Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát để kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cùng cấp và cấp dưới khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại.
Kháng nghị phúc thẩm hình sự là quyền năng pháp lý xuất phát từ chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của Viện kiểm sát nhân dân và xuất phát từ nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự nước ta đó là bảo đảm hai cấp xét xử.
Tại Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Điều 36 BLTTHS quy định: “…2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:... i) Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án, quyết định của Toà án;…”.
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật” (Điều 19).
Như vậy, pháp luật quy định, Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm đối với những bản án và quyết định sơ thẩm khi xét thấy vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Kháng nghị (của Viện kiểm sát) không phải là khái niệm duy nhất chỉ có trong trình tự phúc thẩm mà nó còn là căn cứ để xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nếu kháng nghị là căn cứ để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm thì gọi là kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu là căn cứ để xét xử tái thẩm thì gọi là kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, nếu kháng nghị là căn cứ để xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì gọi là kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Khi Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên toà sơ thẩm hình sự, nếu xét thấy bản án và quyết định của Tòa án vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc sai phạm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật hình sự, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, xã hội và mọi quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng thì Viện kiểm sát phải có trách nhiệm yêu cầu đưa vụ án lên Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại bằng quyền năng pháp lý do luật định đó là kháng nghị phúc thẩm.
Từ đó, có thể định nghĩa: Kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho Viện kiểm sát nhân dân để kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cùng cấp và cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời.
2. Cơ sở pháp lý của kháng nghị phúc thẩm hình sự
Căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị phúc thẩm được quy định trong BLTTHS, trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và được hướng dẫn cụ thể để thực hiện trong quy chế nghiệp vụ do Viện trưởng VKSND tối cao ban hành.
Điều 232 BLTTHS quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Tiếp đó, các Điều từ 233 đến Điều 240 BLTTHS đã quy định về thời hạn, thủ tục kháng nghị phúc thẩm.
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định tại Điều 6: “Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có quyền ra quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản đó”. Điều 18 quy định: “Khi thực hiện công tác kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ và quyền hạn ... yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị”; tiếp theo, Điều 19 quy định: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật”.
Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tại các điều từ Điều 32 đến Điều 37 đã quy định căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự và hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành có thể rút ra một số nội dung về đối tượng, chủ thể, cơ sở, thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân như sau:
- Đối tượng của kháng nghị phúc thẩm là các bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật:
Điều 230 BLTTHS năm 2003 quy định: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị” và Điều 232 quy định: “Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 255 BLTTHS thì: “Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo”. Như vậy trong trường hợp này đối tượng kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân có thể là bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 316 BLTTHS năm 2003 thì “Việc kháng nghị hoặc kháng cáo đối với quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm”. Quy định này cho chúng ta thấy quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh cũng là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Chủ thể kháng nghị phúc thẩm là Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp:
Điều 232 BLTTHS quy định: Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Theo Điều 36 BLTTHS thì người có thẩm quyền quyết định việc kháng nghị phúc thẩm là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp.
Điều 32 Quy chế số 960/2007/VKSTC-V3 về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nêu cụ thể là: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có quyền kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp tỉnh.
- Căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chưa có quy định cụ thể về những căn cứ để kháng nghị phúc thẩm hình sự. Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu việc xét xử sơ thẩm và tính đúng đắn của bản án, quyết định sơ thẩm cũng như thực tiễn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hơn nữa chất lượng các bản kháng nghị phúc thẩm hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007, tại Điều 33 xác định, bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
+ Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;
+ Kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án;
+ Có vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự;
+ Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
- Thời hạn kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Điều 234 và Điều 239 BLTTHS quy định thời hạn kháng nghị phúc thẩm: Đối với bản án sơ thẩm, thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày; thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày. Đối với quyết định sơ thẩm, thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 7 ngày; thời hạn kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày.
Ngoài ra, Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định về thời hạn kháng nghị như sau: Thời hạn là ngày tiếp theo từ ngày tuyên án hoặc ra quyết định và thời điểm kết thúc là ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu là ngày nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.
- Thủ tục bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị phúc thẩm hình sự:
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định cho Viện kiểm sát quyền kháng nghị đồng thời luật cũng quy định cho Viện kiểm sát được bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị là nhằm tạo điều kiện để Viện kiểm sát nghiên cứu, cân nhắc, đảm bảo kháng nghị đúng pháp luật, có chất lượng. Vì vậy, mặc dù Viện kiểm sát đã kháng nghị và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm nhưng trong thời gian chờ mở phiên toà phúc thẩm Viện kiểm sát có thể xem xét để bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị nhưng việc thay đổi này phải tuân theo những thủ tục, trình tự sau:
+ Bổ sung, thay đổi kháng nghị:
Theo quy định tại Điều 238 BLTTHS, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Thẩm quyền rút kháng nghị không chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát đã kháng nghị mà còn do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên cũng có quyền rút kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới. Nếu việc bổ sung, thay đổi kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án được thực hiện trong thời điểm mà thời hạn kháng nghị vẫn còn thì theo nguyên tắc có thể bổ sung, thay đổi kháng nghị theo cả hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo; kể cả trường hợp Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ bản kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị lại thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị, trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nhưng chỉ theo hướng không làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Quy định như vậy là nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của bị cáo.
+ Trường hợp rút kháng nghị:
Việc rút kháng nghị của Viện kiểm sát có thể thực hiện bất cứ lúc nào, rút một phần hay toàn bộ kháng nghị. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới. Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì chỉ khi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị, kháng cáo thì Toà cấp trên phải mở phiên toà phúc thẩm để xem xét lại. Vì thế, khi Viện kiểm sát đã kháng nghị mà rút toàn bộ kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ. Nếu việc rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, còn rút tại phiên toà thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận