Thời hạn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong tố tụng hình sự, bởi thời hạn chính là giới hạn, thời gian dành cho các chủ thể của tố tụng hình sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình.
1. Về thời hạn tạm giữ
Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) qui định như sau:
“1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”.
Như vậy, tổng thời hạn tạm giữ tối đa là 9 ngày. Trên thực tế không phải mọi trường hợp cũng đều phải tạm giữ chín ngày mà có thể tạm giữ với thời hạn ngắn hơn. Vướng mắc ở đây là về thời điểm kết thúc 9 ngày tạm giữ đồng thời với đó là trả tự do cho người bị tạm giữ.
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS có qui định thời hạn tạm giữ bắt đầu kể từ khi Cơ quan điều tra nhận được người bị bắt nhưng lại không thấy qui định về thời điểm kết thúc của thời hạn tạm giữ. Vậy thời điểm kết thúc 9 ngày tạm giữ theo qui định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS sẽ vào lúc nào?
Phân tích ví dụ: Nguyễn Văn D bị tạm giữ vào 12h ngày 01/01/2013 và bị tạm giữ 9 ngày. Kết thúc của 9 ngày tạm giữ là ngày 09/01/2013, nhưng vào lúc mấy giờ?
Với câu hỏi này có ba ý kiến tính thời điểm kết thúc của thời hạn tạm giữ đối với Nguyễn Văn D.
- Ý kiến thứ nhất: khoản 1 Điều 96 BLTTHSquy định:“Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24h ngày cuối cùng của thời hạn”. Căn cứ vào quy định này thì thời hạn kết thúc 9 ngày tạm giữ đối với Nguyễn Văn D là vào lúc 24h ngày 09/01/2013.
- Ý kiến thứ hai: khoản 1 Điều 96 BLTTHS quy định: “Đêm được tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau”. Từ đó suy ra ngày được tính từ 6h sáng đến 22h tối, ngày sẽ kết thúc vào lúc 22h. Căn cứ vào quy định này thì thời hạn kết thúc 9 ngày tạm giữ đối với Nguyễn Văn D vào lúc 22h ngày 09/01/2013.
- Ý kiến thứ ba: Căn cứ 9 ngày x 24 giờ = 216 giờ là thời hạn tạm giữ của 9 ngày thì thời hạn kết thúc tạm giữ đối với Nguyễn Văn D là vào lúc 12h ngày 09/01/2013.
Trên thực tế các Cơ quan điều tra đều thực hiện theo ý kiến thứ ba, thời hạn tạm giữ là lúc 12h khi Cơ quan điều tra nhận được người bị bắt và thời điểm cuối cùng của thời hạn này là vào 12h ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ. Tuy nhiên, Điều 96 BLTTHS về “Tính thời hạn” lại không hướng dẫn cách tính thời hạn như trên.
Từ đó có thể thấy qui định tại khoản 1 Điều 96 BLTTHS “Đêm được tính từ 22h đến 6h sáng ngày hôm sau” chỉ có ý nghĩa trong việc áp dụng qui định về “Không bắt người vào ban đêm” tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, qui định về thời gian là ban đêm ở khoản 1 Điều 96 BLTTHS nên chuyển qua Điều 80 BLTTHS là phù hợp.
Qua thực tiễn áp dụng và ví dụ cụ thể đã phân tích trên ta thấy qui định tại Điều 87 BLTTHS và khoản 1 Điều 96 BLTTHS không có tính khả thi khi áp dụng trên thực tế nên cần sửa đổi, bổ sung.
Về Điều 87 BLTTHS không nên qui định thời hạn tạm giữ tính theo đơn vị ngày mà nên qui định tính theo giờ sẽ xác định chính xác thời điểm kết thúc của thời hạn tạm giữ.
Thứ hai, theo qui định tại khoản 4 Điều 87 BLTTHS qui định “Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam”.
Ví dụ: Nguyễn Văn D bị tạm giữ vào 12h ngày 01/01/2013 và bị tạm giữ 9 ngày. Kết thúc của 9 ngày tạm giữ là ngày 09/01/2013 và bị tạm giam 2 tháng để điều tra. Vậy thời điểm kết thúc của 2 tháng tạm giam sẽ vào lúc nào? Với trường hợp này cũng có 3 ý kiến:
- Ý kiến thứ nhất: Thời hạn tạm giam 2 tháng được tính từ ngày 01/01/2013 đến 01/3/2013. Đáp án này không đúng vì từ ngày 01/01/2013 đến 09/01/2013 thì Nguyễn Văn D chưa phải là bị can nên không là đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Tạm giam quy định tại Điều 88 BLTTHS và việc tính thời hạn tạm giam vào khoảng thời gian này là không được.
- Ý kiến thứ hai: Căn cứ vào Tài liệu tập huấn về BLTTHS tháng 4/2004 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương thì: thời hạn tạm giam 2 tháng được tính từ ngày 10/01/2013 đến 01/3/2013. Thực tế tạm giam 51 ngày vì trừ đi 9 ngày tạm giữ. Đáp án này không trùng với qui định tại khoản 1 Điều 96 BLTTHS“Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau”.
- Ý kiến thứ ba: Thời hạn tạm giam 2 tháng được tính từ ngày 10/01/2013 đến 10/3/2013. Thời hạn tạm giam này không bao gồm thời hạn tạm giữ khi đối tượng chưa phải là bị can đồng thời thời hạn kết thúc vào ngày trùng của tháng sau thoả mãn theo qui định tại khoản 1 Điều 96 BLTTHS nhưng lại không thực hiện được qui định tại khoản 4 Điều 87 BLTTHS “Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam”.
Ý kiến thứ nhất và thứ hai không đúng với qui định tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên thực tế Cơ quan điều tra áp dụng như ý kiến thứ ba. Bởi vậy, khoản 4 Điều 87 BLTTHS không có ý nghĩa áp dụng trên thực tế. Đồng thời, tại đoạn 2 Điều 33 Bộ luật hình sự quy định:“Thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng một ngày tù”. Vì vậy, để phù hợp với qui định tại đoạn 2 Điều 33 Bộ luật hình sự và đáp ứng nhu cầu thực tế nên sửa đổi khoản 4 Điều 87 BLTTHS thành:“Thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ bằng một ngày tạm giam”.
Từ những phân tích trên, tổng thể Điều 87 BLTTHS có thể được sửa đổi, bổ sung lại như sau:
“1. Thời hạn tạm giữ không được quá 72 giờ kể từ khi Cơ quan điều tra nhận được người bị bắt.
2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá 144 giờ kể từ khi Cơ quan điều tra nhận được người bị bắt. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 216 giờ kể từ khi cơ quan điều tra nhận được người bị bắt.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”.
Về đoạn 2 khoản 1 Điều 96 BLTTHS qui định “Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24h ngày cuối cùng của thời hạn”. Nên sửa lại là: “Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc giờ trùng với giờ cơ quan điều tra nhận được người bị bắt đồng thời cũng là thời điểm cuối cùng của thời hạn”.
2. Về thời hạn tạm giam
Theo qui định tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau”. Vậy thời hạn tạm giam sẽ kết thúc vào lúc mấy giờ?
Qui định này xác định được thời hạn kết thúc của thời hạn tạm giam là ngày trùng với ngày bắt đầu của thời hạn tạm giam trong tháng cuối cùng của thời hạn tạm giam, nhưng không xác định là kết thúc vào lúc mấy giờ?
Để đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như phù hợp với những kiến nghị sửa đổi ở Điều 87 BLTTHSđã nêu ở mục 1 thì khoản 1 Điều 96 BLTTHS nên sửa đổi lại như sau: “Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn sẽ hết vào giờ trùng với giờ cơ quan điều tra nhận được người bị bắt trong ngày cuối cùng của thời hạn; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó”.
Sửa đổi theo hướng này thì qui định “nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn”, “Thời hạn được tính bằng tháng thì một tháng được tính là 30 ngày” và qui định “Đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” được kiến nghị chuyển sang Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tổng thể điều 96 BLTTHS nên được sửa đổi, bổ sung lại như sau:
“1. Thời hạn mà Bộ luật này qui định được tính theo giờ, ngày và tháng.
Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc giờ trùng với cơ quan điều tra nhận được người bị bắt trong ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn sẽ hết vào giờ trùng với giờ Cơ quan điều tra nhận được người bị bắt trong ngày cuối cùng của thời hạn; nếu tháng đó không có ngày trùng, thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó”.
Tạm giam, tạm giữ hiện nay hạn chế rất nhiều các quyền cơ bản của một công dân. Việc áp dụng biện pháp này lại đang có nhiều điều bất cập, đặc biệt là trong việc xác định thời điểm kết thúc của thời hạn tạm giam, tạm giữ, đôi khi bị lạm dụng theo chủ quan của Cơ quan điều tra theo kiểu “giam vào cho dễ điều tra”, nên tình trạng vượt quá thời hạn tạm giam, tạm giữ theo qui định của BLTTHSlà không hiếm. Vì vậy, việc xác định đúng thời điểm kết thúc của thời hạn tạm giữ, tạm giam cho phép xác định được một khoảng thời gian cụ thể để cơ quan áp dụng biện pháp này tích cực thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ, thực hiện đúng quá trình tố tụng.
Trên đây là một vài kiến nghị về vấn đề thời hạn tạm giữ, tạm giam qui định trong BLTTHS rất mong sự trao đổi, góp ý của các bạn đồng nghiệp và các chuyên gia.
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].
Bình luận