Tội chống phá cơ sở giam giữ được quy định tại Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Người chống phá cơ sở giam giữ là người nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ
Căn cứ pháp lý của tội chống phá cơ sở giam giữ
Tội chống phá cơ sở giam giữ được quy định tại Điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 (gọi tắt là "BLHS"), như sau:
“1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Bình luận tội chống phá cơ sở giam giữ
Tội chống phá cơ sở giam giữ là hành vi phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ nhằm chống chính quyền nhân dân.
Các dấu hiệu pháp lý của tội chống phá cơ sở giam giữ
(i) Khách thể của tội chống phá cơ sở giam giữ: Khách thể trực tiếp của tội chống phá cơ sở giam giữ là an ninh chính trị và an ninh xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cơ sở giam, giữ là nơi tạm giữ, tạm giam của người bị áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc nơi chấp hành hình phạt tù của người bị kết án phạt tù. Đối tượng bị đưa vào cơ sở tạm giữ, tạm giam là những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc bị nghi là có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà theo quy định của pháp luật phải bị cách ly hoặc tạm thời bị cách ly ra khỏi môi trường xã hội để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đề giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội.
Các hành vi như phá cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ, đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải hoặc trốn khỏi cơ sở giam giữ nhằm chống chính quyền nhân dân xâm phạm nghiêm trọng an ninh trật tự, không những cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự của các cơ quan chức năng mà còn tạo điều kiện cho những người phạm tội đã bị kết án phạt tù hoặc người bị nghi thực hiện tội phạm đang bị giam, giữ, bị dẫn giải thoát ngoài gây rối loạn xã hội, thậm chí là tiếp tục các hành vi phạm tội chống phá chính quyền nhân dân. Do vậy, tội chống phá cơ sở giam giữ là một trong những tội phạm nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia.
(ii) Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội chống phá cơ sở giam giữ được thể hiện ở một trong những hành vi sau đây:
Phá cơ sở giam giữ là các biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan chức năng áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật. Giam giữ bao gồm tạm giữ, tạm giam theo tố tụng hình sự (là các biện pháp ngăn chặn của tố tụng hình sự quy định trong Bộ luật tổ tụng hình sự); tạm giữ người theo thủ tục hành chính (là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính quy định trong trong Luật xử lý vi phạm hành chính) và thi hành án phạt tù (bao gồm tù có thời hạn và tù chung thân, quy định trong Luật thi hành án hình sự). Cơ sở giam giữ là nơi tổ chức việc giam giữ, để người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người bị kết án phạt tù (phạm nhân), bao gôm tạm giam, nhà tạm giữ, buồng tạm giữ thuộc đồn biên phòng (là nơi giam giữ người theo thủ thế tổ hình sự), nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính (là nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính) và trại giam (là nơi giam giữ phạm nhân). Phá cơ sở giam giữ là hành vi phá hoại cơ sở vật chất của các cơ sở giam giữ nêu trên. Đây vừa là hành vi phá hoại nơi giam giữ người phạm tội hoặc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc bị nghi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, vừa tạo điều kiện cho các đối tượng nêu trên có điều kiện thoát ra khỏi nơi giam giữ.
Tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ. Tổ chức trốn khỏi cơ sở giam giữ là hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để trốn khỏi nơi giam giữ cũng như lên kế hoạch, liên hệ, móc nối, tập hợp những người đang bị giam giữ đưa họ thoát ra khỏi cơ sở giam giữ
Đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải. Đánh tháo người bị giam giữ, người bị áp giải là hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác giải thoát cho người bị giam giữ, người bị áp giải.
Trốn khỏi cơ sở giam giữ. Trốn khỏi cơ sở giam giữ là hành vi của người đang bị tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, dẫn giải để trốn khỏi cơ sở giam giữ.
Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi nêu trên.
Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này có thể là người bị giam giữ (đối với hành vi trốn khỏi nơi giam giữ) hoặc, bất kỳ người nào đủ từ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi có ý trực tiếp. Mục đích phạm tội là nhằm chống chính quyền nhân dân.
Về hình phạt của tội chống phá cơ sở giam giữ
Người phạm tội quy định tại Khoản 1 Điều 119 Bộ luật hình sự bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.Khoản 2 Điều 119 Bộ luật hình sự quy định phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, áp dụng đối vớitrường hợp ít nghiêm trọng (quy mô hành vi phạm tội nhỏ lẻ, chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả không lớn, người bị giam giữ chưa thoát ra được khỏi sự quản lý của cơ sở giam giữ hoặc tuý thoát ra nhưng đã bị bắt trở lại ngay).Khoản 3 Điều 119 quy định phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người chuẩn bị phạm tội chống phá trại giam.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].
Bình luận