Các căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là: bản án hoặc quyết định của Toà án cấp sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng và sai lầm đó thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.
Sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, trước hết là những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự, kế đó là những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nói chung, mà pháp luật ở đây là pháp luật có liên quan đến việc áp dụng Bộ luật hình sự (hỗ trợ cho việc áp dụng Bộ luật hình sự)
Việc áp dụng Bộ luật hình sự của Toà án cấp sơ thẩm phải đảm bảo phương châm kết án đúng người, đúng tội, không làm oan người ngay, không bỏ lọt người phạm tội. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án Toà án cấp sơ thẩm có những sai lầm nghiêm trọng dẫn đến bản án hoặc quyết định đối với bị cáo không nghiêm minh, không có tác dụng giáo dục và phòng ngừa, thậm chí có trường hợp làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt người phạm tội hoặc quyết định đối với người tham gia tố tụng không đúng pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Thực tiễn xét xử cho thấy, những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự của Toà án cấp sơ thẩm là những sai lầm sau:
- Kết án người không có hành vi phạm tội (làm oan người vô tội).
Một người không thực hiện hành vi phạm tội nào mà lại bị Toà án cấp sơ thẩm kết án là làm oan người vô tội. Sai lầm này, có thể là do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn phải chịu trách nhiệm, vì Toà án là cơ quan ra bản án. Có trường hợp, chính người bị kết án oan đã có những hành vi gian dối đánh lừa các cơ quan tiến hành tố tụng, họ không phải là thủ phạm gây án nhưng lại nhận bừa rằng chính mình gây ra vụ án đó như một số trường hợp nhận tội thay cho người phạm tội hoặc vì lý do nào đó mà tự nhận mình là thủ phạm gây án nhưng sau một thời gian, thủ phạm gây án đã ra tự thú hoặc bị Cơ quan điều tra phát hiện.v.v... Có trường hợp, lúc đầu cơ quan điều tra mới nghi là thủ phạm gây án và áp dụng biện pháp ngăn chặn (tạm giam), nhưng vì sợ hoặc thậm chí quá sợ nên nhận tội. Khi ra toà mới chối tội và lời chối tội này lại có căn cứ, nhưng Toà án cấp sơ thẩm không đánh giá đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ án nên đã kết án oan bị cáo. Có trường hợp do không phân biệt được giữa tội phạm với các hành vi vi phạm pháp luật khác (trường hợp này tương đối phổ biến) nên đã kết án oan người vô tội.
Trường hợp Toà án cấp sơ thẩm kết án oan người vô tội mà Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm ít xảy ra, vì Viện kiểm sát đã truy tố người không phạm tội và Toà án cấp sơ thẩm cũng đồng ý với bản cáo trạng của Viện kiểm sát cũng như lời luận tội của Kiểm sát viên tham gia phiên toà nên mới kết án oan người vô tội. Tuy nhiên, về lý thuyết vẫn có thể xảy ra trường hợp Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo phạm tội nhưng Viện kiểm sát vẫn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm với lý do Toà án cấp sơ thẩm đã kết án oan người vô tội. Ví dụ: Trong quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên thấy bị cáo không phạm tội và trong lời luận tội Kiểm sát viên đã đề nghị Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, nhưng Toà án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên nên vẫn kết án bị cáo phạm tội. Sau khi xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên đã báo cáo với Viện trưởng Viện kiểm sát và Viện trưởng cũng đồng ý với quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên toà nên đã quyết định kháng nghị bản án của Toà án cấp sơ thẩm để Toà án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm theo hướng tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xác định việc truy tố của Viện kiểm sát cấp dưới là oan cho người vô tội, nên kháng nghị bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm.
Các quy định của pháp luật khác không phải là Bộ luật hình sự những có ý nghĩa quyết định trong việc áp dụng Bộ luật hình sự mà Toà án cấp sơ thẩm đã sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng cũng là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Ví dụ: Điều 154 Bộ luật hình sự quy định tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, nhưng thế nào là “trái phép” thì phải căn cứ vào các quy định khác của nhà nước. Nếu trước đây một người nhập cảnh vào Việt Nam mang theo trên 3000 USD mà không khai báo bị coi là trái phép thì nay phải trên 7.000 USD mới bị coi là trái phép. Nếu chỉ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự không thể xác định thế nào là “trái phép” mà phải căn cứ vào quy định khác của nhà nước thì mới xác định được thế nào là “trái phép”.
- Kết án người mà hành vi của họ không cấu thành tội phạm
Hành vi không cấu thành tội phạm là trường hợp người bị kết án có thực hiện hành vi đã gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại cho xã hội, nhưng theo quy định của pháp luật, thì hành vi của họ không bị xử lý bằng biện pháp hình sự (hành vi không cấu thành tội phạm) như: Gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự; chuẩn bị phạm tội ít nghiêm trọng; cố ý gây thương tích nhưng tỷ lệ thương tật dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự; vô ý gây thiệt hại chưa nghiêm trọng đến tài sản; vô ý gây thương tích nhẹ và một số hành vi đòi hỏi người có hành vi phải là người phạm tội phải là người đã xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc một số hành vi phải gây ra thiệt hại đáng kể (hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại nghiêm trọng) mới bị coi là tội phạm và một số trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.v.v...
- Kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Sai lầm này nói chung ít xảy ra, nhưng thực tế vẫn có một số trường hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán vội thoả mãn với lời khai của người có hành vi phạm tội hoặc giấy tờ xác nhận không chính xác của chính quyền địa phương nên đã khởi tố, truy tố và kết án người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Sai lầm này còn do nguyên nhân khác là xác định không đúng các dấu hiệu cấu thành tội phạm, nên cho rằng người có hành vi phạm tội đã đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
- Toà án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm
Bỏ lọt tội phạm bao gồm việc bỏ lọt một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự, bỏ lọt hành vi phạm tội và bỏ lọt người phạm tội. Tuy nhiên, chỉ coi là Toà án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm trong trường hợp Viện kiểm sát đã truy tố nhưng Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, mà việc tuyên bố đó rõ ràng là trái pháp luật. Chỉ khi nào xác định Toà án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm thì mới là căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, còn các trường hợp bỏ lọt tội phạm ở giai đoạn điều tra, truy tố thì không phải là căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Nếu trước đây, theo quy định tại Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 thì trường hợp Toà án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm dù có kháng cáo hoặc kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm cũng không có quyền kết án bị cáo hoặc huỷ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại, mà chỉ có quyền y án sơ thẩm và kiến nghị cấp giám đốc thẩm xét lại. Do yêu cầu của việc đấu tranh phòng chống tội phạm, tránh kéo dài vụ án không cần thiết, nên tại Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định: Người được Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền huỷ bản án sơ thẩm để Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại sơ thẩm theo hướng kết án người đó phạm tội. Do đó, nếu Viện kiểm sát đã truy tố một người về một tội quy định tại Bộ luật hình sự nhưng Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố người đó không phạm tội thì Viện kiểm sát mới có quyền kháng nghị và yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Tuy nhiên, nếu một người đã bị khởi tố nhưng trong quá tình điều tra, truy tố Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đã đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với người đó mà khi xét xử sơ thẩm Toà án cấp sơ thẩm cũng thấy có căn cứ xác định người đó phạm tội thì Viện kiểm sát không được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu tại phiên toà sơ thẩm, qua xét hỏi và tranh luận, Viện kiểm sát thấy việc đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án đối với một người rõ ràng là không đúng pháp luật và Toà án cấp sơ thẩm không có kiến nghị phục hồi điều tra thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật Viện kiểm sát sẽ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để huỷ bản án sơ thẩm hoặc quyết định phục hồi điều tra để truy tố người mà Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đã đình chỉ (nếu việc phục hồi điều tra không ảnh hưởng đến các bị cáo khác trong cùng vụ án).
Ngoài trường hợp bỏ lọt người phạm tội thì trong một số trường hợp Toà án cấp sơ thẩm còn bỏ lọt hành vi phạm tội đối với một hoặc một số bị cáo mà Viện kiểm sát đã truy tố.
- Kết án sai tội danh
Kết án sai tội danh là việc định tội của Toà án cấp sơ thẩm đối với hành vi của bị cáo không đúng với tội phạm mà Bộ luật hình sự quy định. Kết án sai tội danh bao gồm cả trường hợp Toà án kết án bị cáo về tội nặng hơn hoặc tội nhẹ hơn với tội mà bị cáo đã thực hiện. Tuy nhiên, cũng có trường hợp Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội ngang bằng với tội mà bị cáo thực hiện nhưng không đúng với hành vi phạm tội các yếu tố cấu thành tội phạm.
Kết án sai tội danh tất yếu dẫn đến việc quyết định hình phạt không chính xác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mức hình phạt đối với bị cáo đã tương xứng với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện và nếu có thay đổi tội danh thì cũng không thay đổi mức hình phạt, nhưng như vậy không có nghĩa là Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng, mà việc kết án sai tội danh vẫn là căn cứ kháng nghị phúc thẩm.
Tuy nhiên, việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm về trường hợp Toà án cấp sơ thẩm kết án sai tội danh cũng phải tuân theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm, tức là nếu chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát thì Toà án cấp phúc thẩm phải sửa được tội danh theo hướng kháng nghị của Viện kiểm sát, còn nếu Toà án cấp phúc thẩm thấy Toà án cấp sơ thẩm kết án sai tội danh nhưng theo quy định của pháp luật thì Toà án cấp phúc thẩm không sửa được tội danh theo hướng kháng nghị thì không thuộc phạm vi kháng nghị phúc thẩm. Vậy, trường hợp nào Toà án cấp phúc thẩm sửa được tội mà Toà án cấp sơ thẩm đã kết án bị cáo thành tội danh khác? Đây là vấn đề thực tiễn xét xử không vướng mắc, chỉ cần bảo đảm việc sửa tội danh của Toà án cấp phúc thẩm không vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng về lý luận thì lại có ý kiến khác nhau:
Quan điểm truyền thống cho rằng, Toà án cấp phúc thẩm có quyền kết án bị cáo về một tội danh khác mà tội đó Viện kiểm sát chưa truy tố bị cáo trong bản cáo trạng. Việc định tội sai chỉ có thể là sai lầm của Toà án. Tuy nhiên, cũng có trường hợp Viên kiểm sát truy tố sai tội danh, nhưng theo theo quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự (giới hạn của việc xét xử) nên Toà án biết sai mà không sửa lại được. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp Viện kiểm sát đã truy tố đúng tội, nhưng Toà án lại kết án bị cáo về tội khác nhẹ hơn, nên Viện kiểm sát phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Cũng có trường hợp, cả Viện kiểm sát và Toà án đều xác định sai tội danh, sau khi xét xử sơ thẩm mới phát hiện được nên phải kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự không đúng
Sai lầm trong việc áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự không chỉ bao gồm việc xác định sai điều khoản của điều luật quy định đối với tội tương ứng mà con bao gồm cả việc áp dụng không đúng các quy định khác của Bộ luật hình sự có liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, các quy định này chủ yếu nằm ở phần chung Bộ luật hình sự.
Ngoài những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự, thì trong khi xét xử vụ án hình sự Toà án còn có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nói chung, dẫn đến bản án hoặc quyết
Ngoài việc áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự không đúng dẫn đến việc quyết định hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ đối với người phạm tội, thì còn có cả sai lầm trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự khi quyết định các biện pháp tư pháp như: Tịch thu vật và tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm hoặc bồi thường thiệt hại. Riêng đối với việc bồi thường thiệt hại còn bao gồm cả việc áp dụng điều khoản của Bộ luật dân sự và các quy định khác không đúng cũng là căn cứ để kháng nghị phúc thẩm.
Những sai lầm trong việc áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự tới mức bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm phải là những sai lầm làm thay đổi đáng kể tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội như: Quá nặng, quá nhẹ, bồi thường thiệt hại không có căn cứ, tịch thu vật hoặc tiền bạc không đúng với quy định của pháp luật.
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi xét xử sơ thẩm
Cho đến nay chưa có văn bản nào giải thích một cách rành mạch, phân biệt một cách rõ ràng ranh giới giữa vi phạm nghiêm trọng với vi phạm chưa tới mức nghiêm trọng mà hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự đánh giá của người có thẩm quyền kháng nghị. Tuy nhiên, việc đánh giá này không tuỳ thuộc vào ý muốn chủ quan của người kháng nghị mà phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và thực tiễn công tác kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và xét xử phúc thẩm trong nhiều năm qua.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là căn cứ để kháng nghị bản án sơ thẩm theo thủ tục phúc thẩm chỉ là những vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị xét xử), còn các vi phạm của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra, truy tố không phải căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, mà những vi phạm này nếu có thì thuộc phạm vi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Những vi phạm thủ tục tố tụng ở giai đoạn chuẩn bị xét xử của Toà án cấp sơ thẩm tới mức nghiêm trọng phải kháng nghị theo thủ tục phúc phẩm thường là những vi phạm sau:
- Xác định sai người tham gia tố tụng;
- Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án không đúng;
- Việc giao các quyết định của Toà án không đúng với quy định tại Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự;
- Triệu tập không đầy đủ những người cần triệu tập đến phiên toà để xét hỏi hoặc tuy có triệu tập nhưng người được triệu tập không nhận được giấy triệu tập vì có lý do chính đáng.
Còn ở phiên toà, những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thường là các trường hợp sau:
- Xét xử sai thẩm quyền;
- Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng với quy định của pháp luật;
- Bị cáo vắng mắt có lý do chính đáng, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn xét xử vắng mặt họ ở phiên toà sơ thẩm (vi phạm khoản 1 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự);
- Người bào chữa thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự vắng mặt, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn xét xử;
- Người bị hại vắng mặt trong trường hợp sự vắng mặt của họ trở ngại cho việc xác định hành vi phạm tội của bị cáo, nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành xét xử;
- Những người tham gia tố tụng khác như: nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định... mà sự vắng mặt của họ trở ngại đến việc xác định sự thật của vụ án nhưng ;
- Chủ toạ phiên toà không thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tại phiên toà như: không đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, không xét hỏi những người tham gia tố tụng trong trường hợp lời khai của họ tại Cơ quan điều tra mâu thuẫn với lời khai của người khác, nhưng lại căn cứ vào lời khai tại Cơ quan điều tra để làm căn cứ xác định sự thật của vụ án, không cho bị cáo nói lời sau cùng, chủ toạ phiên toà không xét hỏi lại giao cho các thành viên khác xét hỏi rồi chủ Toạ tóm tắt lại như một lời kết luận v.v…;
- Biên bản nghị án phản ánh nội dung quyết định của Hội đồng xét xử không đúng với phần quyết định của bản án đã tuyên tại phiên toà.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận