Những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực xét xử phúc thẩm

Về mặt lý thuyết, phúc thẩm hình sự cần được nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau: Là một giai đoạn của tố tụng hình sự; là một chế định pháp luật; là một thủ tục tố tụng.

Những đòi hỏi của cải cách tư pháp cần được đáp ứng bằng việc thực hiện một loạt nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án như nguyên tắc độc lập xét xử, nguyên tắc hai cấp xét xử, việc xét xử của Tòa án có Hội thẩm tham gia, khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; nguyên tắc Tòa án xét xử công khai; nguyên tắc quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm; nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội..., trong đó, nguyên tắc hai cấp xét xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chi phối và tác động mạnh đến xét xử phúc thẩm.

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Về mặt lý thuyết, phúc thẩm hình sự cần được nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau: Là một giai đoạn của tố tụng hình sự; là một chế định pháp luật; là một thủ tục tố tụng.Ở khía cạnh là một thủ tục tố tụng, đã có cách hiểu thống nhất trong giới nghiên cứu trong pháp luật và trong thực tiễn, đó là hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện nay về thủ tục giám đốc thẩm, thì trên thực tế, hoạt động giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án vẫn được coi là một "cấp" xét xử. Bởi lẽ, một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực lại có thể được giám đốc lại một số lần (Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Toà chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Điều này không những trái với nguyên tắc hai cấp xét xử mà còn tạo ra nhận thức không đúng trong xã hội, đó là một khi chưa đưa vụ việc ra tới Tòa án nhân dân tối cao hoặc thậm chí cấp cao hơn nữa (Chủ tịch nước, Quốc hội, v.v.) thì vụ việc coi như vẫn chưa chấm dứt. Nhận thức đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu nại không có căn cứ, không thi hành bản án dù đã có hiệu lực pháp luật để tiếp tục theo kiện. Thêm vào đó, việc giải quyết một vụ án qua nhiều cấp giám đốc thẩm gây tốn kém thời gian và các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội.

Về khía cạnh tổ chức, hiện nay vẫn còn những ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề xây dựng các Tòa án trên cơ sở nguyên tắc hai cấp xét xử. Một số ý kiến cho rằng nên xây dựng các Tòa án theo hướng mỗi cấp Tòa án là một cấp xét xử (sẽ có các Tòa án sơ thẩm và các Tòa án phúc thẩm), còn Tòa án nhân dân tối cao đứng trên toàn bộ hệ thống. Loại ý kiến này lập luận rằng tổ chức Tòa án theo phương thức trên sẽ đơn giản hóa được hệ thống, tách biệt rõ ràng thẩm quyền của mỗi Tòa án. Tuy nhiên một khó khăn mà phương án này vấp phải là với trình độ hiện nay, Thẩm phán ở các Tòa án cấp sơ thẩm dường như chưa đảm đương nổi nhiệm vụ xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Loại ý kiến khác cho rằng vẫn nên giữ nguyên các Tòa án với sự phân cấp thẩm quyền như hiện nay vì ngay cả ở những nước áp dụng triệt để nguyên tắc hai cấp xét xử trên thế giới, việc tổ chức các Tòa án thành 3 hay 4 cấp cũng vẫn là điều bình thường. Như vậy, trong cải cách tư pháp, cần phân định lại thẩm quyền xét xử giữa Tòa án các cấp và tổ chức hệ thống Tòa án theo nguyên tắc hai cấp xét xử.

Việc phân định lại thẩm quyền xét xử giữa Tòa án các cấp hiện nay phải tiếp tục theo hướng đảm bảo Tòa án mỗi cấp chủ yếu thực hiện một thẩm quyền xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng một Tòa án thực hiện cả thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, biến giám đốc thẩm từ một thủ tục đặc biệt trở thành cấp xét xử thứ 3 và thuộc thẩm quyền của nhiều cấp Tòa án dẫn đến tố tụng lòng vòng, không có điểm dừng.

Cần tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc hoàn toàn vào địa hạt hành chính, theo đó, hệ thống Tòa án sẽ bao gồm các toà sơ thẩm khu vực, các Tòa án phúc thẩm, các toà thượng thẩm và Tòa án nhân dân tối cao. Kết hợp với tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong cải cách hành chính, thẩm quyền xét xử sơ thẩm cần được giao chủ yếu cho Tòa án cấp thấp nhất trong hệ thống Tòa án; thẩm quyền xét xử phúc thẩm chủ yếu thuộc về Tòa án cấp thứ hai. Cụ thể mô hình tổ chức của hệ thống Tòa án cần được thiết kế như sau:

Tòa án sơ thẩm có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án hình sự. Các Tòa án sơ thẩm được tổ chức theo khu vực, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính (cấp huyện). Các tiêu chí làm căn cứ thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực là địa bàn, dân cư giao thông, số lượng các vụ án trong một năm phải xét xử của mỗi Tòa án, trong đó yếu tố số lượng vụ án xét xử hàng năm là tiêu chuẩn chính.

Tòa phúc thẩm (tương đương Tòa án cấp tỉnh hiện nay) có thẩm quyền chủ yếu xét xử lần thứ hai các bản án do Tòa án sơ thẩm xử lần đầu nhưng bị kháng cáo, kháng nghị; đồng thời Toà phúc thẩm cũng có thẩm quyền xử lần đầu một số ít vụ án đặc biệt phức tạp, nghiêm trọng.

Tòa thượng thẩm khu vực/miền (thay cho các Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao hiện nay) thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm các vụ án do Toà phúc thẩm xử lần đầu nhưng bản án bị kháng cáo, kháng nghị. Các Toà thượng thẩm cũng được tổ chức theo khu vực/miền không phụ thuộc vào đơn vị hành chính lãnh thổ, có thể theo hướng được thành lập ở các trung tâm miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hoặc ở một vài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác có vị trí địa lý trung tâm của khu vực tuỳ theo nhu cầu thực tiễn.

Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu thực hiện hướng dẫn đường lối xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; là toà duy nhất có thẩm quyền xét xử theo thủ tục đặc biệt (giám đốc thẩm, tái thẩm) đôi với một số ít bản án do các Tòa án cấp dưới xử đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị.

Cách tổ chức Tòa án theo hướng này sẽ khắc phục được những bất cập trước mắt như: việc đầu tư cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc có trọng điểm hơn; điều chỉnh được sự quá tải của các Tòa án quận ở các thành phố lớn hoặc tình trạng quá ít công việc của các Tòa án cấp huyện ở nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Mặt khác, xét về lâu dài, cách tổ chức này là một trong những biện pháp quan trọng bảo đảm cho Tòa án độc lập trong hoạt động xét xử.

(Nguồn:Th.S. Đinh Văn Quế, Thủ tục phúc thẩm trong 1uật tố tụng hình sự Việt Nam)

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].