Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là khoảng thời gian theo quy định của pháp luật để Toà án thực hiện các hoạt động tố tụng và các công việc cần thiết khác đảm bảo cho việc xét xử vụ án tại phiên toà sơ thẩm đạt chất lượng và hiệu quả cao
"1. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà.
2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà phải ra một trong những quyết định sau đây: a) Đưa vụ án ra xét xử; b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày. Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên toà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử".
Bình luận
1. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là khoảng thời gian theo quy định của pháp luật để Toà án thực hiện các hoạt động tố tụng và các công việc cần thiết khác đảm bảo cho việc xét xử vụ án tại phiên toà sơ thẩm đạt chất lượng và hiệu quả cao. Khoản 2 Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử bao gồm thời hạn để Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên tòa ra một trong các quyết định cần thiết; thời hạn để mở phiên toà theo quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong đó, thời hạn để Thẩm phán chủ toạ phiên toà ra một trong các quyết định như quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án là ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án.
2. Đối với vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết khó đánh giá thống nhất về tính chất vụ án có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành mà Thẩm phán chưa thể ra được một trong các quyết định trong thời hạn nêu trên thì Thẩm phán báo cáo Chánh án xin gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Toà án phải thông báo ngay việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Việc thông báo này giúp cho Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng kiểm sát xét xử và chủ động trong việc tham gia phiên toà. Đây cũng là điểm mới được bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
3. Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong trường hợp có lý do chính đáng như người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng (bị cáo, người bị hại, người làm chứng quan trọng) không thể tham gia phiên toà trong ngày xét xử hoặc việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho phiên toà không kịp ngày đã ấn định... thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày. Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
4. Sau khi nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà.
Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ để xác định đã có đủ điều kiện đưa vụ án ra xét xử hay phải ra một quyết định khác. Khi nghiên cứu hồ sơ cần làm rõ những vấn đề sau:
- Vụ án có thuộc thẩm quyền của Toà án hay không; có cần chuyển vụ án, tách nhập vụ án không?
- Thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố đã đúng và đầy đủ chưa? ư Cần giải quyết như thế nào đối với việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn; xử lý vật chứng hoặc có cần áp dụng biện pháp để bảo đảm bồi thường thiệt hại không?
- Đã có đủ tài liệu, chứng cứ để làm rõ các vấn đề phải chứng minh được quy định tại Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự hay chưa; hành vi của bị cáo có cấu thành tội phạm không?
- Việc định tội, viện dẫn pháp luật trong bản cáo trạng đã đúng chưa?
- Có căn cứ để đưa vụ án ra xét xử hay cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án?
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nếu xác định có đủ các điều kiện để xét xử thì Thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nếu có các căn cứ để ra quyết định khác thì tuỳ từng trường hợp Thẩm phán có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, quyết định tạm đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án.
Trong quá trình chuẩn bị xét xử khi có đơn khiếu nại hoặc yêu cầu của những người tham gia tố tụng về việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can, bị cáo; trả lại đồ vật đã bị tạm giữ v.v... thì Thẩm phán phải xem xét giải quyết. Đối với những yêu cầu, khiếu nại không thuộc thẩm quyền của mình, Thẩm phán phải báo cáo Chánh án Toà án.
Thông thường nếu người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi của đương sự xin đọc hồ sơ vụ án, Thẩm phán cần tạo điều kiện cho họ được nghiên cứu hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đối với những yêu cầu về giải quyết bồi thường thiệt hại, nếu hồ sơ chưa có đủ các tài liệu, chứng cứ thì Thẩm phán tiến hành thu thập thêm chứng cứ để có cơ sở giải quyết phần dân sự đúng theo quy định của pháp luật. Thẩm phán có thể yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình; có thể triệu tập người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng để lấy lời khai hoặc tiến hành những công việc khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thẩm phán tiến hành những công việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà như đề xuất với Chánh án mời Hội thẩm tham gia xét xử; lên lịch xét xử gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, trại giam nơi giam giữ bị can để áp giải bị can đến phiên toà, cơ quan công an để cử người đến bảo vệ phiên toà, Đoàn luật sư; triệu tập những người tham gia tố tụng đến phiên toà; gửi giấy mời cho đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan hoặc cá nhân cần có mặt tại phiên toà; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xét xử lưu động nhằm phát huy tác dụng giáo dục, của việc xét xử (nếu phiên toà được xét xử lưu động).
Trong khi chuẩn bị xét xử nếu thấy cần thiết, Thẩm phán có thể gặp trao đổi với người giám định đề nghị người giám định giải thích những điểm chưa rõ trong kết luận giám định; gặp đại diện cơ quan, tổ chức để nắm được quan điểm của họ về việc giải quyết vụ án đối với những vấn đề có liên quan.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận