Điều tra là công tác trong tố tụng hình sự được tiến hành nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ
1. Điều tra là hoạt động có mục đích khám phá sự thật khách quan phục vụ nhu cầu của con người. Trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, điều tra là hoạt động khám phá, phát hiện tội phạm. Hoạt động điều tra được nhìn nhận và quy định khác nhau ở các quốc gia phụ thuộc vào quan điểm chính trị, chính sách hình sự, trình độ và cách thức tổ chức bộ máy phòng, chống tội phạm ở từng nước. Trong khoa học pháp lý của Liên Xô trước kia và của Nga hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về hoạt động điều tra.
Quan điểm thứ nhất, cũng là quan điểm phổ biến cho rằng “hoạt động điều tra là hoạt động tố tụng nhằm thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ”[1]. Quan điểm này xác định rõ điều tra là hoạt động thu thập chứng cứ nhưng bỏ qua phương pháp thực hiện nên có thể hiểu rằng chứng cứ có sẵn, tồn tại trước khi thực hiện cuộc điều tra, cơ quan điều tra chỉ thực hiện hành vi thu lượm chứng cứ có sẵn về mà thôi. Quan điểm trên chưa đề cập đến chủ thể của hoạt động điều tra, và có thể coi chứng cứ là những cái có trước khi thực hiện các hoạt động điều tra, khác hẳn việc thực hiện hoạt động điều tra mang tính sáng tạo của chủ thể. Quan điểm thứ hai cho rằng “điều tra là một dạng hoạt động phát hiện, nghiên cứu, củng cố, ghi nhận, thu giữ các chứng cứ của điều tra viên theo quy định của luật.”[2] Quan điểm này không nói đến hoạt động nào đã làm xuất hiện chứng cứ. Cũng giống như quan điểm thứ nhất, thừa nhận chứng cứ có trước khi tiến hành các hoạt động điều tra và như vậy tính tích cực sáng tạo của của hoạt động điều tra không còn mà chỉ là một phương pháp kỹ thuật tìm kiếm đơn điệu. Hai quan điểm này không phân định được sự khác biệt giữa các khách thể phản ánh thông qua các hoạt động điều tra tức là các dấu vết cụ thể của tội phạm và các sản phẩm của hoạt động điều tra tức là chứng cứ. Tuy nhiên quan điểm này khác với quan điểm thứ nhất là giới hạn chủ thể của hoạt động điều tra chỉ là điều tra viên. Quan điểm thứ ba cho rằng “hoạt động điều tra là hoạt động tố tụng có nội dung phát hiện, củng cố, thu giữ các thông tin thực tế nhằm mục đích thu thập chứng cứ“[3]. So với hai quan điểm trên, quan điểm này đã phân biệt được giữa khách thể của hoạt động điều tra với kết quả thu nhận được. Tuy nhiên chưa thể hiện được nội dung của hoạt động nhận thức làm chuyển hóa thông tin. Đó là các hoạt động nhận thức như: quan sát, hỏi và các phương pháp khác do pháp luật tố tụng hình quy định. Đặc điểm chung của các quan điểm trên đã nêu bật được nội dung bản chất của hoạt động điều tra là hoạt động phát hiện, thu thập, củng cố, ghi nhận, thu giữ những thông tin của vụ án. Điểm khác nhau giữa các quan điểm trên là quan niệm về đối tượng mà hoạt động điều tra tác động tới, thừa nhận điều tra viên là chủ thể của hoạt động điều tra. Câu hỏi đặt ra là chứng cứ có sẵn hay không, phạm vi chủ thể của hoạt động điều tra bao gồm những ai vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
2. Trong khoa học pháp lý Việt Nam cũng tồn tại các quan điểm khác nhau về hoạt động điều tra: Từ điển Luật học giải thích rằng, “Điều tra là công tác trong tố tụng hình sự được tiến hành nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ”[4];:. Cách hiểu phổ biến ở Việt Nam hiện nay cho rằng điều tra là hoạt động của cơ quan điều tra trong điều tra vụ án hình sự. Quan điểm này cho rằng điều tra là tổng hợp tất cả các hành vi thực hiện trong giai đoạn điều tra và do một cơ quan điều tra thực hiện. Ví dụ: Trong cuốn Tìm hiểu Luật Tố tụng hình sự, một nhóm tác giả cùng thống nhất giải thích rằng, “Điều tra là một giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, trong đó cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, Viện kiểm sát kiểm sát hoạt động điều tra, quyết định truy tố bị can làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án”[5]; hoặc, “Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự, trong giai đoạn này cơ quan điều tra áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người phạm tội”[6]
Cách hiểu này thể hiện ranh giới không rõ ràng giữa chức năng của cơ quan điều tra với hoạt động điều, đồng nhất giai đoạn điều tra với hoạt động điều tra, coi hoạt động điều tra gồm mọi hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra; nhìn nhận về hoạt động điều tra mang tính cục bộ, phiến diện, bó hẹp phạm vi hoạt động điều tra chỉ được tiến hành trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Trên thực tế hoạt động điều tra được tiến hành trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự, điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự với những mục đích khác nhau để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Hai ví dụ trên đây cũng chưa phải là định nghĩa hoạt động điều tra mà là định nghĩa của giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Hay nói đúng hơn đó là định nghĩa về hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nên nó thiếu tính toàn diện, chưa nói lên được tính bản chất và nội hàm của loại hoạt động này. Quan điểm này chỉ thừa nhận cơ quan điều tra là một chủ thể duy nhất có thẩm quyền được phép thực hiện các hoạt động điều tra. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra. Điều 65, khoản 1, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 khi quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ đã chỉ rõ: “Để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”[7]
Cũng trong nhóm quan điểm này, có cách nhìn nhận hoạt động điều tra là tổng hợp từ “một số hành vi điều tra như khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giữ ngay người có dấu hiệu phạm tội, khám xét...”[8], chưa phân biệt hoạt động điều tra với các hoạt động tố tụng hình sự khác.
Cách hiểu thứ hai coi hoạt động điều tra là hoạt động của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Điểm khác biệt lớn nhất của quan điểm này so với quan điểm thứ nhất là đã nhìn nhận chủ thể của hoạt động điều tra rộng hơn. Tuy nhiên cách hiểu thứ hai lại nhầm lẫn giữa các hoạt động của cơ quan điều tra với hoạt động điều tra; giữa chức năng của từng hoạt động điều tra với chức năng của các cơ quan điều tra và viện kiểm sát.
Về mặt luật thực định, ở Việt Nam hiện nay chưa có một khái niệm pháp lý về “hoạt động điều tra” và cũng chưa được giải thích chính thức bởi các cơ quan có thẩm quyền. Trong tất cả các Bộ luật tố tụng hình sự, chưa có điều luật nào giải thích hoặc định nghĩa về hoạt động điều tra[9]. Một số giải thích không chính thức như đã nói trên đây chưa đủ để có một nhận thức đúng về hoạt động điều tra.
Mặc dù hoạt động điều tra đã được quy định trong các văn bản pháp luật tố tụng hình sự, hoạt động điều tra được các cơ quan tố tụng hình sự thực hiện thường xuyên trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, nhưng khoa học pháp lý và thực tiễn hiện nay có những quan điểm khác nhau, chưa thống nhất nhận thức về hoạt động điều tra, vẫn có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm điều tra, thẩm quyền điều tra vụ án và hoạt động điều tra; giữa giai đoạn điều tra với hoạt động điều tra. Chính vì vậy mà vô tình đồng nhất hoạt động điều tra với các hoạt động khác của cơ quan điều tra, bó hẹp phạm vi chủ thể, phạm vi thời gian của hoạt động điều tra. Trong khoa học pháp lý Việt Nam hoạt động điều tra chưa được tập trung sự chú ý nghiên cứu sâu sắc, mà còn đang bỏ ngỏ nên có những cách hiểu, nhận thức khác nhau về hoạt động điều tra là không thể tránh khỏi.
3. Hoạt động điều tra mang bản chất của hoạt động nhận thức. Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định “về bản chất, nhận thức là một quá trình phản ánh tích cực, tự giác và sáng tạo thế giới khách quan vào bộ óc người trên cơ sở thực tiễn”. Cấu trúc của nhận thức rất phức tạp có thể tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau như nguồn gốc, trình độ, các vòng khâu hoặc theo các giai đoạn của quá trình nhận thức. Phép biện chứng duy vật trở thành công cụ phổ biến của nhận thức khoa học. Nhận thức thông qua một quá trình từ trực quan (cảm giác, tri giác và biểu tượng) đến tư duy trừu tượng (khái niệm, phán đoán và suy lý) dựa vào hệ thống phương pháp nhận thức lý thuyết (trừu tượng hóa và khái quát; giả định - suy diễn; tiên đề - kết luận; thuật toán; hệ thống - cấu trúc; hình thức hóa và mô hình hóa) và phương pháp thực nghiệm (thí nghiệm, quan sát, đo đạc). Kết quả nhận thức đạt tới chân lý khách quan. Trong tố tụng hình sự chân lý khách quan cần khám phá là sự thật khách quan của vụ án đã xảy ra.
Là một yếu tố của quá trình chứng minh, hoạt động điều tra được xem như là một hoạt động nhận thức nếu nhìn từ góc độ của lý luận phản ánh. Ngay giai đoạn đầu tiên của hoạt động điều tra - thu thập chứng cứ - là một dạng của hoạt động nhận thức. Nếu như toàn bộ hoạt động chứng minh nhằm phản ánh những gì thuộc quá khứ, thì hoạt động thu thập chứng cứ là sự phản ánh những khách thể đang tồn tại, đang hiện hữu. Đây là một đặc điểm rất quan trọng của thu thập chứng cứ với tư cách là một dạng của hoạt động nhận thức. Hơn nữa nếu không dựa vào lý luận nhận thức thì không thể giải thích được các quy luật hình thành chứng cứ và hiệu quả của hoạt động điều tra phụ thuộc vào yếu tố gì. Cơ quan tố tụng hình sự thu thập được chứng cứ làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án xảy ra là kết quả của hai lần nhận thức các sự kiện tội phạm.
Trước hết tội phạm được phản ánh vào môi trường xung quanh thông qua các dấu vết, hình ảnh của nó để lại trên các khách thể vật chất, trong trí nhớ của những người tham gia tố tụng trong tương lai. Dấu vết tội phạm là cơ sở thực tiễn khách quan cho hoạt động chứng minh tội phạm, cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu, xem xét, tìm ra quy luật hình thành chúng, để xây dựng nên bản đồ vụ án và từ đó kết luận về những sự kiện có liên quan đến chúng.
Tuy nhiên dấu vết tội phạm tự thân nó chưa phải là chứng cứ vì đang trong dạng tồn tại đầu tiên của nó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án chưa có quyền sử dụng chúng để làm cơ sở cho việc lập luận hay suy đoán của mình được. Mà muốn sử dụng, các dấu vết đó phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thu thập và phản ánh nó trong hồ sơ vụ án theo đúng quy trình, thủ tục luật định nhằm phản ánh đúng sự thật khách quan đã xảy ra. Quá trình này chính là sự phản ánh thứ hai của các dấu vết tội phạm - dấu vết được phản ánh trong nhận thức của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Quá trình phản ánh thứ hai này đã biến các dấu vết tội phạm thành phương tiện nhận thức nhằm mục đích chứng minh, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Đây là quá trình hình thành chứng cứ, một quá trình đòi hỏi mang tính khách quan, tuân thủ các quy luật của hoạt động nhận thức. Như vậy không thể quan niệm thu thập chứng cứ như là “quá trình đơn giản theo kiểu thu thập chứng cứ có sẵn như kiểu người đi hái nấm trong rừng”[10]. Thực tiễn không bao giờ có sẵn những lời khai, không có sẵn những biên bản hoạt động điều tra. Các vật thể mang dấu vết tội phạm đòi hỏi phải được chuyển hóa thành vật chứng theo luật định. Có thể dùng khái niệm “hình thành chứng cứ” sát nghĩa hơn khái niệm “thu thập chứng cứ” vì nó phản ánh đầy đủ hơn vai trò tích cực, sáng tạo của chủ thể của hoạt động điều tra.
Rõ ràng chứng cứ liên quan đến hai nhóm quy luật phản ánh: một là, nhóm quy luật liên quan đến quá trình hình thành dấu vết tội phạm - cơ sở khách quan của hoạt động nhận thức; hai là, nhóm quy luật liên quan đến tri giác và phản ánh dấu vết, đến việc nhận được các chứng cứ.
Với cách tiếp cận như vậy thì “thu thập chứng cứ không có cái gì khác hơn là hệ thống các hành vi đảm bảo cho chủ thể hoạt động chứng minh cảm nhận, tiếp thụ các dấu vết tội phạm tồn tại một cách khách quan, hình thành hình ảnh của chúng trong nhận thức của chủ thể hoạt động chứng minh và các hành vi bảo đảm lưu giữ hình ảnh đó thông qua các biên bản hoạt động điều tra”[11].
Bối cảnh sự kiện tội phạm xảy ra theo quy luật thời gian và vật chất có ảnh hưởng đến lượng thông tin để lại trong dấu vết tội phạm. Ví dụ trên nền đất ẩm thì dấu vết chân của thủ phạm hiện rõ hơn trên nền đất khô; màu áo quần của thủ phạm không thể phân biệt được trong bóng tối. Thu thập chứng cứ là quá trình chuyển hóa thông tin từ dấu vết tội phạm vào trong hồ sơ vụ án. Thành công của quá trình này là phụ thuộc vào chỗ những thông tin lưu giữ trong các dấu vết tội phạm được các chủ thể hoạt động điều tra phát hiện, ghi nhận và củng cố trong hồ sơ như thế nào? Có đầy đủ, chính xác, toàn diện hay không? Đây chính là tiêu chí của chất lượng phản ánh vì quá trình phản ánh luôn có khả năng làm thiếu hụt, thất lạc, mất mát thông tin, chưa tính đến ý chí chủ quan của chủ thể hoạt động điều tra có thể làm sai lệch hồ sơ vụ án nên hình ảnh phản ánh và bản thân sự vật được phản ánh luôn luôn có khoảng cách nhất định. Tổng số các hoạt động điều tra cần được thực hiện nhiều hay ít, chất lượng thực hiện các hoạt động điều tra cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến khoảng cách giữa sự thật khách quan, sự vật có thật đã xảy, ra và sự vật được phản ánh trong hồ sơ. Để tránh sự mất mát thông tin trong quá trình phản ánh cần hạn chế tối đa các bước trung gian trong quá trình này. Chính vì vậy mà trong tố tụng hình sự có nguyên tắc xét xử trực tiếp mà nội dung của nó liên quan đến thu thập chứng cứ.
Theo sự phân tích trên đây thì hoạt động điều tra là phương thức hoạt động của chủ thể nhằm cảm thụ, tiếp nhận và phản ánh thông tin chứa đựng trong các dấu vết tội phạm. Nhưng hoạt động này diễn ra theo cơ chế nào? Thông tin về tội phạm được chuyển hóa thành chứng cứ như thế nào? Câu trả lời phải xuất phát từ mối quan hệ có tính quy luật giữa khách thể nhận thức và phương pháp nhận thức. Phương pháp nhận thức không phải do chủ thể lựa chọn tùy tiện, mà nó còn phụ thuộc vào tính chất của khách thể. Nền tảng khách quan của phương pháp nhận thức là quy luật của khách thể nhận thức.
Khách thể nhận thức trong hoạt động điều tra là các dấu vết tội phạm cho nên chủ thể cần phải biết bản chất của dấu vết. Dấu vết có thuộc tính chung nhưng cũng có những thuộc tính riêng. Đây là cơ sở, tiêu chí khách quan để phân loại dấu vết. Thuộc tính quan trọng nhất của dấu vết là bản chất tín hiệu chuyển tải thông tin của nó. Ví dụ có những dấu vết mà thông tin của nó được thể hiện, chuyển tải ra ngoài thông qua những dấu hiệu vật lý của khách thể vật chất như hình thức, dung lượng, màu sắc, nhiệt độ và mùi vị... Phương pháp nhận thức phải phù hợp từng loại dấu vết. Có loại dấu vết mà thông tin của nó không thể cảm nhận trực tiếp được. Ví dụ khi xem xét tài liệu giả, điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán không thể bằng mắt phát hiện được dấu hiệu giả mạo của nó. Hoặc trên những công cụ phạm tội để lại hiện trường chúng ta không thể dễ dàng nhìn thấy dấu vết vi mô. Trong các trường hợp như vậy đòi hỏi phải có những phương pháp nhận thức chuyên môn.
Mục đích của hoạt động nhận thức cho phép tách biệt trong khách thể nhận thức những mặt, thuộc tính đáp ứng yêu cầu của chủ thể hoạt động nhận thức. Mục đích đặc biệt của hoạt động điều tra là thu nhận được những dạng và nội dung thông tin nhất định từ khách thể - dấu vết tội phạm. Nói cách khác mục đích của hoạt động điều tra là thu nhận hình ảnh trung thực của thông tin về các sự kiện phạm tội thông qua những biện pháp tố tụng do luật định. Tùy thuộc vào những mục đích khác nhau và những phương pháp tương ứng, hoạt động điều tra cho phép thu nhận được những thông tin khác nhau về nội dung và hình thức từ chính dấu vết đó.
Phân tích các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự có thể thấy luật ghi nhận nhiều cách thức, biện pháp điều tra khác nhau như: quan sát, hỏi, đo đạc, so sánh, thí nghiệm, mô hình hóa, mô tả... Việc sử dụng biện pháp điều tra nào là tùy thuộc vào khách thể và mục đích điều tra. Ví dụ: muốn thu thập dấu vết tội phạm khi thực hiện hoạt động khám nghiệm hiện trường thì phải dùng những thủ thuật, phương pháp nhận thức như quan sát, kết hợp với đo đạc, so sánh, thí nghiệm để phát hiện và ghi nhận và thu giữ những thông tin phản ánh trong các dấu hiệu vật lý của địa điểm, đồ vật và tài liệu. Hoặc khi chúng ta muốn tìm hiểu khả năng thực hiện hành vi nhất định nào đó trong bối cụ thể [muốn kiểm tra sự kiện được tái hiện lại trong các điều kiện giống như điều kiện thực tế] thì sử dụng kết hợp phương pháp quan sát, mô hình hóa và thí nghiệm.
Mối quan hệ qua lại giữa khách thể, mục tiêu và phương pháp nhận thức cho phép chúng ta hiểu rõ những đặc trưng của hoạt động điều tra, làm rõ vai trò của nó trong quá trình hình thành chứng cứ. Như vậy, chứng cứ chỉ được hình thành trên cơ sở áp dụng các phương pháp nhận thức là nội dung của hoạt động điều tra. Nhưng nếu nói hoạt động điều tra là hoạt động thu thập, củng cố và kiểm tra chứng cứ thì chưa đúng hoàn toàn. Định nghĩa như vậy mới chỉ ra được mục tiêu của hoạt động điều tra [thu thập chứng cứ] nhưng không nói đến phương pháp thực hiện, có thể làm cho người ta hiểu rằng chứng cứ đã tồn tại sẵn có trước khi tiến hành hoạt động điều tra và nhiệm vụ của cơ quan điều tra là nắm bắt chúng. Trở lại với các khái niệm về hoạt động điều tra trong khoa học pháp lý của Liên xô, ta thấy, theo tác giả Bư-cốp-xki.I.E thì hoạt động điều tra được xem xét như một dạng hoạt động của điều tra viên mà nội dung của nó là phát hiện, nghiên cứu, củng cố, ghi nhận, thu giữ các chứng cứ, tác giả đã không đề cập đến hoạt động nào làm xuất hiện chứng cứ. Nếu nhất trí với quan điểm này cho rằng chứng cứ đã tồn tại trước khi tiến hành các hoạt động điều tra thì hoạt động điều tra sẽ mất đi tính tích cực sáng tạo nhận thức của mình, nó chỉ còn lại là một phương pháp kỹ thuật tìm kiếm đơn thuần mà thôi. Hạn chế chung của những định nghĩa như vậy là không phân định được sự khác biệt giữa các khách thể được phản ánh thông qua các hoạt động điều tra tức là các dấu vết cụ thể của tội phạm và các kết quả của các hoạt động điều tra tức là các chứng cứ. Hơn nữa quá trình chuyển hóa các dấu vết cụ thể của tội phạm thành chứng cứ tố tụng là chức năng quan trọng nhất của hoạt động điều tra. Trong một mức độ nào đó thì định nghĩa của Gu-xa-cốp.A.N được xem là toàn diện hơn, Tác giả này đã phân biệt được giữa khách thể của hoạt động điều tra với kết quả thu được nhưng vẫn không nói rõ được nội dung của hoạt động nhận thức là chuyển hóa thông tin. Như trên đã nói, quan sát, hỏi, và các phương pháp nhận thức khác được áp dụng trong những hình thức do luật định. Điều này đã biến chúng thành những thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức và xác nhận, thông qua đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phát hiện, thu giữ những thông tin chứa đựng những dấu vết tội phạm. Cần lưu ý rằng mỗi thao tác, phương pháp có mục đích riêng của mình do vậy chúng có phạm vi áp dụng hạn chế. Mỗi phương pháp để phát hiện, tiếp thu và củng cố không phải đối với bất kỳ thông tin nào mà chỉ có thể với những loại thông tin phù hợp với bản chất vật lý của nó. Thí dụ phương pháp quan sát không thể phù hợp với những thông tin phản ánh trong trí nhớ của con người. Nhưng phương pháp “hỏi” lại phù hợp cho việc nhận thông tin này. Như vậy bảy phương pháp, bảy thao tác của nhận thức là: quan sát, hỏi, so sánh, đo đạc, thí nghiệm, mô hình hóa và mô tả trong sự kết hợp với nhau đã tạo thành số lượng lớn các hoạt động điều tra được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Thậm chí các hoạt động điều tra có chung các phương pháp, thao tác nhưng vẫn khác nhau về mức độ liên kết đặc thù giữa các phương pháp đó, khác nhau về hình thức pháp luật sử dụng cùng một phương pháp đó.? Từ giác độ bản chất nhận thức của hoạt động điều tra chúng ta có thể định nghĩa hoạt động điều tra là một sự kết hợp các thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức, xác nhận phù hợp với đặc thù của các dấu vết tội phạm, phát hiện, thu giữ, củng cố một cách có hiệu quả các thông tin có giá trị chứng minh trong các dấu vết đó theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện[12] nhằm mục đích thu thập, kiểm tra và đánh giá các chứng cứ chứng minh sự kiện phạm tội [13].
Cách tiếp cận như vậy về hoạt động điều tra là cơ sở có thể cho phép chúng ta làm rõ cơ cấu bên trong của hệ thống cấu thành của hoạt động điều tra, phân loại hoạt động điều tra; phân biệt các hoạt động điều tra giống nhau nhưng có mục đích rất khác nhau [ví dụ như khám nghiệm, khám xét, khám ngườI]; làm rõ hơn khả năng phục vụ hoạt động nhận thức của từng hoạt động điều tra, cụ thể trên cơ sở xác định vị trí của nó trong hệ thống các hoạt động điều tra và cho phép thực hiện việc lựa chọn đúng hoạt động điều tra cần thiết trong thực tiễn.
Hoạt động điều tra là một công cụ, phương tiện khám phá tội phạm, có bản chất và nội hàm của hoạt động nhận thức. Để nâng cao hiệu quả thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi chủ thể phải nhận thức đúng bản chất, tuân thủ những quy luật hoạt động nhận thức trong việc áp dụng các hoạt động điều tra trong thực tiễn.
Trích bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Viết Hoạt, Đại học Ngân hàng, TP. Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí KHPL số 3(40)/2007
[1] Vư-sinxki, Lý luận chứng cứ trong pháp luật Xô viết, Nxb Hà Nội, 1967.
[2] Bư-cốp-xki L.E , Sự phát triển của các quy định của Luật Tố tụng hình sự về hoạt động điều tra, Hà Nội, 1992, tr. 4.
[3] Gu-xa-cốp A.N, HĐĐT và phương pháp nghiệp vụ, Nxb Matscơva, 1973.
[4] Từ điển Luật học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.
[5] Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Khổng Hà, Trần Minh Hưởng, Tìm hiểu Luật Tố tụng hình sự, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
[6] Nguyễn Ngọc Điệp, Những điều cần biết về thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, Nxb Công an nhân dân, TP. Hồ Chí Minh 2001.
[7] Khoản 1, Điều 65, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ là thẩm quyền thực hiện các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Ba cơ quan này được tiến hành tất cả các hoạt động điều tra đã đuợc quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Như vậy ba cơ quan này theo chức năng và nhiệm vụ đã được phân định có quyền tiến hành tất cả các hoạt động điều tra. Theo tinh thần của điều luật nêu trên bình đẳng về thẩm quyền được tiến hành tất cà các hoạt động điều tra. Thực hiện hoạt động điều tra chính vì vậy không phải là độc quyền của cơ quan điều tra.
[8] Đặng Anh, Hoàn thiện các quy định hình sự nhằm nâng cao hiệu quả lấy lời khai người làm chứng, Tạp chí Công an nhân dân, số 12/2002, tr. 50-51.
[9] Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 các hoạt động điều tra được quy định trong Chương X, Điều 131 - Hỏi cung bị can; Chương XI, Điều 135 - Lấy lời khai người làm chứng, Điều 137 - Lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Chương XII, Điều 142 - Khám người, Điều 143 – Khám chỗ ở, địa điểm, Điều 145 - Tạm giữ đồ vật, Điều 146 - Kê biên tài sản; Chương XIII, Điều 150 - Khám nghiệm hiện trường, Điều 151 - Khám nghiệm tử thi, Điều 152 - Xem xét dấu vết trên thân thể, Điều 153 - Thực nghiệm điều tra, Điều 155 - Trưng cầu giám định. Bộ luật Tố tụng hình sự không có một chương riêng để giải thích về hoạt động điều tra.
[10] Sây- phơ. C.A , Các hoạt động điều tra - Hệ thống và hình thức tố tụng, Nxb Pháp lý, Mátxcơva, 2001.
[11] Nguyễn Viết Hoạt, Các hoạt động điều tra trong Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, 2002.
[12] Pháp lệnh số 23/2004/PL-UBNTQH11 về tổ chức điều tra hình sự ngày 20/08/2004 quy định một số cơ quan khác có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Bộ đội biên phòng, Cơ quan hải quan, Cơ quan kiểm lâm, Cảnh sát biển, Các cơ quan khác của Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân và Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân. Như vậy chủ thể hoạt động điều tra ngoài điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán còn có các chủ thể khác thuộc các cơ quan nêu trên.
[13] Theo quy định tại khoản 1 Điều 10, Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì nhiệm vụ của cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án là phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không nhằm mục đích nhận thức đúng đắn sự kiện được cho là tội phạm (vì có căn cứ đã bị khởi tố và bị áp dụng các hiện các hoạt động điều tra và các biện pháp ngăn chặn). Theo tinh thần của điều luật này các cơ quan có thẩm quyền có nghĩa vụ thực hiện các hoạt động điều tra thu thập các chứng cứ để chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra, mặt khác chứng minh không có tội phạm xảy ra, chứng minh bị can là vô tội.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận