Những bất cập về thẩm quyền khởi tố vụ án của Tòa án

Quyền hạn và chức năng của Viện kiểm sát nhân dân có sự tách bạch hoàn toàn với quyền hạn và chức năng của Tòa án.

Theo quy định tại Điều 137 của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), thì thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân được quy định cụ thể: "Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”, bên cạnh đó, tại Điều 134 Hiến pháp năm 1992 cũng quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án: "Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Những quy định trên của Hiến pháp năm 1992, được cụ thể hóa ở Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân bao gồm thực hành quyền công tố và kiểm sát. Quyền khởi tố vụ án hình sự cũng là một nội dung của thực hành quyền công cố được liệt kê một cách rõ ràng tại Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, cụ thể tại khoản 1 Điều 13, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: "Khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can”.

Như vậy, quyền hạn và chức năng của Viện kiểm sát nhân dân có sự tách bạch hoàn toàn với quyền hạn và chức năng của Tòa án. Với nhiệm vụ duy nhất được ghi nhận của Tòa án nhân dân trong Hiến pháp năm 1992 chính là nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quá trình xét xử, các chức năng khác như: Khởi tố, điều tra, truy tố không phải chức năng của Tòa án. Các chức năng này được giao cho các cơ quan như Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra… Việc quy định như vậy, đảm bảo cho Tòa án có điều kiện tốt nhất để thi hành nhiệm vụ của mình, tập trung xét xử dựa trên những chứng cứ hợp pháp, thông qua hoạt động xét xử vụ án nhằm đưa ra kết luận ai là người có tội hay không có tội và ai là người phải chịu hình phạt hay không phải chịu hình phạt... Bên cạnh đó, quy định này cũng đảm bảo nguyên tắc: "Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, đây là nguyên tắc cốt lõi của nền tư pháp hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Với quy định nêu trên của Hiến pháp năm 1992, thì thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân đã được phân biệt rạch ròi. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền của Hội đồng xét xử (Tòa án) trong giai đoạn xét xử tại phiên tòa, nếu phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần điều tra, thì Hội đồng xét xử có những sự lựa chọn: (1) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; hoặc (2) Đề nghị Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự.

Ngoài Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu trên, nếu trong quá trình xét xử tại phiên tòa, khi có một trong các căn cứ được quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

Khi đánh giá và phân tích về thẩm quyền khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử tại Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự, rất có thể việc khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử là có căn cứ, bị can sau này trở thành bị cáo và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có khách quan hay không và sẽ tác động thế nào đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị can (có thể sau này là bị cáo) khi chủ thể khởi tố vụ án cũng chính là chủ thể có thẩm quyền xét xử vụ án đó? Yếu tố khách quan trong một vụ án hình sự là vô cùng quan trọng. Khách quan ở đây có nghĩa là một chủ thể đứng bên ngoài vụ việc, xem xét lời buộc tội, gỡ tội của các bên liên quan dựa trên những chứng cứ hợp pháp thì ai đúng, ai sai, ai là người vô tội cần được trả tự do… Yếu tố khách quan đó cần được đảm bảo trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án, thực hành quyền xét xử cần dựa trên những đối đáp, lập luận có căn cứ pháp lý, có chứng cứ hợp pháp... thể hiện sự độc lập, sự vô tư, khách quan của mình. Tuy nhiên, với quy định tại Điều 13 và Điều 104 của Bộ luật tố Tụng hình sự, Hội đồng xét xử thay mặt cho Tòa án tham gia vào hai giai đoạn: (1) Giai đoạn khởi tố vụ án và (2) Giai đoạn xét xử. Quy định như vậy khiến cho yếu tố khách quan của vụ án không được đảm bảo.

(Nguồn: Nguyễn Văn Vinh - Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].