Bảo đảm quyền con người trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam

Quyền con người là những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, chỗ ở, quyền bí mật thư tín, điện tín, điện thoại,...

1. Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế một số quyền của công dân, quyền con người của người bị bắt. Mục đích của các biện pháp này là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự pháp luật và pháp chế. Các biện pháp ngăn chặn nhằm bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng khi áp dụng chúng cũng rất dễ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi vì, một số hoạt động tố tụng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được thông tin... của người bị bắt. Nắm vững nội dung, thẩm quyền, thủ tục bắt, tạm giữ, tạm giam sẽ bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng đúng pháp luật, tránh vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực thi công vụ.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

2. Bắt người, tạm giữ, tạm giam người là những biện pháp cưỡng chế cần thiết do các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án áp dụng đối với bị can, bị cáo. Một số trường hợp, có thể áp dụng cả đối với người chưa bị khởi tố (như người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và trong trường hợp khẩn cấp) nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án.

Do nhận thức không đầy đủ về tính chất, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động bắt người, tạm giam, tạm giữ cũng như các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án làm cho việc vận dụng thiếu chính xác dễ dẫn đến những hoạt động tuỳ tiện, trái pháp luật xâm hại đến quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân. Để bảo đảm được quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, phải không ngừng bồi dưỡng nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chính trị và đạo đức công vụ cho những cán bộ này; thực hiện tốt chế độ báo cáo đối với cơ quan có thẩm quyền và trước nhân dân thông qua cơ quan đại diện của họ tại địa phương (ở mức độ cho phép nếu không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án); đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền và của nhân dân.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác và bảo đảm được quyền con người, chủ thể tiến hành tố tụng phải nhận thức được rõ ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Phải hiểu rằng: áp dụng các biện pháp bắt người, tạm giữ, tạm giam là nhằm bảo vệ trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nhưng cần chú ý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng. Bởi vì người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa phải là tội phạm, họ mới chỉ tạm bị hạn chế một số quyền như quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú. Những quyền khác của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn vẫn phải được bảo đảm và được tôn trọng. Chẳng hạn, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.

Việc áp dụng tùy tiện các biện pháp ngăn chặn như việc bắt oan người vô tội, bắt không đúng thủ tục, bắt sai thẩm quyền, tạm giữ hoặc tạm giam quá hạn... đều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Người thực hiện một trong các hành vi nói trên phải bị xử lí nghiêm khắc, thậm chí có thể bị truy tố theo pháp luật để bảo đảm sự nghiêm minh, công bằng xã hội, bảo đảm quyền con người của người bị bắt oan, sai, bị tạm giữ, tạm giam quá hạn. Những hành vi bắt oan người vô tội, bắt không đúng thủ tục, bắt sai thẩm quyền, tạm giữ hoặc tạm giam quá hạn không chỉ xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể và sinh mạng chính trị của con người, của công dân mà còn làm suy giảm uy tín của Nhà nước ta, nhà nước của dân, do dân và vì dân, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, việc hiểu đúng, hiểu đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về các biện pháp ngăn chặn sẽ nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm; qua đó cũng góp phần quan trọng và cần thiết để bảo đảm quyền con người.

Với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, việc bắt, giam giữ cần phải được tiến hành kiên quyết, kịp thời. Tuy nhiên, không thể vì bất cứ một lý do gì mà áp dụng các biện pháp ngăn chặn tràn lan, sai tính chất, sai đối tượng, không đảm bảo các yêu cầu của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bắt người không phải là biện pháp trừng phạt đối với người phạm tội mà là biện pháp ngăn chặn được áp dụng để tước bỏ điều kiện gây ra tội phạm, ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật của người thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

3. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là biện pháp thường được áp dụng trong đấu tranh chống tội phạm. Mục đích là để ngăn chặn hành vi phạm tội và việc lẩn trốn pháp luật của bị can, bị cáo. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam là bắt người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Như vậy, đối tượng bị bắt để tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Người chưa bị khởi tố với tư cách là bị can, hoặc người không bị Toà án đưa ra xét xử không thể bị bắt để tạm giam. Nếu người chưa bị khởi tố với tư cách là bị can, hoặc người không bị Toà án đưa ra xét xử mà vẫn bị bắt để tạm giam thì có nghĩa các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, quyền con người, quyền công dân của người bị bắt không được đảm bảo. Bắt bị can, bị cáo để tạm giam không phải là biện pháp duy nhất để ngăn chặn, vì vậy không phải mọi bị can, bị cáo đều bị bắt để tạm giam. Khi bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội và thái độ của họ khi và sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Chỉ được bắt người để tạm giam khi có đủ căn cứ để xác định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội và nếu xét thấy cần phải bắt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xử lý tội phạm. Khi có những điều kiện, dấu hiệu cho thấy người phạm tội không có ý trốn tránh pháp luật, không gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì không nên bắt (thậm chí không được bắt) mà có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Chẳng hạn, người phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng hoặc phạm tội do vô ý, không có hành động cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì không cần bắt để tạm giam.

Bắt bị can, bị cáo để tạm giam có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân vì vậy chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền ra lệnh bắt. Lệnh bắt nếu thiếu sự phê chuẩn của Viện kiểm sát sẽ bị coi là không có giá trị và công dân có quyền không chấp hành. Luật quy định sự phê chuẩn của Viện kiểm sát cùng cấp nhằm bảo đảm cho việc bắt người đúng pháp luật và chỉ bắt những người thực sự cần phải bắt để ngăn chặn tội phạm hoặc để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, và thi hành án hình sự. Để bảo đảm quyền con người, quyền công dân, khi thực hiện bắt bị can, bị cáo để tạm giam phải đảm bảo: Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên; chức vụ của người ra lệnh; họ, tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt phải thật rõ ràng, có cơ sở pháp lý. Lệnh bắt do người có thẩm quyền ký và đóng dấu (không phải cứ cơ quan công an là có quyền ra lệnh bắt, chỉ cơ quan hoặc người có thẩm quyền mới có quyền ra lệnh) nhằm tránh sự tùy tiện, giả mạo... khi thực hiện lệnh bắt người thi hành phải tôn trọng triệt để các quy định của pháp luật. Phải đọc to lệnh bắt, giải thích cho người bị bắt rõ lý do bắt, các quyền và nghĩa vụ của họ và phải lập biên bản. Biên bản phải có chữ ký của người có thẩm quyền và người chứng kiến cùng ký vào biên bản khi thi hành lệnh bắt. Khi bắt người phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền cơ sở nơi tiến hành bắt, phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt. Cần chú ý: Người bị bắt trong trường hợp nêu trên chỉ là bắt để tạm giam. Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam không có nghĩa là giam luôn người bị bắt. Quyết định bắt người không thể đánh đồng hay thay thế cho quyết định tạm giam.

Nguồn: Tạp chí Khoa học pháp lý số 3(34)/2006

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].