Sự hình thành và phát triển của quyền kháng cáo trong tố tụng hình sự gắn liền với sự hình thành và phát triển các tư tưởng, các nguyên tắc dân chủ và tiến bộ của tố tụng hình sự như công bằng; nhân đạo; suy đoán vô tội; bảo đảm quyền bào chữa của bị can...
Tư pháp hình sự là lĩnh vực hoạt động đặc thù của Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền của mình nhằm thực hiện quyền tư pháp. Lĩnh vực hoạt động này mang tính phức tạp và nhạy cảm, bởi nó động chạm trực tiếp đến các quyền và tự do dân chủ (kể cả tính mạng) của công dân. Mọi sai lầm dù lớn hay nhỏ xảy ra trong quá trình xử lý tội phạm và người phạm tội đều dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí, không thể khắc phục được. Bởi vậy, việc đề ra các hình thức, phương thức tối ưu để “phát hiện nhanh chóng, chính xác và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội... bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân” (Điều 1 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS 2003)) có ý nghĩa chính trị, pháp lý và xã hội hết sức to lớn. Một trong những phương thức như vậy là quy định và đảm bảo thực hiện có hiệu quả quyền của những người tham gia
tố tụng hình sự được kháng cáo yêu cầu xét xử phúc thẩm tại Toà án cấp cao hơn.
Xét xử phúc thẩm xét về bản chất là hình thức kiểm tra của Toà án cấp trên trực tiếp đối với hoạt động xét xử của Toà án cấp dưới trực tiếp nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai lầm thiếu sót có thể có trong bản án hoặc quyết định của Toà án cấp dưới trực tiếp chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Chính vì thế mà tất cả các Nhà nước văn minh đều thừa nhận chế độ hai cấp xét xử: Xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà chưa có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Tất nhiên, xét xử phúc thẩm chỉ đặt ra khi có kháng cáo, kháng nghị đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Toà án cấp dưới trực tiếp chưa có hiệu lực pháp luật. Vì vậy kháng cáo là một trong những cơ sở để mở phiên toà phúc thẩm.
Quyền kháng cáo trong tố tụng hình sự là phạm trù có thể được nhìn nhận duới nhiều góc độ khác nhau tuỳ thuộc vào vấn đề nghiên cứu. Dưới góc độ là
quyền con người,
quyền kháng cáo thể hiện khả năng của công dân - những nguời tham gia tố tụng hình sự (bị cáo, tức người bị buộc tội; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án hình sự) được bày tỏ trong đơn kháng cáo sự không đồng ý của mình đối với phán quyết của Toà án đã xét xử sơ thẩm và đề nghị Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án đã ra phán quyết (bản án hay quyết định hình sự) đó xét xử lại theo trình tự phúc thẩm. Dưới góc độ pháp luật, quyền kháng cáo được hiểu là chế định của pháp luật tố tụng hình sự bao gồm tổng thể các quy định về các chủ thể có quyền kháng cáo; thủ tục kháng cáo; thời hạn kháng cáo; kháng cáo quá hạn; thông báo về việc kháng cáo; hậu quả của việc kháng cáo; bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo...
Sự hình thành và phát triển của quyền kháng cáo trong tố tụng hình sự gắn liền với sự hình thành và phát triển các tư tưởng, các nguyên tắc dân chủ và tiến bộ của tố tụng hình sự như công bằng; nhân đạo; suy đoán vô tội; bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, xét xử còng khai, trực tiếp và bằng lời nói v.v... Quyền kháng cáo hiểu theo đúng nghĩa của nó không tồn tại trong tố tụng hình sự của những chế độ xã hội không có nền dân chủ, không tôn trọng quyền con người. Bởi vậy, trong chế độ xã hội chiếm hữu nô lệ và chế độ xã hội phong kiến, bị cáo cũng như người bị hại không có quyền phản đối phán quyết củaToà án.
Bản chất dân chủ và tiến bộ là một trong những thuộc tính quan trọng của hệ thống tư pháp hình sự hiện đại. Sự ra đời của quyền kháng cáo trong tố tụng hình sự là nhu cầu tất yếu khách quan xuất phát từ bản chất của tố tụng hình sự là bảo vệ ngày càng có hiệu quả hơn quyền con người trong lĩnh vực hoạt động đặc thù - tố tụng hình sự. Quyền kháng cáo là biểu hiện của dân chủ và tiến bộ, bảo đảm pháp lý cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự.
Công bằng là một trong những nguyên tắc rường cột của lĩnh vực áp dụng pháp luật hình sự. Công bằng chỉ có khi hình phạt đuợc quyết định đối với người phạm tội tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, với các đặc điểm của nhân thân người phạm tội, với các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ, với dư luận xã hội, với ý thức pháp luật. Đồng thời chỉ có công bằng khi trong những điều kiện và hoàn cảnh phạm tội giống nhau thì người phạm tội phải bị kết án và xử phạt như nhau. Thế nhưng, những đòi hỏi đó của công bằng trong xét xử không phải lúc nào cũng đạt được do nhiều nguyên nhân như không có sự thống nhất giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử, giữa các Toà án trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật, đặc biệt là, khi cần áp dụng các quy định mang tính chất đánh giá hoặc mang tính chất tuỳ nghi... Việc quy định và tiến hành thủ tục phúc thẩm, xét đến cùng là đảm bảo công lý, công bằng xã hội, nhân đạo, quyền con nguời trong tố tụng hình sự.
Sự ra đời của quyền kháng cáo còn xuất phát từ quan niệm đúng đắn của các nhà lập pháp cho rằng, nhờ xét xử phúc thẩm các vụ án khi kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm Toà án cấp trên trực tiếp sẽ hạn chế được những sai sót về xét xử của các Thẩm phán Tòa sơ thẩm cấp dưới trực tiếp. Toà án cấp trên trực tiếp làm được điều đó bởi Toà án có những Thẩm phán giỏi hơn, có kinh nghiệm xét xử đúng và công bằng hơn. Đồng thời, do Toà án cấp trên ở xa các đương sự nên không chịu sự ảnh hưởng từ phía địa phương.
Rõ ràng, sự ra đời của quyền kháng cáo là một nhu cầu tất yếu khách quan của xã hội loài người phát triển đến một trình độ nhất định, gắn liền với sự hình thành và phát triển của các tư tưởng về nguyên tắc dân chủ và tiến bộ của tố tụng hình sự. Ngày nay, dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội đang trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia, vì vậy, quyền được kháng cáo trong tố tụng hình sự ngày càng đuợc hoàn thiện và trở thành một trong những hình thức, phương tiện bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người trong tố tụng hình sự. Tựu trung lại, quyền kháng cáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng thể hiện ở những điểm sau đây:
Một là, quyền kháng cáo tạo ra một trong những điều kiện làm cơ sở cho việc xét xử của Tòa án cấp trên trực tiếp đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án dưới trực tiếp. Thông qua việc xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp trên trực tiếp không chỉ kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp 1uật mà còn phát hiện, khắc phục kịp thời các thiếu sót, sai lầm về xét xử của Tòa án cấp dưới.
Hai là, quyền kháng cáo là một trong những phương tiện hữu hiệu để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là của bị cáo trong tố tụng hình sự.
Ba là, thông qua việc xét xử các vụ án do công dân thực hiện quyền kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm góp phần đảm bảo nhận thức và áp dụng thống nhất pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử, tăng cường hiệu quả giáo dục pháp luật và củng cố niềm tin vào công lý, công bằng xã hội cho nhân dân, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
(Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân số 6/2010)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận