Phục hồi điều tra

Giai đoạn phục hồi điều tra chỉ xuất hiện khi có những tình tiết đặc biệt và nó chỉ hiện hữu khi trước đó cuộc điều tra đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được tội phạm.

Phục hồi điều tra được quy định tại điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự 2003:

“Điều 165. Phục hồi điều tra
1. Khi có lý do để huỷ bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết đình này cho Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại điểm 5 và điểm 6 Điều 107 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra".
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Bình luận

1. Phục hồi điều tra có thể được coi là một giai đoạn đặc biệt của quá trình điều tra. Đó là một giai đoạn của quá trình điều tra bởi vì những trình tự, thủ tục và thẩm quyền cũng như các vấn đề khác có liên quan vẫn rất đặc trưng cho giai đoạn điều tra, nhằm mục đích phát hiện thu thập, củng cố các tài liệu có giá trị chứng cứ để làm rõ chân lý khách quan về vụ án. Mặt khác, đó là một giai đoạn đặc biệt bởi vì, không phải trong mọi vụ án đều có giai đoạn này. Giai đoạn phục hồi điều tra chỉ xuất hiện khi có những tình tiết đặc biệt và nó chỉ hiện hữu khi trước đó cuộc điều tra đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được tội phạm.

2. Quy định về phục hồi điều tra là sự thể hiện trên thực tế nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan trong tố tụng hình sự. Quá trình khám phá vụ án hình sự là quá trình nhận thức một sự việc hiện tượng hết sức phức tạp mà chủ thể gây ra sự việc hiện tượng đó thường chú ý xóa đi dấu vết hoặc tạo ra những hiện tượng đánh lừa bản chất. Quy định về phục hồi điều tra cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng có điều kiện để khắc phục những sai sót có thể có trong quá trình khám phá vụ án hình sự bởi những lý do khác nhau.

3. Căn cứ vào nội dung của Điều luật, phục hồi điều tra được quyết định khi thỏa mãn hai điều kiện sau:

- Thứ nhất, đã có vụ án hình sự được khởi tố, điều tra và bị đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ điều tra.

- Thứ hai, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm đã được khởi tố và điều tra trong vụ án đó.

- Thứ ba, có lý do để huỷ bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra.

4. Phục hồi điều tra là quyết định của Cơ quan điều tra trước đó đã tiến hành điều tra vụ án và đã ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra. Chính cơ quan điều tra này trong phạm vi thẩm quyền của mình, trên cơ sở những thông tin tài liệu thu được thấy rằng có căn cứ để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ điều tra.

- Những căn cứ để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra là:

+ Có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y là bị can đã qua được căn bệnh thần kinh hoặc bệnh hiểm nghèo mà trước đây cơ quan điều tra làm căn cứ để tạm đình chỉ điều tra;

+ Qua các nguồn thông tin khác nhau, cơ quan điều tra đã xác định được bị can hoặc đã biết rõ bị can đang ở đâu, do đó có thể tiếp tục tiến hành các hoạt động tố tụng đối với bị can.

Khi có một trong những căn cứ nêu trên thì cơ quan điều tra quyết định phục hồi điều tra.

- Những căn cứ để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra là:

+ Khi những tình tiết mới phát hiện cho thấy việc định tội danh trong quá trình điều tra trước đó là không chính xác nên việc xác định căn cứ đình chỉ điều tra dựa vào việc người bị hại rút yêu cầu khởi tố trở nên không có căn cứ pháp lý. Do đó, Bản kết luận điều tra trước đó sử dụng khoản 2, Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự làm căn cứ đình chỉ điều tra là sai lầm trong áp dụng pháp luật. Điều đó đòi hỏi phải phục hồi điều tra vụ án.

+ Có sai lầm trong việc xác định căn cứ không khởi tố vụ án hình sự nên trong bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra vụ án trước đó không bảo đảm cơ sở pháp lý. Trên thực tế đã không có các tình tiết nào thỏa mãn những quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự, hoặc không đủ căn cứ áp dụng các Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự. Không có sự phù hợp giữa các tình tiết khách quan trong vụ án với các quy định tại các điều luật nói trên.

+ Cơ quan điều tra phát hiện những tình tiết mới (trước đây chưa được biết đến trong quá trình điều tra và đình chỉ điều tra) liên quan đến vụ án đã được đình chỉ điều tra, có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự. Điều này có thể do quá trình điều tra mở rộng các vụ án khác mà phát hiện hoặc từ những hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị trinh sát trong công an nhân dân, quân đội nhân dân cung cấp.

5. Điều luật quy định trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát điều tra.

Căn cứ vào quy định tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự khi phục hồi điều tra thời hạn điều tra tiếp theo không quá hai tháng đối với các loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; không quá 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra. Trong trường hợp cần gia hạn do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn điều tra cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn. Chỉ được gia hạn một lần với thời hạn không quá hai tháng đối với tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và không quá ba tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thẩm quyền gia hạn được quy định tại Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự.

6. Khi phục hồi điều tra cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

7. Thẩm quyền ra quyết định phục hồi điều tra nói chung là thuộc Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 của Điều luật, nếu việc điều tra trước đây bị đình chỉ dựa trên các căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự (đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá, theo quy định tại điểm 5 và điểm 6 Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự) mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp đều có quyền ra quyết định phục hồi điều tra.

(Nguồn: Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected]