Chứng cứ điện tử và các nguyên tắc thu thập trong Tố tụng hình sự

Tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm mới ở nước ta, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, dẫn đến chưa thể có được một hành lang pháp lý vững chắc để đấu tranh đối với loại tội phạm này...

Chứng cứ trong vụ án hình sự có một ý nghĩa lớn không chỉ về mặt pháp lý để chứng minh hành vi phạm tội, mà nó còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng khi vận dụng để thu thập, phân tích, chuyển hóa chứng cứ điện tử sang chứng cứ truyền thống để phục vụ công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mà các đối tượng phạm tội đã sử dụng, lạm dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến làm công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội (tội phạm công nghệ cao)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội là những vật chứng thu giữ tại nơi tội phạm sảy ra, mang dấu vết tội phạm như: “cookies”, “URL”, web server logs, Email logs... (đây là những thông tin do máy tính tạo ra); hoặc cũng có thể là những thông tin điện tử do con người tạo ra được lưu giữ trong máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác, như các văn bản, bảng biểu, các hình ảnh, thông tin được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử
Hầu hết các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội đều có nhận thức về pháp luật và hiểu biết công nghệ cao, và khi thực hiện hành vi phạm tội đều có những thủ đoạn tinh vi để che giấu thông tin phạm tội, khi phát hiện nguy cơ bại lộ chúng rất nhanh chóng xóa bỏ các dấu vết để chối tội (như xóa các dữ liệu có liên quan; đánh sập các trang Web), vì vậy việc thu thập, phục hồi, chuyển hóa chứng cứ điện tử thành chứng cứ truyền thống để chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng là vô cùng quan trọng, nó quyết định sự thành công hay thất bại của một chuyên án.

Vậy chứng cứ điện tử là gì? Trong tham luận trình bày tại Hội thảo “Phòng chống tội phạm truyền thống và tội phạm phi truyền thống” do Bộ Công an phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức vào tháng 04/2008; Tiến sĩ Trần Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm công nghệ cao cho rằng: “Chứng cứ điện tử là những chứng cứ được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số có liên quan đến vụ án hình sự”. Còntheo tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol), thì chứng cứ điện tử là thông tin và dữ liệu có giá trị điều tra dược lưu trữ hoặc truyền đi bởi một máy tính, mạng máy tính hoặc thiết bị điện tử kỹ thuật số khác. Việc xác lập, thu giữ cũng như phục hồi chứng cứ điện tử cần phải được tiến hành một cách khẩn trương nhưng thận trọng; yêu cầu sự tỉ mỉ và chính xác cao. Đặc biệt khi mà chúng ta chưa có quy định về chứng cứ điện tử trong Bộ luật Tố tụng hình sự; cũng như chưa có những tổng kết khoa học về chứng cứ điện tử, phương pháp, nguyên tắc thu thập, chuyển hóa chứng minh trong các vụ án này. Bộ luật Hình sự tuy đã có quy định 6 tội liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao nhưng lại chưa có những hướng dẫn cụ thể về đường lối xử lý những tội phạm này, nhiều khái niệm được đưa ra còn tương đối mơ hồ, định lượng không rõ ràng.
Việc thu thập chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự như đã trình bày ở trên hiện chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng; vì vậy để hoạt động này được tiến hành một cách thuận lợi và đạt hiệu quả mong muốn; theo chúng tôi ngoài việc tuân thủ triệt để các nguyên tắc trong thu thập chứng cứ nói chung, khi tiến hành thu thập chứng cứ điện tử cần quán triệt thêm các vấn đề cụ thể sau đây: Thứ nhất, không làm thay đổi thông tin được lưu trong máy tính hoặc trong các thiết bị kỹ thuật số. Thứ hai, khi phải tiếp cận với thông tin gốc được lưu trữ trong máy tính hoặc trong các thiết bị kỹ thuật số thì người tiếp cận phải là những chuyên gia được đào tạo để thực hiện việc thu thập và phục hồi chứng cứ điện tử. Thứ ba, việc ghi lại dữ liệu (copy) phải được thực hiện đúng quy trình; phải sử dụng các thiết bị và phần mềm được thế giới công nhận và có thể kiểm chứng được. Phải bảo vệ được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử lưu trong máy. Thứ tư, tính khách quan, tính nguyên trạng và tính kiểm chứng được của chứng cứ phải được chứng minh trước tòa. Phải chứng minh được quá trình khôi phục dữ liệu, tìm được chứng cứ; khi cần thiết có thể lặp lại quá trình đi tới kết quả tương tự như trình bày tại tòa.
Tuy nhiên như trên đã trình bày, hầu hết các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội đều có sự am hiểu về công nghệ và luôn ý thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật, vì vậy chúng rất chú ý đến việc tiêu hủy các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tôi của chúng, vì vậy khi tiến hành điều tra các vụ án có sử dụng công nghệ cao để phạm tội, vấn đề phục hồi các chứng cứ điện tử là một hoạt động quan trọng và cần thiết.
Việc phục hồi chứng cứ điện tử trên máy tính và các thiết bị điện tử số chính là hoạt động khôi phục lại trạng thái làm việc của máy tính, thiết bị điện tử số khi đối tượng đang sử dụng thì bị thu giữ; là quá trình tìm kiếm các dữ liệu đã được lưu giữ trong quá trình sử dụng trên máy tính, bao gồm cả dữ liệu đã bị xóa khỏi máy tính… đó còn là quá trình khôi phục, phân tích, tìm kiếm, thu giữa những dữ liệu có liên quan đến vấn đề chứng minh tội phạm.
Để phục hồi các chứng cứ điện tử, đầu tiên cần phải thu giữ đầy đủ vật chứng là công cụ, phương tiện để phạm tội; phải bảo quản tốt những vật chứng thu được để phục vụ cho quá trình phục hồi. Công tác phục hồi chứng cứ điện tử trong các vụ án sử dụng công nghệ cao để phạm tội là vô cùng quan trọng, bởi những người thực hiện loại tội phạm này thường sử dụng chính công nghệ cao để xóa bỏ dấu vết tội phạm, để che giấu tội phạm. Để công tác này đạt được kết quả thì cần phải có những chuyên gia về công nghệ thông tin, viễn thông tham gia vào quá trình phục hồi. Và để những chứng cứ này có được giá trị chứng minh trong vụ án hình sự mà đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao để phạm tội thì cần phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình thu giữ và phục hồi đối với loại chứng cứ này.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm mới ở nước ta, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ, dẫn đến chưa thể có được một hành lang pháp lý vững chắc để đấu tranh đối với loại tội phạm này; hơn nữa khi tội phạm xảy ra, thì việc phát hiện và đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi có một mong muốn đó là góp một phần công sức của mình vào việc hoàn thiện hơn nữa lý luận về chứng cứ điện tử, cũng như những biện pháp thu giữ, xác lập loại chứng cứ này góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội./.

(Nguồn: Đinh Phan Quỳnh - GV. Bộ môn Pháp luật - Trường Đại học CSND)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].