Bản chất của hoạt động điều tra trong Tố tụng Hình sự

Hoạt động điều tra là một công cụ, phương tiện khám phá tội phạm, có bản chất và nội hàm của hoạt động nhận thức.

Điều 65, khoản 1, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 khi quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ đã chỉ rõ: Để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”.



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo sự phân tích trên đây thì hoạt động điều tra là phương thức hoạt động của chủ thể nhằm cảm thụ, tiếp nhận và phản ánh thông tin chứa đựng trong các dấu vết tội phạm. Nhưng hoạt động này diễn ra theo cơ chế nào? Thông tin về tội phạm được chuyển hóa thành chứng cứ như thế nào? Câu trả lời phải xuất phát từ mối quan hệ có tính quy luật giữa khách thể nhận thứcphương pháp nhận thức. Phương pháp nhận thức không phải do chủ thể lựa chọn tùy tiện, mà nó còn phụ thuộc vào tính chất của khách thể. Nền tảng khách quan của phương pháp nhận thức là quy luật của khách thể nhận thức.
Khách thể nhận thức trong hoạt động điều tra là các dấu vết tội phạm cho nên chủ thể cần phải biết bản chất của dấu vết. Dấu vết có thuộc tính chung nhưng cũng có những thuộc tính riêng. Đây là cơ sở, tiêu chí khách quan để phân loại dấu vết. Thuộc tính quan trọng nhất của dấu vết là bản chất tín hiệu chuyển tải thông tin của nó. Ví dụ có những dấu vết mà thông tin của nó được thể hiện, chuyển tải ra ngoài thông qua những dấu hiệu vật lý của khách thể vật chất như hình thức, dung lượng, màu sắc, nhiệt độ và mùi vị... Phương pháp nhận thức phải phù hợp từng loại dấu vết. Có loại dấu vết mà thông tin của nó không thể cảm nhận trực tiếp được. Ví dụ khi xem xét tài liệu giả, điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán không thể bằng mắt phát hiện được dấu hiệu giả mạo của nó. Hoặc trên những công cụ phạm tội để lại hiện trường chúng ta không thể dễ dàng nhìn thấy dấu vết vi mô. Trong các trường hợp như vậy đòi hỏi phải có những phương pháp nhận thức chuyên môn.
Mục đích của hoạt động nhận thức cho phép tách biệt trong khách thể nhận thức những mặt, thuộc tính đáp ứng yêu cầu của chủ thể hoạt động nhận thức. Mục đích đặc biệt của hoạt động điều tra là thu nhận được những dạng và nội dung thông tin nhất định từ khách thể - dấu vết tội phạm. Nói cách khác mục đích của hoạt động điều tra là thu nhận hình ảnh trung thực của thông tin về các sự kiện phạm tội thông qua những biện pháp tố tụng do luật định. Tùy thuộc vào những mục đích khác nhau và những phương pháp tương ứng, hoạt động điều tra cho phép thu nhận được những thông tin khác nhau về nội dung và hình thức từ chính dấu vết đó.
Phân tích các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự có thể thấy luật ghi nhận nhiều cách thức, biện pháp điều tra khác nhau như: quan sát, hỏi, đo đạc, so sánh, thí nghiệm, mô hình hóa, mô tả... Việc sử dụng biện pháp điều tra nào là tùy thuộc vào khách thể và mục đích điều tra. Ví dụ: muốn thu thập dấu vết tội phạm khi thực hiện hoạt động khám nghiệm hiện trường thì phải dùng những thủ thuật, phương pháp nhận thức như quan sát, kết hợp với đo đạc, so sánh, thí nghiệm để phát hiện và ghi nhận và thu giữ những thông tin phản ánh trong các dấu hiệu vật lý của địa điểm, đồ vật và tài liệu. Hoặc khi chúng ta muốn tìm hiểu khả năng thực hiện hành vi nhất định nào đó trong bối cụ thể [muốn kiểm tra sự kiện được tái hiện lại trong các điều kiện giống như điều kiện thực tế] thì sử dụng kết hợp phương pháp quan sát, mô hình hóa và thí nghiệm.
Mối quan hệ qua lại giữa khách thể, mục tiêu và phương pháp nhận thức cho phép chúng ta hiểu rõ những đặc trưng của hoạt động điều tra, làm rõ vai trò của nó trong quá trình hình thành chứng cứ. Như vậy, chứng cứ chỉ được hình thành trên cơ sở áp dụng các phương pháp nhận thức là nội dung của hoạt động điều tra. Nhưng nếu nói hoạt động điều tra là hoạt động thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ thì chưa đúng hoàn toàn. Định nghĩa như vậy mới chỉ ra được mục tiêu của hoạt động điều tra [thu thập chứng cứ] nhưng không nói đến phương pháp thực hiện, có thể làm cho người ta hiểu rằng chứng cứ đã tồn tại sẵn có trước khi tiến hành hoạt động điều tra và nhiệm vụ của cơ quan điều tra là nắm bắt chúng. Trở lại với các khái niệm về hoạt động điều tra trong khoa học pháp lý của Liên xô, ta thấy, theo tác giả Bư-cốp-xki.I.E thì hoạt động điều tra được xem xét như một dạng hoạt động của điều tra viên mà nội dung của nó là phát hiện, nghiên cứu, củng cố, ghi nhận, thu giữ các chứng cứ, tác giả đã không đề cập đến hoạt động nào làm xuất hiện chứng cứ. Nếu nhất trí với quan điểm này cho rằng chứng cứ đã tồn tại trước khi tiến hành các hoạt động điều tra thì hoạt động điều tra sẽ mất đi tính tích cực sáng tạo nhận thức của mình, nó chỉ còn lại là một phương pháp kỹ thuật tìm kiếm đơn thuần mà thôi. Hạn chế chung của những định nghĩa như vậy là không phân định được sự khác biệt giữa các khách thể được phản ánh thông qua các hoạt động điều tra tức là các dấu vết cụ thể của tội phạm và các kết quả của các hoạt động điều tra tức là các chứng cứ. Hơn nữa quá trình chuyển hóa các dấu vết cụ thể của tội phạm thành chứng cứ tố tụng là chức năng quan trọng nhất của hoạt động điều tra. Trong một mức độ nào đó thì định nghĩa của Gu-xa-cốp.A.N được xem là toàn diện hơn, Tác giả này đã phân biệt được giữa khách thể của hoạt động điều tra với kết quả thu được nhưng vẫn không nói rõ được nội dung của hoạt động nhận thức là chuyển hóa thông tin. Như trên đã nói, quan sát, hỏi, và các phương pháp nhận thức khác được áp dụng trong những hình thức do luật định. Điều này đã biến chúng thành những thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức và xác nhận, thông qua đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phát hiện, thu giữ những thông tin chứa đựng những dấu vết tội phạm. Cần lưu ý rằng mỗi thao tác, phương pháp có mục đích riêng của mình do vậy chúng có phạm vi áp dụng hạn chế. Mỗi phương pháp để phát hiện, tiếp thu và củng cố không phải đối với bất kỳ thông tin nào mà chỉ có thể với những loại thông tin phù hợp với bản chất vật lý của nó. Thí dụ phương pháp quan sát không thể phù hợp với những thông tin phản ánh trong trí nhớ của con người. Nhưng phương pháp “hỏi” lại phù hợp cho việc nhận thông tin này. Như vậy bảy phương pháp, bảy thao tác của nhận thức là: quan sát, hỏi, so sánh, đo đạc, thí nghiệm, mô hình hóa và mô tả trong sự kết hợp với nhau đã tạo thành số lượng lớn các hoạt động điều tra được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Thậm chí các hoạt động điều tra có chung các phương pháp, thao tác nhưng vẫn khác nhau về mức độ liên kết đặc thù giữa các phương pháp đó, khác nhau về hình thức pháp luật sử dụng cùng một phương pháp đó.? Từ giác độ bản chất nhận thức của hoạt động điều tra chúng ta có thể định nghĩa hoạt động điều tra là một sự kết hợp các thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức, xác nhận phù hợp với đặc thù của các dấu vết tội phạm, phát hiện, thu giữ, củng cố một cách có hiệu quả các thông tin có giá trị chứng minh trong các dấu vết đó theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm mục đích thu thập, kiểm tra và đánh giá các chứng cứ chứng minh sự kiện phạm tội .
Cách tiếp cận như vậy về hoạt động điều tra là cơ sở có thể cho phép chúng ta làm rõ cơ cấu bên trong của hệ thống cấu thành của hoạt động điều tra, phân loại hoạt động điều tra; phân biệt các hoạt động điều tra giống nhau nhưng có mục đích rất khác nhau [ví dụ như khám nghiệm, khám xét, khám người; làm rõ hơn khả năng phục vụ hoạt động nhận thức của từng hoạt động điều tra, cụ thể trên cơ sở xác định vị trí của nó trong hệ thống các hoạt động điều tra và cho phép thực hiện việc lựa chọn đúng hoạt động điều tra cần thiết trong thực tiễn.
Hoạt động điều tra là một công cụ, phương tiện khám phá tội phạm, có bản chất và nội hàm của hoạt động nhận thức. Để nâng cao hiệu quả thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi chủ thể phải nhận thức đúng bản chất, tuân thủ những quy luật hoạt động nhận thức trong việc áp dụng các hoạt động điều tra trong thực tiễn.
(Nguồn: Tạp chí Khoa học số 3 (40)/2007)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].