Thẩm quyền và phạm vi quyết định của Toà án cấp phúc thẩm

Nếu bản án hoặc quyết định của Toà án cấp sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng và kháng nghị phúc thẩm tuy có căn cứ nhưng theo quy định của pháp luật Toà án cấp phúc thẩm không thể chấp nhận kháng nghị được thì việc mục đích kháng nghị cũng không đạt.

Vì vậy, để kháng nghị phúc thẩm đạt được mục đích, người kháng nghị cần hiểu rõ thẩm quyền và phạm vi quyết định của Toà án cấp phúc thẩm nếu như kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận.

Theo quy định tại Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền quyết định:

- Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;

- Sửa bản án sơ thẩm;

- Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;

- Huỷ bán án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Trong các quyết định trên, có quyết định theo hướng có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng nhưng cũng có quyết định theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng.

Đối với các quyết định theo hướng có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng dù có kháng nghị phúc thẩm theo hướng đó hay không thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn có thẩm quyền quyết định khi xét xử phúc thẩm, nếu như quyết định đó không trái với pháp luật. Tuy nhiên, đối với các quyết định theo hướng không có lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thẩm quyền quyết định trong một số trường hợp mặc dù có kháng nghị theo hướng đó.
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Theo quy định tại khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự thì, trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại.

- Tăng hình phạt đối với bị cáo

Tăng hình phạt đối với bị cáo là Toà án cấp phúc thẩm quyết định một hình phạt nặng hơn so với hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định đối với bị cáo.

Toà án cấp phúc thẩm không có quyền “biến không thành có”, tức là Toà án cấp sơ thẩm chưa quyết định hình phạt đối với bị cáo thì dù có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại thì Toà án cấp phúc thẩm cũng không được áp dụng hình phạt đối với bị cáo, vì như vậy không phải là tăng hình phạt mà là quyết định hình phạt đối với bị cáo.

Nếu kháng nghị của Viện kiểm sát yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo thì Toà án cấp phúc thẩm có thể tăng cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung mà Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định đối với bị cáo bị kháng nghị, nhưng chỉ được tăng mức hình phạt chứ không được chuyển sang hình phạt khác thuộc loại năng hơn.

Tuy nhiên, đối với trường hợp Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng hình phạt tù trong cùng một khung hình phạt với tù chung thân hoặc tử hình mà Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt thì Toà án cấp phúc thẩm có thể áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm phạt bị cáo 20 năm tù về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo thì Toà án cấp phúc thẩm có thể áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, vì hình phạt tù 20 năm đối với tội giết người cùng một khung hình phạt với tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng nếu hình phạt từ đó lại không cùng khung hình phạt với hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì Toà án cấp phúc thẩm không có quyền áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình nếu kháng nghị của Viện kiểm sát không đồng thời yêu cầu áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn. Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm phạt bị cáo 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 139 Bộ luật hình sự, Viện kiểm sát kháng nghị chỉ yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt mà không đồng thời yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể tăng mức hình phạt đối với bị cáo nên tối đa không quá 15 năm tù. Đây là vấn đề thực tiễn xét xử Toà án cấp phúc thẩm thường vi phạm, cứ cho rằng có kháng nghị của Viện kiểm sát nên Toà án cấp phúc thẩm muốn tăng hình phạt thế nào cũng được.

Vì vậy, khi kháng nghị phúc thẩm người kháng nghị cần nêu yêu cầu cụ thể, tăng mức hình phạt hay chuyển sang loại hình phạt khác thuộc loại nặng hơn, hay áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn?

Vấn đề đặt ra là: Toà án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, Viện kiểm sát kháng nghị yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên mức hình phạt tù nhưng không cho bị cáo được hưởng án treo thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền chuyển án tù treo thành án tù giam đối với bị cáo được không?

Thực tiễn xét xử, nếu có căn cứ các Toà án cấp phúc thẩm đều chấp nhận kháng nghị chuyển từ án treo sang án tù, chưa có ý kiến nào cho rằng quyết định này của Toà án cấp phúc thẩm là không đúng pháp luật, với lý do, có kháng cáo hoặc kháng nghị theo “hướng tăng nặng” thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền “làm xấu đi tình trạng” của bị cáo, không có quy định nào cấm Toà án cấp phúc thẩm cả.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, thuật ngữ theo “hướng tăng nặng” hay “làm xấu đi tình trạng” của bị cáo chỉ là cách nói chứ Bộ luật tố tụng hình sự không có điều luật nào quy định kháng nghị theo “hướng tăng nặng” hay “làm xấu đi tình trạng” của bị cáo cả. Do đó, khi Toà án cấp phúc thẩm quyết định theo hướng bất lợi cho bị cáo nhất thiết phải căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, mà cụ thể là quy định tại Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự thì Toà án cấp phúc thẩm chỉ có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại; không có quy định nào cho phép Toà án cấp phúc thẩm chuyển án tù treo thành án tù giam đối với bị cáo, nhưng lại có quy định chuyển từ án tù giam sang án treo. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động tố tụng là pháp luật cho phép thì cơ quan tiến hành tố tụng mới được làm, chứ không phải không cấm thì được làm, nếu việc làm đó gây bất lợi cho bị cáo và người tham gia tố tụng. Mặt khác, án treo không phải là một loại hình phạt mà là một chế định “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Nếu Toà án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tù giam, nhưng Toà án cấp phúc thẩm thấy có thể “miễn chấp hành hình phạt” cho bị cáo với điều kiện mà pháp luật quy định thì lại hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm, cũng như trường hợp Toà án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt nhưng Toà án cấp phúc thẩm miễn hình phạt cho bị cáo là hoàn toàn đúng pháp luật. Nhưng khi Toà án cấp sơ thẩm đã “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” cho bị cáo (cho hưởng án treo) thì Toà án cấp phúc thẩm không thể buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù được. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp Toà án cấp sơ thẩm miễn hình phạt cho bị cáo thì Toà án cấp phúc thẩm không thể áp dụng hình phạt đối với bị cáo được, dù đó là loại hình phạt nhẹ nhất (cảnh cáo).

Như vậy, theo chúng tôi Toà án cấp phúc thẩm không có quyền chuyển án tù treo thành án tù giam nếu như không tăng hình phạt tù lên trên ba năm.3

- Áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn.

Áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn là trường hợp Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự mà điều khoản đó so với điều khoản mà Toà án cấp sơ thẩm áp dụng nặng hơn. Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự, Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự. Cũng coi là áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm vẫn kết án bị cáo về tội danh như Toà án cấp sơ thẩm nhưng áp dụng khung hình phạt nặng hơn. Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự về tội trộm cắp tài sản nhưng Toà án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 138 Bộ luật hình sự. Nói chung, khi Toà án cấp phúc thẩm đã áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn thì đồng thời cũng tăng hình phạt đối với bị cáo, nhưng điều đó không bắt buộc đối với Toà án cấp phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm có thể áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn nhưng vẫn giữ nguyên mức hình phạt mà Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo. Vì vậy, khi kháng nghị phúc thẩm, nếu Viện kiểm sát muốn yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm vừa áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn vừa yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo thì trong bản kháng nghị phải ghi rõ là “yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn và tăng hình phạt đối với bị cáo”. Nếu bản kháng nghị chỉ yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn mà không nói gì đến việc tăng hình phạt thì Toà án cấp phúc thẩm không được tăng hình phạt đối với bị cáo.

- Tăng mức bồi thường thiệt hại

Việc Toà án cấp phúc thẩm quyết định tăng mức bồi thường thiệt hại cũng như việc kháng nghị theo hướng tăng mức bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là một việc rất phức tạp, vì nó không chỉ liên quan đến các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự mà còn liên quan đến các quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự.

Việc tăng mức bồi thường thiệt hại không chỉ đối với bị cáo mà còn có thể đối với người giám hộ của bị cáo hoặc bị đơn dân sự. Vì vậy, những người này là những người bị kháng cáo hoặc bị kháng nghị họ phải được Toà án cấp phúc thẩm triệu tập đến phiên toà, nếu họ vắng mặt có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không được tăng mức bồi thường đối với họ. Nếu xét việc tăng mức bồi thường là cần thiết thì phải hoãn phiên toà.

Vì vậy, cùng với việc kháng nghị tăng mức bồi thường thiệt hại người kháng nghị phúc thẩm cần nêu rõ lý do của việc tăng mức bồi thường thiệt hại, tăng bao nhiêu và theo quy định nào của Bộ luật hình sự hay Bộ luật dân sự. Mặt khác, phải xác định khả năng tham gia phiên toà của những người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại để kháng nghị của mình đạt được mục đích.

- Sửa quyết định xử lý vật chứng

Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự thì vật chứng là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự thì vật chứng được xử lý như sau:

- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;

- Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;

- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;

- Vật chứng là hàng hoá mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;

- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu tiêu huỷ.

Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào các quy định về xử lý vật chứng quy định tại khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, nếu thấy Toà án cấp sơ thẩm quyết định không đúng thì có quyền sửa lại cho đúng pháp luật. Việc sửa quyết định xử lý vật chứng của Hội đồng xét xử phúc thẩm Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự không quy định nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị thì mới được sửa. Do đó Toà án cấp phúc thẩm sửa quyết định xử lý vật chứng của Toà án cấp sơ thẩm theo hướng bất lợi hay không bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng không phụ thuộc vào việc có hay không có kháng cáo, kháng nghị. Vì vậy, khi xét thấy Toà án cấp sơ thẩm quyết định xử lý vật chứng không đúng thì Viện kiểm sát có thể kháng nghị và yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa lại cho đúng. Trong quyết định kháng nghị có thể nêu định hướng nhưng nếu không nêu định hướng thì cũng không ảnh hưởng đến quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.

Tóm lại, việc kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng là quyền của Viện kiểm sát trong thời hạn kháng nghị phúc thẩm, nhưng cần chú ý rằng, không phải trong trường hợp nào Viện kiểm sát kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng đều thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án cấp phúc thẩm. Vì vậy, khi quyết định kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị cáo và người tham gia tố tụng, người kháng nghị cần xác định thẩm quyền quyết định của Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.

Nguồn: Toaan.gov.vn

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Địa chỉ: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Văn phòng giao dịch: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6218
  4. E-mail:[email protected], hoặc E-mail: [email protected].