Một số kiến nghị về tranh tụng trong tố tụng hình sự

Đối chiếu với quy định pháp luật TTHS Việt Nam chúng tôi thấy rằng tư tưởng tranh tụng đã tồn tại trong TTHS song còn mờ nhạt, đặc biệt là các điều kiện để thực hiện tranh tụng được pháp luật TTHS quy định là chưa phù hợp và tương xứng với điều kiện tranh tụng.

Từ những nhận thức trên, đối chiếu với quy định pháp luật TTHS Việt Nam chúng tôi thấy rằng tư tưởng tranh tụng đã tồn tại trong TTHS song còn mờ nhạt, đặc biệt là các điều kiện để thực hiện tranh tụng được pháp luật TTHS quy định là chưa phù hợp và tương xứng với điều kiện tranh tụng, mà biểu hiện cụ thể là:Bên buộc tội và bên bào chữa chưa thật sự bình đẳng với nhau. Mặc dù Điều 20 BLTTHS và một số điều luật khác có quy định sự bình đẳng tại phiên tòa, tuy nhiên điều kiện để thực hiện sự bình đẳng đó lại chưa được pháp luật quy định cụ thể. Mặt khác, trong quá trình tranh luận, Tòa án chưa thể hiện rõ vị trí trung tâm của mình trong quá trình xét xử, cũng như trong hệ thống các cơ quan tư pháp. Một số quy định pháp luật chưa có sự phân định rõ ràng chức năng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc thực hiện chức năng tố tụng của các cơ quan THTT. Chẳng hạn:

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Các quy định tại Chương 19, các Điều 219, 251, 267 BLTTHS quy định cho HĐXX thực hiện quyền xét hỏi tại phiên tòa là chưa phù hợp với chức năng xét xử. Thực chất các quyền và trách nhiệm này phải được giao cho bên buộc tội và bên bào chữa. Tại Điều 13, khoản 1 Điều 87 BLTTHS cho phép Tòa án được ra quyết định khởi tố vụ án là không phù hợp với chức năng xét xử, vì thực chất đây là nhiệm vụ thuộc chức năng buộc tội. Tại các Điều 169, 195, 196 BLTTHS quy định trường hợp tại phiên tòa Kiểm sát viên rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố thì Tòa án vẫn tiếp tục xét xử là không phù hợp, bởi lẽ khi rút quyết định truy tố có nghĩa là bên buộc tội khẳng định rằng việc buộc tội là không còn cơ sở và căn cứ. Họ đã từ chối buộc tội, chức năng buộc tội đã tạm thời chấm dứt, chức năng bào chữa sẽ không còn tồn tại và tất nhiên chức năng xét xử cũng sẽ chấm dứt. Điều 170 BLTTHS không cho phép Tòa án xử theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố (dù quyết định truy tố đó là trái pháp luật) là điều không thể chấp nhận được, vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, phải chăng VKS cũng có chức năng xét xử. Trong khi đó Điều 221 BLTTHS và TTLN số 01 ngày 8.12.1988 của TANDTC, VKSNDTC cho phép Tòa án được sửa án sơ thẩm theo hướng chuyển sang tội danh nặng hơn khi có KC-KN theo hướng đó.

Mặt khác theo Điều 35 BLTTHS thì chỉ có luật sư, người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân mới có thể trở thành người bào chữa khi được yêu cầu. Trong khi số lượng luật sư trong cả nước còn quá ít so với yêu cầu bào chữa (tính đến 6-2001 thì cứ 53.000 dân/ 1 luật sư – một con số rất khiêm tốn); bào chữa viên nhân dân thì hầu như không tồn tại trên thực tế; người đại diện hợp pháp thì chưa được pháp luật quy định cụ thể, đã làm hạn chế khả năng của bên bị buộc tội trong việc lựa chọn người bào chữa.

Theo quy định của BLTTHS thì bị can, bị cáo có quyền chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Tuy nhiên, để bị can, bị cáo thực hiện được các quyền này lại phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào thiện ý của cơ quan, người THTT. Mặt khác do nhận thức chưa đầy đủ về quyền và nghĩa vụ chứng minh của bị can, bị cáo vô hình chung chúng ta đã gạt bị can, bị cáo ra khỏi quá trình tố tụng, chúng ta không xem họ với tính cách là một bên trong tranh tụng. Điều này cũng tương tự như đối với người bị hại. Vì vậy, tại phiên tòa vai trò của bị cáo cũng như người bị hại rất mờ nhạt. Đây cũng là điều làm hạn chế hiệu quả tranh tụng. Đối với người bào chữa, đây không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ nghề nghiệp của họ. Muốn thực hiện được quyền và nghĩa vụ này người bào chữa phải tiến hành thu thập chứng cứ để có đủ phương tiện chứng minh. Tuy nhiên, PLTTHS chưa cho phép người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ án. Khi thực hiện việc bào chữa họ chỉ dựa vào các chứng cứ do bên buộc tội cung cấp, điều này đã không tạo được sự bình đẳng giữa các bên trong tranh tụng; và còn nhiều bất hợp lý khác cần phải có sự nghiên cứu để sửa đổi bổ sung kịp thời.

Từ những suy nghĩ trên, chúng tôi kiến nghị pháp luật TTHS cần phải được đổi mới theo hướng phân định rõ các chức năng tố tụng. Những quyền và nghĩa vụ nào thuộc chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử phải được quy định rõ. Trên cơ sở đó xác định rõ chức năng tố tụng của các chủ thể tham gia thực hiện, theo hướng tăng cường các yếu tố tranh tụng. Nên chăng: Cho phép người bào chữa (chủ yếu là luật sư) được quyền thu thập chứng cứ để chứng minh, với những quy định pháp lý chặt chẽ để đảm bảo giá trị của các chứng cứ do người bào chữa thu thập. Đồng thời cung cấp nhiều công cụ pháp lý để người bào chữa tranh luận bình đẳng tại phiên tòa. Tại phiên tòa, kiểm sát viên chỉ thực hiện chức năng công tố (buộc tội), việc giám sát tuân theo pháp luật có thể giao cho Tòa án (nếu Tòa án xét xử sai vẫn có rất nhiều cơ chế để kiểm tra, phát hiện). HĐXX đóng vai trò là người” trọng tài” làm nhiệm vụ phân xử giữa bên buộc tội và bên bào chữa để có quyết định đúng đắn. Việc xét hỏi tại phiên tòa nên giao cho bên buộc tội và bên bào chữa. Tòa án chỉ tham gia xét hỏi để làm rõ một số nội dung khi xét thấy cần thiết.Điều 170 BLTTHS nên sửa lại theo hướng cho phép Tòa án (HĐXX) độc lập trong việc quyết định tội danh và hình phạt. Đồng thời Điều 13, Điều 87 BLTTHS nên sửa lại theo hướng không cho phép Tòa án được khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp Tòa án phát hiện tội mới, người phạm tội mới cần phải điều tra thì yêu cầu Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án. Điều 195, 196 BLTTHS nên sửa lại theo hướng tại phiên tòa Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố Tòa án xét xử phần còn lại; nếu rút toàn bộ quyết định truy tố, Tòa án tuyên bị cáo vô tội.
(Nguồn:Tạp chí Khoa học pháp lý số 01/2003)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].