VKSND trước những khó khăn, thách thức của các tội phạm về công nghệ thông tin

Ở Việt Nam, các tội phạm về công nghệ thông tin là một loại tội phạm mới, diễn biến phức tạp, phạm vi hoạt động rộng và ngày càng nguy hiểm cả về thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, khả năng che giấu hành vi phạm tội cũng ngày càng tinh vi.

Ở Việt Nam, các tội phạm về công nghệ thông tin là một loại tội phạm mới, diễn biến phức tạp, phạm vi hoạt động rộng và ngày càng nguy hiểm cả về thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, khả năng che giấu hành vi phạm tội cũng ngày càng tinh vi. Các đối tượng phạm tội đang triệt để lợi dụng công nghệ thông tin làm phương tiện thực hiện tội phạm, như: Lợi dụng mạng internet để phát tán các tài liệu phản động từ nước ngoài vào hoặc chuyển các thông tin phản động, bôi xấu chế độ, bôi xấu thành quả xây dựng Tổ quốc của nhân dân ta ra nước ngoài nhằm mục đích vụ lợi chính trị; những vụ chuyển cuộc gọi trái phép qua môi trường internet, gian lận hay trộm cắp cước viễn thông quốc tế; những vụ tổ chức đánh bạc và cá độ qua mạng; kinh doanh trái phép thẻ tín dụng, hoặc những vụ trộm tiền ngân hàng bằng việc sử dụng những thẻ tín dụng trái phép; lừa đảo qua mạng thông qua các giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, thị trường chứng khoán.Ví dụ: Năm 2005, Nguyễn Anh Tuấn cùng đồng bọn thông qua mạng internet đã làm thẻ tín dụng giả để trộm cắp tài sản từ hệ thống máy trả tiền tự động ATM của ngân hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, chiếm đoạt được trên 1,6 tỷ đồng; vụ Trần Quang Duy ở thành phố Hồ Chí Minh, tháng 11/2006, đã có hành vi trộm cắp tài sản, chiếm đoạt tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng nước ngoài để mua vé máy bay của hãng Tiger Airways; 2 đối tượng có quốc tịch Malaysiasử dụng một số thẻ tín dụng visa giả trả tiền ăn, ở khách sạn Metropol (Hà Nội) cho 5 người trong nhóm đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện và bắt giữ quả tang ngày 21/12/2007; vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức kinh doanh tài chính trên mạng mang tên Colony Invest bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện và triệt phá cuối năm 2007. Trong các vụ phạm tội này, công nghệ thông tin được xác định là phương tiện phạm tội, nên đã bị xử lý theo các tội như: Tội trộm cắp, tội lừa đảo...


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Qua những vụ án xảy ra nêu trên cho thấy ở Việt Nam không phải là không có các hành vi có dấu hiệu phạm các tội về công nghệ thông tin như Bộ luật Hình sự đã quy định. Ngày 12/3/2006, website thương mại điện tử của Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Cơ bị tấn công từ chối dịch vụ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp này. Đầu tháng 5/2006 trang web của một số khách hàng thuê máy chủ tại Công ty Nhân Hoà đã bị tấn công từ chối dịch vụ.v.v. Hàng ngày, máy tính nối mạng luôn phải đối mặt với mọi hiểm hoạ đến từ vi-rut, phần mềm gián điệp, quảng cáo... Năm 2006, có tới 235 trang web.vn của Việt Nam bị hacker ngoại tấn công; đầu năm 2007, tình trạng này còn nóng bỏng hơn, chỉ trong tháng 01 năm 2007 có tới 20 website bị hacker tấn công. Theo BKIS, năm 2006, có tới 880 vi-rut mới xuất hiện, bình quân mỗi ngày có 2,4 vi-rut gấp 4 lần so với năm 2005, có tới 16 triệu lượt máy tính bị nhiễm vi-rut; năm 2007, mới đầu năm đã có 314 vi-rut mới xuất hiện, trung bình mỗi ngày có 10 vi-rut mới, có tới 376.000 máy tính bị nhiễm spywave và adwave. Từ khi vi-rut flash xuất hiện đã có tới 1,1 triệu máy tính bị nhiễm qua USB và còn rất nhiều vi-rut lây qua Yahoo! Messenger. Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) chỉ riêng tuần đầu tháng 9 năm 2006 đã có 1,4 triệu máy tính ở Việt Nam bị nhiễm vi-rut phát tán qua Yahoo! Messenger, nếu mỗi máy tính cần khoảng 2 USD để khắc phục hậu quả nhiễm vi-rut, thì với 1,4 triệu máy bị nhiễm vi-rut trong vòng một tuần ở Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 2,8 triệu USD. Đặc biệt, ngày 27/7/2008, ba tên miền quan trọng của Công ty đăng ký tên miền Việt Nam và quốc tế có trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh (pavietnam.net, pavietnam.com, dotvndns.com) đã bị hacker chiếm quyền kiểm soát, khiến khoảng 8.000 website khách hàng của công ty này bị tê liệt và rối loạn.

Tuy Bộ luật Hình sự năm 1999 đã ghi nhận các tội phạm về công nghệ thông tin với ba tội danh cụ thể và trên thực tế đã xảy ra các hành vi có dấu hiệu phạm tội như đã nêu trên, nhưng theo số liệu thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì đến nay chưa có một vụ án độc lập nào được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo các tội danh cụ thể về công nghệ thông tin.

Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng với đặc điểm riêng của loại tội phạm này và điều kiện thực tế của cơ quan tiến hành tố tụng thì việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử với các hành vi phạm tội này là điều cực kỳ khó khăn. Vì:Thứ nhất, đây là loại tội phạm mới, chủ yếu lợi dụng những khả năng về công nghệ thông tin để phạm tội, nên hoạt động thường tinh vi xảo quyệt; việc phát hiện ra tội phạm đã khó mà việc xử lý bằng biện pháp hình sự đối với chúng lại càng khó hơn; trong khi đó, các quy định của Bộ luật Hình sự đối với loại tội phạm này chưa cụ thể. Các điều luật đối với các tội phạm này trong Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ mang tính nguyên tắc chung, chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng của cơ quan có thẩm quyền xác định được phạm vi của “mạng máy tính” mà người phạm tội đã lan truyền, phát tán các chương trình vi-rut hoặc đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật; số lượng máy tính bị làm biến dạng, làm huỷ hoại các dữ liệu để có thể xử lý bằng hình sự theo khoản 1 của các điều: 224, 225 và Điều 226 Bộ luật Hình sự; hoặc như các thuật ngữ “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng" để định khung truy tố, xét xử và quyết định hình phạt.Thứ hai, có thể nói các cơ chế của xã hội cũng chỉ mới vào cuộc để đấu tranh với loại tội phạm này; sự sẵn sàng đấu tranh với chúng của các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng còn hạn chế, nên kinh nghiệm đấu tranh với loại tội phạm này của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất ít. Ngược lại với xu thế này thì việc tin học hoá, phổ biến máy vi tính, mạng máy tính đang tăng nhanh trong tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội.Thứ ba, trình độ, khả năng về công nghệ thông tin của những người tiến hành tố tụng còn rất hạn chế; phần lớn được đào tạo chủ yếu về chuyên môn nghiệp vụ pháp lý, tuy cũng được đào tạo về tin học, nhưng chỉ là để sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ và văn phòng; còn kiến thức về công nghệ thông tin để có thể thực hiện nhiệm vụ phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Ngay cả khi đã phát hiện ra tội phạm, nhưng việc đấu tranh với người phạm tội để chỉ ra hành vi mà người phạm tội đó đã thực hiện là hành vi phạm tội cũng không phải đơn giản.Thứ tư, về đối tượng phạm tội, như trên đã nêu, không chỉ riêng là người Việt Nam và hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ của Việt Nam, mà người phạm tội có thể là người nước ngoài và thực hiện hành vi phạm tội ở rất xa Việt Nam, nên việc điều tra, xử lý chúng sẽ rất khó khăn; bên cạnh đó, việc xử lý còn liên quan đến luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia mà người phạm tội là công dân, đến sự hoạt động, phối hợp của lực lượng Cảnh sát quốc tế, của các cơ quan tư pháp quốc tế…

(Nguồn:Viện trưởng Viện Khoa học Kiểm sát, VKSNDTC - nguồn TCKS số 19/2008)


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:

  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].