Kháng nghị phúc thẩm là quyền của Viện kiểm sát. Theo quy định điều 232 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Theo Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 2 mục I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP TANNTC thì Viện trưởng Viện Kiểm sát hoặc Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát có quyền quyết định việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Viện Kiểm sát ban hành văn bản yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà Toà án cấp sơ thẩm cùng cấp hoặc cấp dưới trực tiếp đã xét xử, nhưng xét thấy không đúng pháp luật. Quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là một căn cứ làm phát sinh một trình tự xét xử - trình tự xét xử phúc thẩm hay còn gọi là thủ tục phúc thẩm. Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 33 Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì căn cứ để kháng nghị phúc thẩm là: việc điều tra, xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ; Kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; Có những vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự và có những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Không phải các sai lầm nghiêm trọng nào của toà án cấp sơ thẩm cũng là đối tượng kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà chỉ những sai lầm thuộc thẩm quyền quyết định của toà án cấp phúc thẩm thì mới kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu toà án cấp phúc thẩm không có thẩm quyền quyết định thì dù bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng cũng không phải là căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm mà chỉ có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Như vậy, khi quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, cần chú ý xem việc kháng nghị đó có khả thi hay không. Có thể nói căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là: “bản án hoặc quyết định của toà án cấp sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng và sai lầm đó thuộc thẩm quyền quyết định của toà án cấp phúc thẩm”.
Chỉ có Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp với toà án đã ra bản án sơ thẩm mới có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trong khi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật của toà án các cấp mà không bị giới hạn. Hiện nay, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có ba Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, tương ứng với ba Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát chỉ có giá trị pháp lý khi được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền.
Viện Kiểm sát có thể kháng nghị một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm. Có thể kháng nghị theo hướng có lợi hoặc theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Nhưng việc kháng nghị thủ tục phúc thẩm bị ràng buộc bởi các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền truy tố, thẩm quyền xét xử của tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm. Những gì mà bản án sơ thẩm chưa đề cập, chưa quyết định thì không thuộc đối tượng kháng nghị phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm cũng không thể căn cứ vào việc bỏ lọt tội phạm do chưa khởi tố, điều tra, truy tố để hủy bản án sơ thẩm điều tra lại hay xét xử lại được. Trường hợp Viện Kiểm sát chỉ truy tố một tội, tòa án cũng xử như cáo trạng nhưng sau khi xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp cho rằng bị cáo phạm hai tội không phải một tội thì cũng không thuộc phạm vi kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Nếu thủ tục và hình thức kháng cáo có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản thì kháng nghị của Viện Kiểm sát có thẩm quyền phải bằng văn bản và phải nói rõ lý do. Tuy nhiên, có một số bản kháng nghị chỉ nêu một cách chung chung như: “không thoả đáng, không bảo đảm tính nghiêm minh, không công bằng... và yêu cầu xét xử phúc thẩm” thì việc đánh giá tính đúng đắn lý do kháng nghị thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử phúc thẩm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 233 Bộ luật Tố tụng hình sự “kháng nghị bằng văn bản, có nêu rõ lý do. Kháng nghị được gửi đến toà án đã xử sơ thẩm”, quy định này có một ý nghĩa rất lớn ở chỗ: khi nhận được kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp, toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó tiến hành làm thủ tục để gửi hồ sơ vụ án đó lên toà án cấp phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Nếu toà án cấp phúc thẩm nhận được kháng nghị của Viện Kiểm sát thì phải gửi về cho toà án cấp sơ thẩm đã xét xử để tòa án cấp sơ thẩm làm thủ tục thông báo kháng nghị và chuyển hồ sơ đến toà án cấp phúc thẩm.
Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 234 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Thời hạn này nói chung trên thực tế ít bị vi phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định việc xét kháng cáo quá hạn (Điều 235) và chưa có quy định việc xét kháng nghị quá hạn. Trường hợp kháng nghị quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận mà yêu cầu Viện Kiểm sát rút kháng nghị hoặc trả lại kháng nghị cho Viện Kiểm sát. Bởi lẽ, đây hoàn toàn do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình và “việc kháng nghị không chỉ liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm mà còn liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tốt tụng, không thể vì những vi phạm hoặc thiếu sót của cơ quan tiến hành tố tụng mà bắt người tham gia tố tụng phải chịu”. Nếu có trường hợp quá hạn luật định mới thực hiện quyền kháng nghị thì nên chờ bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật rồi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Toà án cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm nhận được kháng nghị quá hạn của Viện Kiểm sát cùng cấp hoặc trên một cấp thì hoàn trả cho Viện Kiểm sát mà không cần phải thực hiện bất cứ hành vi tố tụng nào. Tuy nhiên, để thống nhất, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn để các tòa án và viện kiểm sát cấp dưới thực hiện.
Về thông báo kháng nghị, theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự thì toà án cấp sơ thẩm có trách nhiệm thông báo cho những người tham gia tố tụng biết vụ án đã bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc giao cho toà án cấp sơ thẩm thông báo kháng nghị là vì toà án cấp sơ thẩm là toà án phải làm thủ tục kháng nghị và chuyển hồ sơ vụ án bị kháng nghị lên toà án cấp phúc thẩm nên việc thông báo kháng nghị là phù hợp, không trái với pháp luật và ngoài Toà án cấp sơ thẩm không ai nắm chắc những người tham gia tố tụng.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận