Quyền tự do kháng cáo của bị cáo theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật không chỉ thể hiện bản chất nhân đạo và dân chủ của tố tụng hình sự, mà còn là phương tiện để bị cáo có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, quyền tự do kháng cáo trong tố tụng hình sự Việt Nam không chỉ thuộc về người bị buộc tội là bị cáo, mà còn thuộc về người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ, người bào chữa trong những truờng hợp mà luật tố tụng hình sự quy định. Tuy nhiên, do khuôn khổ của bài viết có hạn, chúng tôi chỉ đề cập phân tích quyền kháng cáo của người bị buộc tội - bị cáo.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Quyền tự do kháng cáo của bị cáo theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, như đã nhấn mạnh, không chỉ thể hiện bản chất nhân đạo và dân chủ của tố tụng hình sự, mà còn là phương tiện để bị cáo có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Xuất phát từ tinh thần đó, trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam, có nhiều quy định đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo trong tố tụng hình sự được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Trước hết, đó là quy định khẳng định bị cáo là một trong những chủ thể tham gia tố tụng hình sự có quyền kháng cáo. Theo Điều 231 BLTTHS năm 2003, bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Đối với bị cáo, họ có phạm vi kháng cáo rất rộng: có thể kháng cáo về tội danh, về hình phạt, về mức bồi thuờng thiệt hại, thậm chí, kháng cáo cả phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không phạm tội. Kháng cáo là hành vi mang tính tố tụng, vì vậy tại khoản 1 Điều 233 BLTTHS quy định: “ Người kháng cáo phải gửi đơn đến Toà án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tạm giam phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo. Người kháng cáo cũng có thể trình bày trực tiếp với Tòa án đã xử sơ thẩm về việc kháng cáo...”. Nhằm đảm bảo thực hiện kịp thời quyền kháng cáo của bị cáo, đồng thời tránh việc kháng cáo dây dưa kéo dài, BLTTHS quy định rõ thời hạn kháng cáo. Theo quy định của Điều 234 thì thời hạn kháng cáo là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu vào phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại tạm giam thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị trại tạm giam nhận được đơn”. Trong một số trường hợp, sau khi bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, do bị ốm đau trầm trọng hoặc gặp rủi ro, tai nạn... bị cáo không thể thực hiện quyền kháng cáo của mình một cách đúng hạn mà pháp luật đã quy định. Để đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo trong những trường hợp đó được thực hiện đầy đủ, BLTTHS sự tại Điều 235 quy định việc kháng cáo quá hạn, theo đó, đơn kháng cáo của bị cáo có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng. Trong những trường hợp như vậy, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán để xét lý do kháng cáo quá hạn. Đồng thời, BLTTHS còn quy định: Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Ngoài ra, nhằm đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo được thực hiện nghiêm chỉnh, BLTTHS hiện hành quy định một loạt quy phạm khác như thông báo về việc kháng cáo (Điều 236); hậu quả của việc kháng cáo (Điều 237); bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo (Điều 238); thời hạn xét xử phúc thẩm (Điều 242); thành phần của Hội đồng xét xử phúc thẩm (Điều 244); những người tham gia phiên tòa phúc thẩm (Điều 245); bổ sung, xem xét chứng cứ tại tòa án cấp phúc thẩm (Điều 246); thủ tục phiên tòa phúc thẩm (Điều 247); bản án phúc thẩm và thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm (Điẻu 248). Về cơ bản, các quy định trên đây không có gì khác biệt lắm so với các quy định tương ứng của BLTTHS năm 1988, ngoại trừ một số thuật ngữ được chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn. Nhìn từ góc độ đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo trong tố tụng hình sự, các quy định trên phản ánh bản chất dân chủ và nhân đạo của tố tụng hình sự Việt Nam thể hiện ở việc coi trọng và bảo vệ đến mức tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của “bên yếu thế” trong quan hệ pháp luật tố tụng hình sự giữa một bên là Nhà nước và bên kia là bị cáo - người bị tình nghi thực hiện tội phạm và đã bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, Tuy nhiên, cũng nhìn từ góc độ đảm bảo quyền kháng cáo của bị cáo trong tố tụng hình sự, cần hoàn thiện một số quy định của BLTTHS hiện hành mà chúng tôi đề cập xem xét ở phân tiếp theo.
(Nguồn:Tạp chí Tòa án nhân dân số 6/2010)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận