Về mặt nguyên tắc chung, khởi tố vụ án hình sự là quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm duy trì trật tự và công lý, không phụ thuộc vào ý muốn cá nhân và không ai có thể can thiệp.
Cụ thể điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định vềkhởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau: "1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức".
Các tội khởi tố theo yêu cầu của người bị hại là: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 105); Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 108); Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 109); Tội hiếp dâm (Điều 111); Tội cưỡng dâm (Điều 113); Tội làm nhục người khác (Điều 121); Tội vu khống (Điều 122); Tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 131); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171).
Những trường hợp này nếu khởi tố vụ án, lợi ích về mặt xã hội thu được có thể không lớn mà còn có khả năng làm tổn thương thêm về mặt tinh thần cho người bị hại. Vì vậy, các nhà làm luật đã xác lập một khả năng, điều kiện để người bị hại cân nhắc, quyết định có yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về mặt hình sự đối với hành vi phạm tội hay không. Với quy định đó, nhà làm luật tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội thuận lợi để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế việc gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết có thể có đối với người bị hại.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận