Để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, luật tố tụng hình sự cần phải quy định im lặng là quyền của bị cáo trong các giai đoạn tố tụng nói chung và trong phiên toà nói riêng chứ không để khoảng trống pháp lý như hiện nay.
Từ việc không ghi nhận chính thức, nguyên tắc suy đoán vô tội và các nội dung đầy đủ của nó như là nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự nên hậu quả tất yếu là nhiều quy định của BLTTHS hiện hành trong đó có những quy định về xét xử của Toà án không lột tả hết được những nội dung của nguyên tắc SĐVT. Đó là việc luật không quy định quyền được im lặng của bị cáo trong đó có việc im lặng trước Toà án. Điều 67 Công ước Roma về quy chế Toà án hình sự quốc tế đã quy định: Không bị buộc phải khai nhận tội và được giữ im lặng mà sự im lặng đó không bị coi là có một lý do để xác định bị cáo có tội hay vô tội. Quyền im lặng của bị cáo được BLTTHS Liên bang Nga 2001 quy định tại Điều 47 theo đó bị can có quyền "phản đối việc đưa ra những lời khai liên quan đến việc buộc tội của họ hoặc từ chối đưa ra những lời khai ".
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Quyền được im lặng và không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại mình cũng được luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ thừa nhận thông qua án lệ Escobedo kiện bang Ilinois hay vụ án Miranda còn gọi là "cảnh báo Miranda". Theo án lệ này thì năm 1963, cảnh sát đã bắt Ersesto Miranda vì có chứng cứ cho rằng người này là thủ phạm vụ hiếp dâm cô gái 18 tuổi tại bang Arizona. Sau hai giờ thẩm vấn, Miranda đã thú nhận y chính là thủ phạm. Tại toà Luật sư của Miranda lập luận rằng cảnh sát đã không thông báo quyền được im lặng và quyền có người bào chữa cho bị cáo. Toà án sơ thẩm bác lập luận này của Luật sư và kết án bị cáo. Tuy nhiên, Toà án tối cao Hoa Kỳ đã huỷ bản án kết tội này và tuyên rằng lời tự thú của Miranda không thể được chấp nhận là chứng cứ vì cảnh sát đã không thông báo quyền được im lặng của bị cáo khi tiến hành tố tụng7. "cảnh báo Miranda" vẫn là nỗi ám ảnh của cảnh sát nhiều quốc gia. Chính vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, luật tố tụng hình sự cần phải quy định im lặng là quyền của bị cáo trong các giai đoạn tố tụng nói chung và trong phiên toà nói riêng chứ không để khoảng trống pháp lý như hiện này là không quy định là quyền đồng thời không quy định là nghĩa vụ của bị can, bị cáo Chính khoảng trống pháp lý này tạo cơ hội cho một số cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng sai nguyên tắc SĐVT, biểu hiện ở hành vi dùng nhục hình, mớm cung, ép cung thậm chí cho rằng bị cáo không khai báo là ngoan cố, chối tội và coi đây là cái cớ để tăng nặng hình phạt cho bị cáo.
Về quy định cho phép Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi Toà án thấy còn thiếu những chứng cứ quan trọng mà không bổ sung tại phiên toà; khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác quy định tại Điều 179 BLTTHS cho thấy yếu tố định kiến bị cáo có tội trong hoạt động chứng minh và đánh giá chứng cứ của Toà án rõ hơn là suy đoán vô tội. Quy định này biến Toà án thành cơ quan buộc tội, tạo ra hệ thống cơ quan buộc tội hùng mạnh gồm 3 cơ quan Điều tra, Kiểm sát, Toà án. Trong đó, nếu Toà án thấy việc buộc tội của cơ quan Điều tra, Kiểm sát chưa chặt chẽ (chưa chứng minh được lỗi của bị can) thì Toà án yêu cầu hai cơ quan kia buộc tội lại, trong khi nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định trách nhiệm chứng minh thuộc về bên buộc tội (Điều tra, Kiểm sát). Trường hợp này nếu thấy việc chứng minh lỗi của bị can chưa đủ thì Toà án có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội, chứ không được "hợp sức" cùng hai cơ quan kia buộc tội đến cùng bị cáo, kể cả cho phép bên buộc tội hợp pháp hoá những vi phạm trước đó. Quy định cho phép Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội ở chỗ: Cho phép Toà án định kiến trước bị cáo có tội bằng việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi "có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội khác hoặc có đồng phạm khác". Nguyên tắc suy đoán vô tội khẳng định: Chỉ có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Toà án mới kết luận một người nào đó phạm tội và mọi chứng cứ trong đó có chứng cứ buộc tội và gỡ tội phải được xem xét tại phiên toà. Thế nhưng điểm b Điều 179 lại cho phép Thẩm phán chủ toạ phiên toà định kiến trước bị cáo có tội để trả hồ sơ. Như vậy, để ra bản án buộc tội, Thẩm phán có hai trình tự chứng minh. Một trình tự chứng minh và kết tội sơ bộ bị cáo do Thẩm phán chủ toạ phiên tòa tiến hành và trình tự chứng minh, kết tội chính thức chỉ có ý nghĩa hợp pháp hoá, công khai hoá bản án do Thẩm phán "xử nháp" trước đó của Hội đồng xét xử. Từ đó dẫn tới tính hình thức của phiên toà mà kết quả bị cáo có tội đã được Thẩm phán dự liệu trước.
Với những hạn chế của BLTTHS hiện hành nêu trên, quan điểm của chúng tôi là xoá bỏ chế định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Toà án quy định tại điều 179 BLTTHS hiện hành (nếu chúng ta thừa nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự). Thay vào đó cho phép tại giai đoạn xét xử có quyền bổ sung chứng cứ nếu cơ quan này với tư cách là bên buộc tự thấy việc chứng minh lỗi của bị can, bị cáo chưa đầy đủ . Nếu hồ sơ vụ án đã chuyển sang Toà án mà Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội thì cho dù có thấy những thiếu sót về chứng cứ Toà án vẫn tiến hành xét xử và tuyên bị cáo không phạm tội với lý do, bên buộc tội không chứng minh được, chứng minh không đúng pháp luật lỗi của bị cáo. Có như vậy mới đề cao trách nhiệm chứng minh lỗi của người bị buộc tội của viện kiểm sát cũng như trả Toà án về với đúng chức năng của nó là cơ quan xét xử chứ không phải cơ quan buộc tội và phán quyết của Toà án mới đảm bảo khách quan, không định kiến. Tranh tụng đảm bảo cho việc thực hiện nguyên tắc suy đoán vó tội nhưng các quy định của BLTTHS hiện hành về phiên toà hình sự cho thấy vẫn còn nặng về xét hỏi thì cũng có nghĩa là nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được thể hiện đầy đủ . Phiên toà hình sự của chúng ta cho thấy, Hội đồng xét xử luôn đóng vai trò trung tâm chủ động chứ không phải hai bên buộc tội và gỡ tội. Việc cho phép Hội đồng xét xử quá chủ động trong xét hỏi sẽ dễ dẫn đến vi phạm nguyên tắc SĐVT khi Toà án định kiến bị cáo có tội thì rất có thể sẽ tập trung xét hỏi theo hướng buộc tội và bên gỡ tội có ít cơ hội để phản bác chứng cứ buộc tội, chúng minh sự vô tội của bị cáo. Chính vì vậy, BLTTHS cần sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên toà theo hướng phân định rõ bên buộc tội và bên gỡ tội, Toà án không có chức năng buộc tội mà chỉ có chức năng xét xử. Giảm bớt thời lượng xét hỏi, đặc biệt là xét hỏi bị cáo (bởi vì bị cáo có quyền im lặng) của Hội đồng xét xử mà dành thời gian cho bên buộc tội và gỡ tội tranh luận. Kiểm sát viên là người công bố cáo trạng thì cũng là người chủ động hỏi trước, đưa ra chứng cứ bảo vệ cáo trạng buộc tội. Tương ứng với điều đó là người bào chữa, bị cáo cũng có quyền hỏi và đưa ra các chứng cứ gỡ tội. Toà án chỉ đóng vai trò điều khiển việc tranh tụng... Một trong những quy định theo chúng tôi là vi phạm nguyên tắc là quy định tại Điều 207: Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng sự việc và về từng tội của bị cáo theo trình tự xét hỏi họp lý. Như vậy, Hội đồng xét xử đã định kiến trước có vụ án hình sự xảy ra, có tội phạm và người phạm tội trong khi mới xét hỏi, chưa tranh tụng, chưa kiểm tra chứng cứ...Do vậy cân quy định Hội đông xét xử xét hỏi để làm rõ các vấn đê cần chứng minh quy định tại Điều 64 BLTTHS mới hợp lý và đảm bảo tính khách quan trong việc xem xét bị cáo có tội hay không có tội.
Về bản án hình sự sơ thẩm: Điều 224 BLTTHS chưa thể hiện nguyên tắc suy đoán vô tội Một trong những yêu cầu của bản án hình sự là tính có căn cứ, ngoài tính có căn cứ về mặt luật hình thức (luật tố tụng hình sự) còn có tính căn cứ vê luật nội dung (luật hình sự) để Toà án dựa vào đó tuyên bố một người phạm tội hay vô tội. Thế nhưng Điều 224 mới chỉ thể hiện tính có căn cứ của bản án kết tội: "Phân tích các chứng cứ xác định có tội... nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều khoản nào của Bộ luật Hình sự”. Còn bản án tuyên bị cáo vô tội thì không quy định Toà án sẽ dựa vào những căn cứ pháp lý nào. Về vấn đề này, Nghị quyết số 04 năm 2004 của Hội đông Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn căn cứ vào Điều 107 BLTTHS để tuyên bị cáo không phạm tội. Tuy nhiên, Điều 107 có một căn cứ mà không thể dựa vào đó để tuyên bị cáo vô tội đó là: Người mà hành vi của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lúc pháp luật Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 224 quy định về nội dung bản án thể hiện sự định kiến bị cáo có tội đó là: "Bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo". Điều này chỉ đúng khi bị cáo phạm tội, còn khi bị cáo không phạm tội thì bản án phải trình bày những gì thì không thấy quy định. Bản án phải phân tích chứng cứ gỡ tội tuy nhiên khi chưa đủ chứng cư buộc tội, khi còn nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ buộc tội thì có tuyên bị cáo vô tội hay không thì Điều 224 vẫn còn bỏ ngỏ. Chính vì vậy, theo chúng tôi Điêu 224 cân phải tách thành hai điều tương ứng với hai loại bản án: Một điều luật quy định vê nội dung, hình thức, căn cứ pháp lý của bản án kết tội, một điều khác quy định giống như vậy với bản án tuyên bị cáo vô tội.
(Nguồn:Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 11/2006)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận