Có hai biện pháp ngăn chặn thay thế biện pháp tạm giam được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003 là bảo lĩnh và đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.
1. Về biện pháp bảo lĩnh
Điều 92 BLTTHS quy định về biện pháp bảo lĩnh, với tính cách là một trong những biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Nghiên cứu quy định về bảo lĩnh tại điều luật trên có thể thấy một số hạn chế cần được xem xét lại để sửa đổi, bổ sung như sau:
Một là, theo quy định tại Điều 92, Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Trong trường hợp Tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan. Trên thực tế, việc áp dụng biện pháp cho Tổ chức nhận bảo lĩnh hầu như không được thực hiện, bởi lẽ, không và khó có thể thiết lập được cơ chế ràng buộc trách nhiệm của Tổ chức khi Tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan. Nghiên cứu pháp luật tố tụng hình sự nhiều nước, chúng tôi không thấy có quy định về việc cho Tổ chức được nhận bảo lĩnh. Theo chúng tôi, để bảo đảm tính khả thi, Điều 92 BLTTHS cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ quy định về việc Tổ chức được nhận bảo lĩnh.
Hai là, theo quy định tại Điều 92 BLTTHS, khi nhận bảo lĩnh người nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án. Với việc được nhận bảo lĩnh, bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh không bị cách ly khỏi xã hội nên ngoài việc có thể trốn và tiếp tục phạm tội, bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh có thể có những hành vi gây cản trở cho hoạt động điều tra, xét xử. Do vậy, theo chúng tôi, cần bổ sung vào điều luật này nghĩa vụ của người nhận bảo lĩnh là phải cam đoan không để bị can, bị cáo gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử bằng những hành vi như can thiệp đối với nhân chứng để họ khai báo gian dối hoặc cố ý tiêu huỷ, làm sai lệch đồ vật, tài liệu được coi là chứng cứ của vụ án hoặc tác động đến bị can, bị cáo khác để họ khai báo gian dối...
Ba là, Vì biện pháp bảo lĩnh gắn với nghĩa vụ của cả người nhận bảo lĩnh và người được nhận bảo lĩnh nên cần có sự đồng ý va cam kết thực hiện nghĩa vụ từ hai phía: người nhận bảo lĩnh và bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh. Điều 92 BLTTHS hiện hành chưa quy định việc bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh phải đồng ý đối với việc người khác nhận bảo lĩnh cho mình và cam đoan thực hiện những nghĩa vụ nhất định. Những nội dung này cần được bổ sung cho phù hợp.
Bốn là, theo quy định tại khoản 5 Điều 92 BLTTHS thì người nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phảo chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan. Theo chúng tôi, cũng cần quy định rõ căn cứ để xác định người nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam kết để quy trách nhiệm. Việc quy định này có thể theo hướng sau: Nếu người nhận bảo lĩnh cố ý vi phạm nghĩa vụ cam kết bằng việc tổ chức, xúi giục hoặc giúp sức cho bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh có hành vi vi phạm nghĩa vụ đã cam kết hoặc tuy không cố ý tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ cam kết nhưng khi biết việc bị can, bị cáo đã vi phạm nghĩa vụ đã cam kết đã không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền thì phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm nghĩa vụ nhận bảo lĩnh. Đồng thời, cũng cần cụ thể hoá trách nhiệm của người nhận bảo lĩnh khi họ vi phạm nghĩa vụ nhận bảo lĩnh, tuỳ tính chất, mức độ vi phạm có thể là bị xử phạt hành chính (phạt tiền) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (trong trường hợp do lỗi cố ý vi phạm của người nhận bảo lĩnh đã gây hậu quả nghiêm trọng. Theo tinh thần này thì BLHS cũng cần được sửa đổi theo hướng quy định hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo lĩnh gây hậu quả nghiêm trọng là tội phạm).
2. Về biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm
Theo quy định tại điều 93 BLTTHS, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là một trong những biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với bị can, bị cáo để thay thế biện pháp tạm giam và bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án.
Nghiên cứu quy định tại Điều 93 BLTTHS, chúng tôi nhận thấy thấy quy định này cần được xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế:
Một là, nếu coi đây là biện pháp để thay thế và góp phần hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam thì cũng phải coi mục đích của việc áp dụng biện pháp này không chỉ là bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập người đó mà còn là để bảo đảm họ không tiếp tục phạm tội (nếu bị can, bị cáo phạm tội thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước và bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác).
Hai là, để góp phần hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam cần mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác, trong đó có việc mở rộng đối tượng được đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Theo chúng tôi, ngoài bị can, bị cáo, nên mở rộng đối tượng đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm cho cả tổ chức và cá nhân khác (coi đây như một dạng “bảo lĩnh” bằng tiền hoặc tài sản).
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận