Vụ án hủy hoại cây trên đất của mình tại Lục Nam (Bắc Giang): Ông Vũ Văn Cấp là 'bị cáo' hay 'bị hại'?

Kết luận điều tra vụ án hình sự số 88 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Cáo trạng số 93/CT-VKS Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam không 'nhắc' đến thửa đất trồng "cây đào", cây bưởi" bị "hủy hoại" đã được cấp Giấy chứng nhận tên ông Vũ Văn Cấp.

Ngày 08/11/2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam ban hành Cáo trạng số 93/CT-VKS truy tố ông Vũ Văn Cấp về hành vi “Hủy hoại tài sản” quy định tại Khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự.

Quan điểm của các luật sư Công ty Luật TNHH Everest - người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Cấp trong vụ án “Huỷ hoại tài sản” xảy ra vào ngày 21/03/2018 tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang do Tòa án nhân dân huyện Lục Nam xét xử sơ thẩm: Các cơ quan tiến hành tố tụng nhận định sai lệch về bản chất quyền sở hữu đối với tài sản (các "cây đào", cây bưởi" bị "hủy hoại"), nhầm lẫn cơ bản về chủ sở hữu tài sản.

"Cây bưởi" hai năm tuổi của ông Vũ Văn Cấp, đang được cơ quan tố tụng định giá 1,5 triệu đồng/cây
Vườn cây 'tiền tỉ' theo cách định giá của cơ quan tố tụng thực chất chỉ cần trồng 02 năm là có [?]

Thứ nhất, Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát đều xác định sai về chủ sở hữu của tài sản.

- Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Điều 105. Tài sản: “1- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2- Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”; Điều 222. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: “Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó” .

- Luật đất đai năm 2013 quy định: Điều 10. Phân loại đất: “… 1- Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: (a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác”; Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm: “… 3- Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”.

Như vậy, việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được từ lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một chủ thể (cá nhân, pháp nhân) phải là hoạt động lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp. Chính ông Vũ Xuân Mơ đã từng lập hồ sơ đề nghị được chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây hàng năm sang đất trang trại, trồng cây lâu năm trước đây vài năm, nhưng không được cơ quan chức năng chấp nhận. Nghĩa là, việc sử dụng “đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác” để trồng các loại cây lâu năm bị nghiêm cấm. Tài sản (cây lâu năm) được hình thành bất hợp pháp (cây lâu năm trồng trên “đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác”) không được pháp luật bảo hộ.

Thứ hai, những quy định về “quyền bề mặt” trong Bộ luật Dân sự đã không được cơ quan tiến hành tố tụng 'bỏ qua'.

Các luật sư lưu ý về quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về: Quyền bề mặt (các điều từ: Điều 267 đến Điều 273). Trong đó, đặc biệt lưu ý quy định tại Điều 273. Xử lý tài sản khi quyền bề mặt chấm dứt: “1- Khi quyền bề mặt chấm dứt, chủ thể quyền bề mặt phải trả lại mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền sử dụng đất theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. 2- Chủ thể quyền bề mặt phải xử lý tài sản thuộc sở hữu của mình trước khi quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ thể quyền bề mặt không xử lý tài sản trước khi quyền bề mặt chấm dứt thì quyền sở hữu tài sản đó thuộc về chủ thể có quyền sử dụng đất kể từ thời điểm quyền bề mặt chấm dứt, trừ trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản đó. Trường hợp chủ thể có quyền sử dụng đất không nhận tài sản mà phải xử lý tài sản thì chủ thể có quyền bề mặt phải thanh toán chi phí xử lý tài sản”. Như vậy, những tài sản (hợp pháp) sau khi quyền bề mặt chấm dứt (hợp đồng đổi đất hết hạn) thuộc về ông Vũ Văn Cấp mà không phải của ông Vũ Xuân Mơ.

Bị cáo Vũ Văn Cấp đã nhiều lần yêu cầu gia đình ông Vũ Xuân Mơ tự dọn dẹp cây, cối nhưng gia đình ông Vũ Xuân Mơ không thực hiện, buộc bị cáo Vũ Văn Cấp phải tự thực hiện. Như vậy, mục đích hành vi chặt cây của bị cáo Vũ Văn Cấp: là nhằm dọn dẹp đất (“xử lý tài sản”) trong phạm vi thửa đất thuộc quyền sở hữu của mình, phù hợp với quy định tại Điều 273 Bộ luật dân sự mà không phải như nhận định của Viện kiểm sát “do mâu thuẫn trong việc đổi đất canh tác”.

Trước đó, ngày 08/11/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam ban hành Cáo trạng số 93/CT-VKS. Nội dung của Cáo trạng số 93/CT-VKS thể hiện:

Năm 2009, gia đình: ông Vũ Xuân Mơ, sinh năm 1959 và gia đình Vũ Văn Cấp, sinh năm 1964, gia đình bà Vũ Thị Duyệt, sinh năm 1952 cùng trú tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang có thỏa thuận bằng lời nói với nhau về việc đổi đất nông nghiệp để thuận tiện cho việc canh tác. Theo đó, gia đình ông Cấp và gia đình bà Duyệt được sử dụng diện tích đất của gia đình ông Mơ ở xứ đồng khu lò gạch thuộc thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, còn gia đình ông Mơ được sử dụng diện tích đất của ông Cấp ở sát vườn của gia đình ông Mơ. Sau khi đổi ruộng cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt, đến cuối năm 2009 gia đình ông Mơ đã đào ao, đổ đất lên phần diện tích đất của gia đình mình và đồ đất tạo thành vườn rồi trồng cây đào, cây bưởi lên phần diện tích đất đã đổi cho gia đình ông Cấp, bà Duyệt, sau đó gia đình ông Mơ đã xây tường vành lao quanh khu vực trồng đào, bưởi nêu trên của gia đình (Bút lục: 162-171; 184; 190; 256; 267-271).

Khoảng 07 giờ 30 phút ngày 21/3/2018, Vũ Văn Cấp đi xe máy sang nhà ông Vũ Xuân Mơ để đòi lại diện tích đất đã đổi cho ông Mơ, khi Cấp đi ngang qua mương nước ở cánh đồng Đồng Bệ, thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn thì gặp bà Trần Thị Toan, sinh năm 1957 là vợ ông Mơ, ông Bùi Văn Nhu sinh năm 1964, chị Trần Thị Quyên sinh năm 1976 và ông Nguyễn Văn Hào sinh năm 1968 cùng trú tại thôn Yên Thiện, xã Bảo Sơn đang làm đồng ở đây. Khi gặp bà Toan, Cấp yêu cầu gia đình bà Toan phải chặt cây trồng và trả lại đất cho Cấp nhưng bà Toan không đồng ý, Cấp nới với bà Toan nếu bà Toan không chặt thì Cấp sẽ về lấy dao đến chặt cây (Bút lục: 194; 227). Sau đó, Cấp đi xe về nhà lấy 01 con dao có cán và lưỡi đều bằng kim loại có tổng chiều đài là: 121 cm; dao có chiều dài 47,2 cm, phần lưỡi dao rộng nhất là 3,6cm, mũi dao cong ra khỏi lưỡi là 5,6 cm, cán dao dài 73,8 cm, đường kính 2,5cm rồi Cấp cầm dao đi bộ sang nhà ông Mơ, con bà Toan thì chạy về nhà thông báo cho ông Mơ biết sự việc. Khi Cấp sang đến nhà ông Mơ thì gặp ông Mơ, bà Toan ở sân, Cấp yêu cầu ông Mơ, bà Toan phải chuyển cây đi và trả lại diện tích đất đã đổi lại cho Cấp nhưng ông Mơ, bà toan không đồng ý. Lúc này, Cấp cầm con dao mang theo đi ra vườn đào, bưởi của gia đình ông Mơ, ông Mơ đi theo sau Cấp còn bà Toan thì đi ra đồng làm tiếp. Khi ra đến khu vườn trồng đào, bưởi của gia đình ông Mơ thì Cấp dùng đao chặt phá cây đào, cây bưởi, thấy vậy ông Mơ yêu cầu Cấp dừng lại nhưng Cấp không nghe mà tiếp tục chặt phá cây nên ông Mơ đã dùng chiếc điện thoại loại Samsung J2 ghi lại việc Cấp dùng dao chặt phá cây. Ông Mơ quay video được khoảng 06 phút, thấy Cấp vẫn chặt tiếp nên đã về nhà lấy xe máy đi báo chính quyền thôn, còn Cấp tiếp tục chặt phá cây của gia đình ông Mơ (Bút lục: 185; 233; 356; 259; 270).

Đến khoảng 09 giờ 30 phút cùng ngày, khi ông Mơ cùng ông Nguyễn Đăng Hiệu, sinh năm 1958 là trưởng thôn Yên Thiện và ông Nguyễn Văn Điều, sinh năm 1960 là Công an viên thôn Yên Thiện về đến vườn cây nhà ông Mơ thì không thấy Cấp ở đây, đồng thời phát hiện các cây đào, cây bưởi của gia đình ông Mơ đã bị chặt phá. Sau đó, ông Hiệu và ông Điều đã cùng ông Mơ kiểm đếm thấy tổng số có 29 cây bị chặt phá, trong đó có 14 cây bưởi và 15 cây đào rồi lập biên bản vụ việc trình báo đến Công an xã Bảo Sơn để giải quyết. Sau khi tiếp nhận, Công an xã Bảo Sơn đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam để giải quyết theo thẩm quyền (Bút lục: 44-46).

Hồi 15 giờ ngày 21/3/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam đã tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra vụ việc, quá trình khám nghiệm hiện trường xác định tổng số cây trên diện tích vườn của gia đình ông Mơ bị chặt phá thiệt hại 100% là 32 cây, trong đó có 15 cây đảo và 17 cây bưởi được đánh số thứ tự từ 01 đến 32 trong sơ đồ hiện trường, cụ thể như sau: Cây số 01 (đào) có đường kính gốc 7,7 cm; Cây số 02 (bưởi) có đường kính có đường kính gốc 8,5 cm; Cây số 03 (đào) có đường kính gốc 7,1cm; Cây số 04 (đào) có đường kính gốc 7,6cm; Cây số 05 (bưởi) có đường kính gốc 8,65 cm; Cây số 06 có đường kính gốc 11,7 cm; Cây số 07 (bưởi) có đường kính gốc 10,8 cm; Cây số 08 có đường kính gốc 7,3 cm; Cây số 09 (đào) có đường kính gốc 6,5 cm; Cây số 10 (bưởi) có đường kính gốc 10,8 cm; Cây số 11 (bưởi) có đường kính gốc 9,0 cm; Cây số 12 (bưởi) có đường kính gốc 4,1 cm; Cây số 13 (bưởi) có đường kính gốc 6,4 cm; Cây số 14 (bưởi) có đường kính gốc 12,6 cm; Cây số 15 (đào) có đường kính gốc 13,8 cm; Cây số 16 (bưởi) có đường kính gốc 12,6 cm; Cây số 17 (đào) có đường kính gốc 10,85 cm, Cây số 18 (đào) có đường kính gốc 7,8 cm; Cây số 19 (bưởi) có đường kinh gốc 8,25 cm; Cây số 20 (đào) có đường kính gốc 16,1 cm; Cây số 21 (bưởi) có đường kinh gốc 12,85 cm; Cây số 22 (đào) có đường kính gốc 5,4 cm; Cây số 23 (đào) có đường kính gốc 10,1 cm; Cây số 24 (đào) có đường kính gốc 12,6 cm; Cây số 25 (bưởi) có đường kính gốc 13,25 cm; Cây số 26 (đào) có đường kinh gốc 9,45 cm; Cây số 27 (đào) có đường kính gốc 7,25 cm; Cây số 28 (bưởi) có đường kính gốc 6,55 cm; Cây số 29 (đào) có đường kính gốc 5,5 cm; Cây số 30 (bưởi) có đường kính gốc 14,8 cm; Cây số 31 (bưởi) có đường kính gốc 9,05 cm; Cây số 32 (bưởi) có đường kính gốc 3,9cm (Bút lục: 47; 49; 61-62; 66). Cơ quan điều tra đã thụ giữ 32 cành cây trên các gốc cây, trên mặt đất được ký hiệu từ cây số 01 đến cây số 32 lần lượt là A1- A32 niêm phong trong thùng bìa cát tông gửi giám định (Bút lục: 47; 93).

Cùng ngày, Vũ Văn Cấp đã tự nguyện giao nộp cho Cơ quan điều tra 01 con dao có cán và lưỡi đều bằng kim loại có tổng chiều đài là 121 cm; dao có chiều dài 47,2 cm, phần lưỡi dao rộng, nhất là 3,6 cm, mũi đao cong ra khỏi lưỡi là 5,6 cm, cán dao đài 23,8 cm, đường kính 2,5 cm, Cấp khai đã dùng con đao này chặt phá cây đào, bưởi trên vườn của gia đình ông Mơ ngày 21/3/2018 (Bút lục: sàu 153-154).

Điều kỳ lạ rằng, Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 88 ngày 09/10/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lục Nam và Cáo trạng số 93/CT-VKS Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lục Nam đềukhông 'nhắc' đến thửa đất (loại đất nông nghiệp trồng cây hàng năm) trồng các "cây đào", cây bưởi" bị "hủy hoại" đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chủ sở hữu là ông Vũ Văn Cấp.