Những hạn chế trong quy định của pháp luật và thực trạng áp dụng BPTG như trên đòi hỏi phải có những nghiên cứu, tổng kết để sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS.
Quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp "Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi và quyết định tố tụng của mình. Xác định rõ căn cứ tạm giam; hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số loại tội phạm; thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam qua nghiên cứu thực trạng quy định và thực tiễn thực hiện căn cứ áp dụng BPTG cũng như những bất cập, vướng mắc trong thời gian qua và tham khảo pháp luật TTHS một số nuớc, chúng tôi cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về căn cứ áp dụng BPTG trong BLTTHS theo tinh thần sau:
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Thứ nhất, cần quy định cụ thể, chặt chẽ căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung, và BPTG nói riêng, phân biệt rõ ràng giữa mục đích và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn để làm cơ sở cho việc áp dụng BPTG. BLTTHS hiện hành quy định căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn chung tại Điều 79, nhưng theo chúng tôi, nội dung quy định ở đây không rõ là về căn cứ hay mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Mặt khác, trong TTHS có nhiều biện pháp ngăn chặn với mức độ nghiêm khắc khác nhau, nên không thể quy định căn cứ áp dụng chung cho nhiều biện pháp (kiểu như quy định về căn cứ quyết định hình phạt trong Bộ luật Hình sự).Thứ hai, không sử dụng kết quả phân loại tội phạm như cơ sở độc lập để xây dựng căn cứ áp dụng BPTG cần coi khả năng bị can, bị cáo có thể cản trở, gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hoặc có thể tiếp tục phạm tội là căn cứ chủ yếu để xem xét, quyết định BPTG. Trường hợp cần thiết thì có thể căn cứ vào chế tài của quy phạm pháp luật hình sự quy định về tội phạm để áp dụng.
Thứ ba, bồ sung thêm một trong những căn cứ tạm giam là khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác không hạn chế tự do không có kết quả, nhằm khuyến khích các cơ quan THTT áp dụng các biện pháp này; tạm giam cần được áp dụng như là biện pháp bất đắc dĩ cuối cùng trong TTHS.
Thứ tư, sửa đổi các điều 177, 228, 243, 250,287 theo hướng dẫn chiếu căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn về Điều 88 và điều 303 BLTTHS hiện hành.
Thứ năm, cần nghiên cứu về việc hạn chế tạm giam đối với một số loại tội phạm. Thực tiễn áp dụng BPTG ở nước ta những năm qua cho thấy, do BLTTHS hiện hành không quy định đối với những loại (nhóm) tội phạm nào thì có thể hạn chế việc tạm giam, nên việc xem xét, quyết định tạm giam chỉ căn cứ vào quy định của Điều 88 BLHS (và Điều 303 nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên) chứ không căn cứ vào loại tội phạm mà bị can, bị cáo đã thực hiện. Trên thực tế có những trường hợp bị can, bị cáo phạm tội thuộc nhóm tội phạm về kinh tế - chức vụ, họ có nơi cư trú rõ ràng, có đủ điều kiện để có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác ít nghiêm khắc hơn BPTG như: cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh hoặc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, họ không có khả năng và điều kiện thực tế để có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội nhưng họ vẫn bị tạm giam với lý do đơn giản là để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử. Cần khẳng định rằng, việc hạn chế tạm giam bị can, bị cáo đối với một số loại tội phạm là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra là cần hạn chế tạm giam đối với những loại tội phạm cụ thể nào và trong những trường hợp nào. Trong điều kiện thực tế ở nuớc ta hiện nay, có thể nghiên cứu để hạn chế việc tạm giam bị can, bị cáo đối với một số loại tội phạm sau: Nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; nhóm tội phạm về môi trường; một số tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu (trừ các tội: Cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản...); một số tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính; một số tội phạm thuộc nhóm tội phạm về chức vụ và nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cùng với việc quy định hạn chế tạm giam đối với một số loại tội, cần thiết phải tăng cường hiệu quả và tính khả thi của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Theo chúng tôi, cần nghiên cứu kết hợp các biện pháp bảo lĩnh và biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thành biện pháp bảo lĩnh để thay thế cho BPTG. Trong đó, nguời bị áp dụng BPTG có thể bảo lĩnh cho mình bằng cách đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm; cơ quan, tổ chức cũng có thể bảo lĩnh cho người bị áp dụng BPTG bằng việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm; không cho phép bảo lĩnh bằng tín chấp như hiện nay.
(Nguồn:PGS. TS. Trần Văn Độ - Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương)
Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:- Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
- Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
- Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
- E-mail:[email protected], hoặc E-mail:[email protected].
Bình luận