Quy định về khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện được quy định cụ thể tại điều 195, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Chính vì vậy việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện được quy định rất rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Căn cứ pháp lý của khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện như sau:
“(1) Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét́t và hai người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. (2) Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến. (3) Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến. (4) Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến. Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia. (5) Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong”.
Quy định về khám xét chỗ ở.
Một quyền cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định là mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Do đó, khoản 1, điều 195, Bộ luật tố tụng năm 2015 quy định khi khám xét chỗ ở phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và sự tham gian của người chứng kiến.
Trên thực tế, người chứng kiến có thể là người láng giềng, tổ trưởng tổ dân phố của người có chỗ ở bị khám xét. Sự tham gia của những người này đảm bảo hoạt động khám xét chỗ ở diễn ra công khai, khách quan. Trong trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuôi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
Việc khám xét chỗ ở có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu phố nơi khám xét. Do đó, luật quy định không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau.
Trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng khám xét vẫn có thể bắt đầu vào ban đêm, nhưng phải ghi rõ lí do vào biên bản khám xét.
Quy định về khám xét nơi làm việc
Khoản 2, điều 195, Bộ luật tố tụng năm 2015 quy định về khám xét nơi làm việc.
Nơi làm việc của một người cũng có thể là đối tượng của hoạt động khám xét. Khi khám xét nơi làm việc của một người, điều luật quy định sự có mặt của người đó là bắt buộc, trừ trường hợp khẩn cấp.
Lí do khám xét nơi làm việc trong trường hợp khẩn cấp phải được ghi rõ trong biên bản khám xét.
Ngoài ra, phải có sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức nơi làm việc của người đó thì việc khám xét vẫn được tiến hành.
Việc khám xét có sự tham gia của đại diện chính quyên xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
Quy định về khám xét địa điểm nhất định
Khoản 3, điều 195, Bộ luật tố tụng năm 2015 quy định về khám xét một địa điểm.
Việc khám xét cũng có thể tiến hành đối với địa điểm nhất định khi có căn cứ cho rằng ở đó có các tài liệu, đồ vật có ý nghĩa đối với vụ án, có người bị truy nã đang lẩn trốn hoặc có người bị bắt cóc.
Việc khám xét địa điểm cũng phải được tiến hành có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
Quy định về khám xét phương tiện
Khoản 4, điều 195, Bộ luật tố tụng năm 2015 quy định về khám xét phương tiện.
Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sờ hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.
Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.
Ngoài ra ở khoản 5, điều 195, Bộ luật tố tụng năm 2015 còn quy định khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:
- Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].
Bình luận