Các quy định về vấn đề tranh tụng tại phiên tòa theo BLTTHS hiện hành

Trong tố tụng hình sự, hoạt động tranh tụng được thể hiện rõ nét trong phiên toà sơ thẩm. Phần lớn các quan điểm khoa học hiện nay đều xác định hoạt động tranh tụng được bắt đầu ngay từ phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.

Các nguyên tắc bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa:Hiện nay, pháp luật TTHS Việt Nam chưa ghi nhận các nguyên tắc tranh tụng là nguyên tắc cơ bản. Để hoạt động tranh tụng được đảm bảo thực thi trong thực tế, BLTTHS 2003 ghi nhận một số nguyên tắc như: Nguyên tắc: "Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9 BLTTHS); nguyên tắc: "Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” (Điều 11 BLTTHS); nguyên tắc: "Thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia” (Điều 15 BLTTHS); "Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” (Điều 16 BLTTHS); nguyên tắc: "Xét xử công khai” (Điều 18 BLTTHS); nguyên tắc: "Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án” (Điều 19 BLTTHS):

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Về chủ thể thực hiện tranh tụng: Chủ thể thực hiện việc tranh tụng tại Toà án chủ yếu được diễn ra giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Đối với các chủ thể thuộc bên gỡ tội, bao gồm bị can, bị cáo, người bào chữa. Điều 50 BLTTHS quy định bị cáo có các quyền: được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Toà án; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này; quyền được tham gia phiên toà; được giải thích về quyền và nghĩa vụ... So với BLTTHS năm 1988 thì BLTTHS năm 2003 đã mở rộng hơn các quyền của bị cáo. Đặc biệt, quyền "trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa” của bị cáo được nhấn mạnh tại điểm g, khoản 2, Điều 50 của bộ luật.

Điều 58 BLTTHS năm 2003 quy định người bào chữa có quyền tham gia tố tụng ngay từ khi có quyết định tạm giữ trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của bộ luật. Bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận các quyền cơ bản của người bào chữa, BLTTHS 2003 đã quy định khá nhiều các quyền mới cho người bào chữa như: có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa; được khiếu nại hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng...Các quyền và nghĩa vụ của bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ được quy định tại Điều 53 BLTTHS. Nhằm bảo đảm cho họ có thể bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, BLTTHS năm 2003 đã chú trọng tới mở rộng tranh tụng tại phiên tòa với quy định bị đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền "trình bày ý kiến tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn” tại điểm đ, khoản 2, Điều 53. Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thuộc bên bào chữa còn được quy định tại một số điều luật khác của BLTTHS như: Điều 10, Điều 24, Điều 62, Điều 201, Điều 207, Điều 212, Điều 215, Điều 247...

Đối với các chủ thể của chức năng buộc tội tại phiên tòa như VKS (KSV), người bị hại, nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ, BLTTHS cũng quy định những quyền, nghĩa vụ pháp lý cụ thể.Theo quy định của BLTTHS 2003 thì VKS có các quyền và nghĩa vụ sau: có trách nhiệm chứng minh tội phạm (Điều 10); áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; bảo đảm cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa (Điều 11); giải thích và bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ (Điều 62); thu thập, xem xét và đánh giá chứng cứ (các Điều 65 và 66);Điều 37 BLTTHS đã quy định cụ thể về các hoạt động của KSV tại phiên tòa: "đọc cáo trạng, quyết định của VKS liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa”. Song hành với quyền công tố, KSV tham gia phiên tòa còn có quyền "kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Toà án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Toà án”.Ngoài ra, người bị hại, nguyên đơn dân sự tham gia tố tụng thực hiện chức năng buộc tội ở một mức độ nhất định. Để các chủ thể này có thể thực hiện chức năng của mình trong tố tụng hình sự, pháp luật quy định cho họ những quyền và nghĩa vụ tố tụng nhất định được quy định tại các Điều 51, Điều 52 BLTTHS như quyền "trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”; quyền "khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Trình tự, thủ tục tranh tụng tại phiên toà.Trong tố tụng hình sự, hoạt động tranh tụng được thể hiện rõ nét trong phiên toà sơ thẩm. Phần lớn các quan điểm khoa học hiện nay đều xác định hoạt động tranh tụng được bắt đầu ngay từ phần thủ tục bắt đầu phiên tòa. Tại phần thủ tục sau khi kiểm tra căn cước của bị cáo, công bố thành phần những người tham gia tố tụng, giải thích quyền nghĩa vụ của bị cáo, chủ toạ phiên toà phải hỏi KSV và những người tham gia tố tụng xem có ai đề nghị triệu tập thêm người làm chứng hoặc đề nghị đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt thì chủ toạ phiên toà cũng phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên toà hay không. Nếu có người yêu cầu thì HĐXX xem xét và quyết định.Như vậy, việc các bên đưa ra yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc đưa ra vật chứng, tài liệu mới để HĐXX xem xét chính là những đảm bảo cho việc xét hỏi và là cơ sở tranh luận ở phần tiếp theo của phiên tòa. Do đó, cần phải xem quá trình tranh tụng tại phiên tòa đã được bắt đầu ngay ở phần thủ tục. Trên thực tế, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa bắt đầu rõ nét nhất bằng việc KSV đọc bản cáo trạng trong phần xét hỏi tại phiên toà. Thủ tục xét hỏi được quy định tại Chương XX của Bộ luật gồm 11 Điều. Khoản 2, Điều 207 BLTTHS quy định: "Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến KSV, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định”.

Xét hỏi có thể được xem là nền tảng của việc tranh tụng. Bởi vì, thông qua xét hỏi mới có cơ sở để xác định đầy đủ các tình tiết có ý nghĩa quan trọng của vụ án. Từ đó, các chủ thể của bên buộc tội và bên gỡ tội có cơ sở để bảo vệ quan điểm lập luận của mình. Việc xét hỏi đúng trọng tâm, cụ thể và chi tiết bao nhiêu càng củng cố cho lập luận của các chủ thể vững chắc bấy nhiêu. Quan điểm của các chủ thể tranh luận chỉ có sức thuyết phục khi nó được đặt nền móng bởi các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xét hỏi, thẩm định tại phiên tòa và sẽ thiếu tính thuyết phục nếu các chứng cứ đưa ra dựa trên "án tại hồ sơ” mà không được thẩm định công khai tại phiên tòa. Do đó, phần tranh luận có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc xét hỏi công khai tại phiên tòa.

Thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm được BLTTHS quy định từ Điều 217 đến Điều 221 BLTTHS. Có thể xem đây là giai đoạn trung tâm của quá trình tranh tụng. Bởi vì, trong phần này các bên buộc tội và gỡ tội, trước sự chứng kiến của HĐXX, công khai thực hiện chức năng của mình bằng việc đưa ra các lý lẽ và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình.Điều 217 BLTTHS quy định:"Luận tội của KSV phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà”. Đây là điểm mới của BLTTHS năm 2003. Như vậy, căn cứ vào kết quả xét hỏi tại phiên tòa, KSV sẽ trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội. Để việc luận tội của mình bảo đảm đúng đắn, chính xác và có sức thuyết phục, KSV phải tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách logic các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại tòa, xác định bốn yếu tố của cấu thành tội phạm, xem xét tính chất, mức độ và hậu quả của vụ án cũng như tính chất, mức độ của hành vi của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để việc đề xuất mức án cho tội danh của bị cáo được chính xác.

Tiếp theo lời buộc tội của vị đại diện VKS là những lập luận của bên bào chữa để gỡ tội. Hội đồng xét xử cho bị cáo trình bày lời bào chữa và tập trung vào lập luận truy tố của KSV đã đúng người, đúng tội, đúng pháp luật chưa? Nếu chưa thì ý kiến của người bào chữa là gì? Người bào chữa cho bị cáo còn phải xét đến các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo. Người bào chữa của bị cáo có quyền kiến nghị với HĐXX những đặc điểm về nhân thân hoặc những tình tiết khác có lợi cho bên mình để làm tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 46 BLHS. Tiếp đó, bị cáo có quyền bổ sung cho lời bào chữa của người bào chữa. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền lợi cho họ được trình bày ý kiến của họ về cách giải quyết vụ án.

Việc đối đáp giữa những người tham gia tranh luận được quy định tại Điều 218 BLTTHS năm 2003 có nội dung: "Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của KSV và đưa ra đề nghị của mình; KSV phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến”. Quy định mới này đã xác định rất rõ trách nhiệm đối đáp lại, tranh luận lại với bên bào chữa của KSV tại phiên tòa. Điều này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 08 - NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng: "kết quả tranh tụng” chính là cơ sở để HĐXX ra phán quyết.Điều luật cũng quy định rõ: "Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị KSV phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được KSV tranh luận”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, trong trường hợp dù được đề nghị, KSV vẫn không tham gia tranh luận thì hậu quả pháp lý là gì? chế tài áp dụng như thế nào? Có nên xem việc không tham gia tranh luận, không đáp lại được lập luận của bên tham gia tranh tụng chính là sự thừa nhận, đồng tình với lập luận của họ hay không? thì đến nay vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể.

Điều 220 BLTTHS năm 2003 quy định: "Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ toạ phiên toà tuyên bố kết thúc tranh luận. Bị cáo được nói lời sau cùng…”. Quyền được nói lời sau cùng trước khi nghị án là một trong những bảo đảm pháp lý quan trọng để bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình, là quyền đặc thù mà pháp luật chỉ giành riêng cho bị cáo. Khi nói lời sau cùng, HĐXX không được đặt câu hỏi đối với bị cáo nhưng có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án. HĐXX không được hạn chế thời gian nói lời sau cùng của bị cáo. Tuy nhiên HĐXX cũng cần phải nhắc bị cáo phát biểu ngắn gọn và không lặp lại dài dòng những ý kiến đã được tranh luận. Qua phát biểu của bị cáo, HĐXX có thêm "niềm tin nội tâm” để cân nhắc đối với việc giải quyết vụ án.Tại phần nghị án và tuyên án, Điều 222 BLTTHS đã chỉ rõ: "các phán quyết của HĐXX phải dựa trên cơ sở các chứng cứ và tài liệu đã được kiểm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của KSV, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa”. Hay nói cách khác, phán quyết của HĐXX phải dựa trên kết quả tranh luận bình đẳng giữa KSV, bị cáo với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa.

Từ những phân tích nội dung một số quy định của BLTTHS năm 2003 có thể thấy rằng TTHS nước ta là tố tụng thẩm vấn nhưng đã đan xen các yếu tố tranh tụng trong quá trình tố tụng, nổi bật là tranh tụng tại phiên tòa. Mặc dù vậy, tranh tụng vẫn chưa được quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản của TTHS Việt Nam.Qua 10 năm thi hành BLTTHS 2003; thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 08) và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-06-2005 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 49); thực tiễn đã phản ánh những mặt đạt được từ hoạt động tranh tụng tại phiên toà như: nâng cao vị trí vai trò của luật sư trong hoạt động TTHS; nâng cao chất lượng xét xử; nâng cao việc thực hiện quyền con người; nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân. Bên cạnh đó thực tiễn tranh tụng cũng phản ánh những mặt hạn chế như: tình trạng vi phạm các nguyên tắc cơ bản của TTHS; việc thực hiện các chức năng tố tụng còn nhiều bất cập; việc xét hỏi, tranh luận tại phiên toà chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng…Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên bao gồm nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, có thể kể đến là do những hạn chế trong quy định của pháp luật; do trình độ chuyên môn và kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… từ đó đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, thể chế hóa được đường lối, tư tưởng của Đảng về cải cách tư pháp.

( Nguồn: Hồ Nguyễn Quân - Toà án quân sự Khu vực 2 Quân khu 4)


Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].