Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về biện pháp tạm giữ tại điều 81.
Một thực tế có liên quan đến biện pháp ngăn chặn tạm giữ là thời điểm áp dụng đối với người bị bắt trong từng trường hợp khẩn cấp. Mặc dù hiện nay Thông tư liên tịch của Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ công an – Bộ quốc phòng số 05 ngày 07/9/2005 đã quy định cho cơ quan điều tra được áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người bị bắt khẩn cấp trước khi có sự phê chuẩn của viện kiểm sát. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người có thẩm quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 81 và Điều 83 BLTTHS năm 2003, chúng tôi cho rằng việc tạm giữ chỉ được áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp sau khi có sự phê chuẩn của viện kiểm sát. Trong thời gian phê chuẩn của viện kiểm sát, cơ quan điều tra vẫn có quyền quản lí và lấy lời khai của người bị bắt tại cơ quan điều tra trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt được đối tượng và thời hạn xét phê chuẩn hoặc không phê chuẩn của viện kiểm sát chỉ được phép trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn tức là nằm trong thời hạn 24 giờ mà cơ quan điều tra phải ra một trong hai quyết định là tạm giữ (nếu được phê chuẩn) và trả tự do cho người bị bắt (nếu không được phê chuẩn). Trường hợp theo quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT- VKSTC-BCA-BQP nói trên, nếu cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ mà viện kiểm sát không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp thì người ra lệnh bắt không thể trả tự do ngay cho người bị bắt theo quy định tại khoản 4 Điều 81 BLTTHS được mà phải theo quy định tại khoản 3 Điều 86 BLTTHS, tức là viện kiểm sát phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ và sau đó người ra quyết định tạm giữ mới trả tự do cho người bị tạm giữ. Điều đó cho thấy hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT- VKSTC-BCA-BQP về thời điểm áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ đối với người bị bắt khẩn cấp đã làm chồng chéo và mâu thuẫn khi áp dụng về thẩm quyền của viện kiểm sát và người có thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp được quy định tại khoản 4 Điều 81 và khoản 3 Điều 86 BLTTHS.
Về thời hạn tạm giữ, khoản 3 Điều 87 BLTTHS quy định: “Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ” nhưng lại không quy định về thẩm quyền trả tự do và thủ tục trả tự do. Trường hợp sau khi đã tạm giữ hết thời hạn theo luật định mà vẫn chưa có đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với người bị tạm giữ thì tất nhiên phải trả tự do cho người bị tạm giữ nhưng điều luật này chưa quy định cụ thể.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 87 BLTTHS thì thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Mặc dù luật quy định như vậy nhưng cách trừ thế nào cho đến nay vẫn có nhiều cách hiểu. Hướng dẫn mới nhất nêu trong Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT- VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 đang được các địa phương thực hiện nhưng vẫn còn có nhiều người cho rằng hướng dẫn như vậy chưa hợp lí. Quy định trên đây còn làm phát sinh sự phức tạp, thậm chí có thể làm nảy sinh tiêu cực, vi phạm trong việc giải quyết chế độ ăn uống của người bị tạm giữ và bị can trong trại tạm giam vì có thời gian tạm giữ nằm trong thời gian tạm giam.
Để dễ thực hiện, chúng tôi đề nghị bỏ quy định tại khoản 4 Điều 87 BLTTHS, thay vào đó cần đề xuất quy định cụ thể trong Pháp lệnh thi hành án phạt tù là thời gian bị tạm giữ và thời gian bị tạm giam được trừ vào thời gian thi hành án phạt tù.
Trường hợp không bị khởi tố hoặc đã bị khởi tố, tạm giam nhưng sau đó được đình chỉ do bị oan thì thời gian tạm giữ và tạm giam được bồi thường theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận