Biện pháp ngăn chặn: Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm

Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là một biện pháp ngăn chặn thay thể biện pháp tạm giam được quy định tại điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Điều 93. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm

1. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

3. Cơ quan ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải lập biên bản ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản.

4. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.

5. Trình tự, thủ tục, mức tiền hoặc giá trị tài sản phải đặt để bảo đảm, việc tạm giữ, hoàn trả, không hoàn trả số tiền hoặc tài sản đã đặt được thực hiện theo quy định của pháp luật".
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

1. Điều kiện áp dụng

Cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm khi có đủ các điều kiện sau:

- Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

- Bị can, bị cáo có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp của họ;

- Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không tiêu huỷ, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử;

- Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự;

- Không thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

+ Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

+ Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; phạm tội rất nghiêm trọng thuộc loại tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản;

+ Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã;

+ Bị can, bị cáo là người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

+ Bị can, bị cáo là người nghiện ma tuý;

+ Bị can, bị cáo là người tổ chức trong trường hợp phạm tội có tổ chức;

+ Hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

2. Mức tiền được đặt để bảo đảm

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân bị can, bị cáo và khả năng tài chính của bị can, bị cáo hoặc của người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:

- Hai mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

- Tám mươi triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;

- Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

3. Thẩm quyền áp dụng

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

- Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, quyết định áp dụng phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

4. Thủ tục áp dụng

- Thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm: Khi xét thấy bị can, bị cáo có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thì cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án gửi Thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm cho họ thông qua cơ sở giam giữ.

- Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được Thông báo về việc đặt tiền để bảo đảm và các mẫu văn bản kèm theo, nếu có nguyện vọng xin được đặt tiền để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam thì bị can, bị cáo phải hoàn chỉnh đơn và giấy uỷ quyền (đối với người đã thành niên) và gửi cho cơ quan đã thông báo thông qua cơ sở giam giữ. Trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị, giấy uỷ quyền của bị can, bị cáo, cơ sở giam giữ có trách nhiệm chuyển cho cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án.

- Trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ khi nhận được đơn đề nghị và giấy uỷ quyền của bị can, bị cáo, đại diện cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý vụ án xác nhận vào giấy uỷ quyền và gửi ngay cho người được uỷ quyền bằng thư bảo đảm hoặc chuyển phát nhanh. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được Giấy ủy quyền, người được bị can, bị cáo ủy quyền ghi ý kiến của mình, ký tên vào Giấy ủy quyền và nộp lại cho cơ quan tiến hành tố tụng đối với vụ án. Giấy uỷ quyền là cơ sở để người được uỷ quyền thay mặt bị can, bị cáo thực hiện việc đặt tiền để bảo đảm. Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần thì cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án chuyển đơn đề nghị của bị can, bị cáo cho người đại diện hợp pháp của họ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, người đại diện hợp pháp ghi ý kiến, ký tên vào đơn đề nghị của bị can, bị cáo và nộp lại cho cơ quan tiến hành tố tụng đối với vụ án.

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được các giấy tờ trên, cơ quan đang tiến hành tố tụng đối với vụ án có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Trường hợp xét thấy các thủ tục giấy tờ đã được hoàn tất theo quy định thì ra Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm gửi Kho bạc nhà nước hoặc cơ quan tài chính trong Quân đội nơi sẽ quản lý tiền được đặt để bảo đảm và gửi cho người được bị can, bị cáo uỷ quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ để thực hiện việc đặt tiền, đồng thời, gửi cho cơ quan điều tra là chủ tài khoản tạm giữ (nếu là Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm của Viện Kiểm sát) hoặc cơ quan thi hành án dân sự là chủ tài khoản tạm giữ (nếu là Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm của Tòa án).

- Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được Thông báo về việc cho đặt tiền để bảo đảm, người được bị can, bị cáo uỷ quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ phải hoàn thành việc đặt tiền.

- Trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ khi nhận được liên giấy nộp tiền vào tài khoản tạm giữ hoặc biên bản về việc nộp tiền, Cơ quan điều tra đang tiến hành tố tụng đối với vụ án, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Khi ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm, Viện kiểm sát, Tòa án phải quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn (hủy bỏ biện pháp tạm giam, thay thế bằng biện pháp đặt tiền để bảo đảm) và gửi ngay quyết định đó đến cơ sở đang giam giữ bị can, bị cáo để thi hành.

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].