quy định: “1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt; 2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn”. Theo quy định này thì thời gian tạm giữ tối đa là 9 ngày.
2. Tạm giam
Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì tạm giam được áp dụng trong các giai đoạn: Điều tra; truy tố; xét xử. Trường hợp em bạn, nếu bị tạm giam thì phải có quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can và quyết định bắt tạm giam. Thời hạn tạm giam bị can, bị cáo được quy định theo những căn cứ khác nhau phụ thuộc vào từng giai đoạn tố tụng để bảo đảm cho cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Thông tin bạn đưa ra không cụ thể. Vì vậy theo nhận định của mình, chúng tôi chỉ tư vấn về thời hạn tam giam xoay quanh giai đoạn điều tra.
Về thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 120 BLTTHS và phụ thuộc vào từng loại tội. Cụ thể:
Nếu tội phạm được điều tra là tội ít nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá hai tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn một lần không quá một tháng. Như vậy, tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội ít nghiêm trọng là 3 tháng.
Riêng đối với những vụ án về tội ít nghiêm trọng được áp dụng thủ tục rút gọn thì thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố được quy định tại khoản 3 Điều 322 BLTTHS là không được quá mười sáu ngày.
Nếu tội phạm được điều tra là tội nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá ba tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng, lần thứ hai không quá một tháng. Như vậy, tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội nghiêm trọng là 6 tháng.
Nếu tội phạm được điều tra là tội rất nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá bốn tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng. Như vậy, tổng thời hạn tạm giam điều tra một vụ án về tội rất nghiêm trọng là 9 tháng.
Nếu tội phạm được điều tra là tội đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn tạm giam không quá bốn tháng. Thời hạn này có thể được gia hạn ba lần mỗi lần không quá bốn tháng. Như vậy, tổng thời hạn tạm giam để điều tra một vụ án về tội đặc biệt nghiêm trọng cũng là 16 tháng.
Như vậy thời hạn tạm giam tối đa trong giai đoạn điều tra theo quy định của BLTTHS là 16 tháng.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận